"Quá đông, chỉ toàn thấy người", Lưu Minh Đức (ngụ Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ với Tri Thức - Znews về chuyến đi lễ chùa Hương ở Mỹ Đức, Hà Nội cuối tuần qua (23/2).
Đức cho biết lễ chùa Hương thành thông lệ mỗi năm của gia đình. Dù đông hoặc thời tiết xấu, anh vẫn đi lễ dịp tháng Giêng để mong cầu tài lộc, bình an cho gia đình.
"Hôm tôi đi trời mưa lất phất, nhiệt độ khá lạnh. Tuy nhiên vào chùa vẫn thấy rất đông người đi lễ. Tôi cũng không quá bất ngờ bởi năm nào dịp tháng Giêng, chùa Hương cũng tập nập như vậy", anh Đức chia sẻ.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, ngày 23/2, hàng loạt hình ảnh ghi lại cảnh dòng người đổ về chùa Hương đông như mắc cửi. Bất chấp mưa gió, rét mướt, người đội ô, người mặc áo mưa vẫn rộn ràng chen chân đi lễ hội.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Khung cảnh người dân trẩy hội chùa Hương, bất thời tiết mưa, rét. Ảnh: Chùa Hương, Hà Nội News. |
Trao đổi với Tri Thức - Znews ngày 25/2, ông Bùi Văn Triều, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) cho biết chùa Hương đón lượng khách rất đông dịp cuối tuần, nhưng không xảy ra tình trạng chen lẫn, giẫm đạp, gây nguy hiểm đến an toàn của du khách.
"Chúng tôi có các tổ liên ngành túc trực liên tục để phân luồng, giám sát và quản lý. Nhờ công tác quản lý tốt, dù lượng khách đông, trật tự an ninh vẫn được kiểm soát chặt chẽ. Đông đúc nhưng không xảy ra tình trạng chen lẫn, giẫm đạp, gây nguy hiểm đến khách đi lễ hội", ông Bùi Văn Triều nói.
Trưởng ban quản lý Khu di tích thông tin, trong suốt 23 ngày kể từ khi khai hội (từ ngày 3/2, tức mùng 6 Tết Âm lịch) đến nay, chùa Hương đón hơn 135.000 lượt khách. Lượng khách cao điểm là vào các Chủ nhật, có ngày đón tiếp lên tới 40.000 lượt khách.
Theo ông Triều, so với năm 2024, số lượng khách tham quan Chùa Hương năm nay không giảm. Lượng khách sẽ tiếp tục tăng trong các ngày tới nhờ công tác phục vụ được cải thiện và chất lượng dịch vụ được nâng cao.
Dự kiến từ nay đến kết thúc lễ hội (1/5), khu di tích Hương Sơn đón 1 triệu lượt khách.
![]() |
Giá đi đò tại chùa Hương năm nay tăng so với 2024. Trưởng Ban quản lý di tích khẳng định giá tăng tương đương với chất lượng dịch vụ tăng. Ảnh: Ban quản lý di tích danh thắng Hương Sơn. |
Lễ hội Chùa Hương năm nay có nhiều cải tiến so với năm 2024 và những năm trước đó. Ban tổ chức đã tích hợp vé tham quan thắng cảnh và vé xuồng đò, tạo sự tiện lợi và minh bạch trong dịch vụ.
Giá vé tham quan thắng cảnh năm nay là 120.000 đồng/người/lượt, không đổi so với năm 2024. Trong khi giá vé đò thuyền tăng từ 85.000 lên 100.000 đồng, đi kèm với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn giao thông thủy.
Ông Triều cho biết thêm hiện đơn vị đang quản lý 3.700 đò thuyền, mỗi đò quy định chỉ chở 6 người, đối với thuyền lớn chỉ chở 10-12 người. Các đò thuyền được điều phối luân phiên lần lượt chở khách, tránh tình trạng chở quá tải, gây mất an toàn. Ngoài ra, trên thuyền được trang bị đầy đủ áo phao, giỏ đựng rác, ô che nắng, che mưa, ghế ngồi, nước uống miễn phí...
Mỗi xã viên lái đò có một mã QR để Hợp tác xã quản lý, mỗi thuyền đò có mã QR tương tác thông tin phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò đối với du khách. Thời gian phục vụ du khách bằng thuyền đò bắt đầu từ 4h30 đến 20h hàng ngày.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Cảnh chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) từ trên cao. Ảnh: Hà Nội News. |
Đối với những trường hợp chèo kéo, làm phiền du khách hay các hành vi không đúng mực, Ban quản lý sẽ xử lý nghiêm, nhắc nhở và cam kết sẽ lập biên bản, xử lý nếu cần thiết.
"Lực lượng quản lý chưa ghi nhận tình trạng trộm cắp, móc túi, cờ bạc trá hình, mê tín dị đoan diễn ra tại lễ hội chùa Hương năm nay. Đến hiện tại chúng tôi đã lập biên bản xử lý 2 trường hợp chèo kéo khách gửi xe, viết sớ, mua hàng hóa; kiểm tra, đóng cửa hàng 2 trường hợp làm mất an ninh trật tự và hét giá; nhắc nhở xử lý 9 phương tiện đò thuyền không chấp hành đúng quy định", ông Triều nói.
Chùa Hương (quần thể di tích - danh thắng Hương Sơn) thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Đây được xem là điểm đến tâm linh nổi tiếng có một không hai ở Việt Nam. Chùa Hương có hệ thống núi non, có rừng Hương Sơn 3 tầng thực vật, có suối Yến trong xanh đưa khách vào chùa.
Lễ hội chùa Hương năm 2025 có chủ đề “Lễ hội chùa Hương điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt”, diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 3/2 đến hết ngày 1/5. Trong đó, Lễ khai hội được tổ chức vào sáng sớm mùng 6 Tết (tức 3/2).
Ngoài ra năm nay Ban tổ chức xây dựng một Tuần lễ Văn hóa Du lịch truyền thống, kết hợp các tiết mục văn hóa phi vật thể và nghệ thuật dân gian truyền thống, cùng các trò chơi dân gian vào chương trình, nhằm nâng cao giá trị văn hóa của lễ hội.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.