Bên trong động Hương Tích. Ảnh: Phan Hường. |
Chia sẻ với Zing, Phan Thị Hường (sống tại Hà Nội), cho biết mình chọn đi du xuân ở chùa Hương vào 26/1 (mùng 5 Tết). Ban đầu, Hường nghĩ tới 27/1 (mùng 6 Tết) mới khai hội chùa Hương nên sẽ chưa quá đông. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại.
"Trên đường từ Hà Nội đi đã tắc đường. Tới nơi, đoạn đông nhất là khúc lên cáp treo. Sau khi mua vé xong, tôi phải chờ tới 2 giờ để lên được cáp treo. Ra khỏi cáp treo, đường lên động Hương Tích cũng tắc không kém. Đi được 500 m cũng tốn khoảng một giờ", Hường cho biết.
Trước đó, từ 25/1 (mùng 4 Tết), nhiều bài đăng trên mạng xã hội với chú thích "chùa Hương thất thủ" cũng đã ghi lại cảnh đoàn người di chuyển rất chậm trên đường lên động Hương Tích hay kẹt cứng ở cáp treo.
Ảnh trái, lối lên động Hương Tích. Ảnh phải, cảnh ùn tắc ở khu vực cáp treo. Ảnh: Phan Hường, Lê Huy. |
Nhiều người chọn đi sớm hẳn, từ khoảng 3-4h để tránh ùn tắc. Những người đi từ khoảng 8h như Hường vẫn được xem là đi muộn. Thậm chí, Lê Huy (sống tại Hà Nam) cho biết mình đã bị kẹt ngay từ khúc đi đò trên suối Yến vì khởi hành khá muộn (10h).
Anh chia sẻ thêm: "Đây là năm thứ 11 tôi đi chùa Hương ngày năm mới. Do đi nhà đò quen, tôi không gặp cảnh chặt chém, chèo kéo. Lối vào động Hương Tích tắc khủng khiếp. Suốt một giờ, tôi chỉ nhích được 100-200 m".
Lễ hội chùa Hương năm nay bắt đầu từ 23/1 tới 23/4. Ngày khai hội là 27/1. Năm nay, ban tổ chức đã đổi mới hình thức bán vé truyền thống sang mô hình vé điện tử để giảm ùn tắc, giúp du khách tham quan dễ dàng hơn.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.