Dưới đây là chia sẻ của PGS.TS.Nguyễn Mai Hồng – Trưởng khoa Cơ – Xương – Khớp, Bệnh viện Bạch Mai về bệnh gút.
Vì sao bị gút?
Bệnh gút không chỉ gây đau đớn mà có thể phá hủy khớp, gây tàn phế. |
Bệnh gút là bệnh lý khớp viêm phổ biến ở người trưởng thành. Tỉ lệ mắc bệnh gút tại Việt Nam đang ngày một gia tăng, trong đó đa số gặp ở nam giới, độ tuổi trung niên và có thể gặp ở phụ nữ lớn tuổi.
Bệnh gút có nguyên nhân là do nồng độ acid uric trong máu tăng cao vượt quá mức độ bão hòa của acid uric trong dịch ngoại bào sẽ dẫn đến hình thành các vi tinh thể urat, các tinh thể này thường lắng đọng tại khớp gây ra tình trạng viêm khớp cấp và mạn tính, lắng đọng tại mô mềm sẽ hình thành các hạt tô phi, lắng đọng tại thận gây sỏi thận, bệnh thận kẽ và suy thận. Tuy nhiên, có khoảng 40% bệnh nhân gút có nồng độ acid uric máu không tăng, nên xét nghiệm acid uric máu bình thường cũng không loại trừ bệnh gút.
Bệnh gút có thể nguyên phát hoặc thứ phát sau các bệnh máu và suy thận, hoặc do bất thường về các enzym. Các yếu tố nguy cơ trong bệnh gút bao gồm: thừa cân, béo phì, uống bia rượu quá mức và các rối loạn chuyển hóa như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, vữa xơ động mạch làm gia tăng tỉ lệ mắc gút.
Ngày nay, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, tăng acid uric máu góp phần làm tăng tỉ lệ tử vong do các bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Bởi vậy, một bệnh nhân bị tăng acid uric máu/ mắc bệnh gút đều phải được khám và tầm soát các bệnh lý tim mạch và các rối loạn chuyển hóa đi kèm để có hướng điều trị đúng và kịp thời.
Các giai đoạn của bệnh
Bệnh gút có 4 giai đoạn: 1. Tăng acid uric máu không triệu chứng; 2. Gút cấp; 3. Giai đoạn giữa các cơn gút cấp; 4. Gút mạn tính.
Biểu hiện lâm sàng điển hình của bệnh gút là viêm khớp cấp tính của một hoặc một vài khớp. Các khớp bị ảnh hưởng trong giai đoạn sớm của bệnh thường là các khớp ở chi dưới, hay gặp nhất là khớp bàn ngón cái, khớp cổ chân và khớp gối. Khởi phát đột ngột, có thể sau các yếu tố thuận lợi như bữa ăn nhiều đạm, uống rượu bia quá nhiều, sau một sang chấn hoặc phẫu thuật… Thường sưng, nóng , đỏ và đau dữ dội các khớp bị viêm, đau có thể làm cho người bệnh mất ngủ.
Các cơn gút cấp có thể tự khỏi trong vòng 2 tuần, hoặc khỏi sau vài ngày dùng thuốc colchicin và các thuốc chống viêm giảm đau không steroid. Ở giai đoạn mạn tính, các đợt cấp của bệnh gút thường ảnh hưởng đến nhiều khớp cùng lúc, có thể bị ở các khớp chi trên và tính chất viêm khớp và đáp ứng với thuốc colchicine và các thuốc chống viêm không còn hiệu quả nhanh giống như ở giai đoạn sớm.
Do đó, ở giai đoạn muộn, chẩn đoán thường khó khăn hơn và phải phân biệt với một số bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp… Các biểu hiện các hay gặp trong giai đoạn mạn là hạt tô phi ở da và mô mềm, sỏi thận urat và suy giảm chức năng thận.
Điều trị bệnh như thế nào?
Chẩn đoán sớm bệnh gút giúp cho điều trị đúng, ngăn ngừa các biểu hiện mạn của bệnh như hạt tô phi ảnh hưởng đến thẩm mĩ, chức năng hay bệnh thận do gút.
Chẩn đoán xác định bệnh gút ngoài dựa vào các đặc điểm lâm sàng thì còn dựa vào việc xác định được tinh thể urat trong dịch khớp dưới kính hiển vi, đặc biệt là kỹ thuật sử dụng kính hiển vi phân cực có thể giúp xác định được tinh thể urat trong dịch khớp rất nhanh chóng. Tìm được tinh thể urat trong dịch khớp có thể thực hiện được ngay từ cơn gút cấp đầu tiên và cả trong những trường hợp không điển hình cần chẩn đoán xác định.
Điều trị bệnh gút là điều trị chống viêm trong các đợt gút cấp và hạ acid uric máu để ngăn ngừa các đợt tái phát và phòng biến chứng ( bằng chế độ ăn và thuốc hạ acid uric máu).
Thuốc chống viêm hàng đầu là thuốc chống viêm không steroid, lựa chọn thuốc dựa vào nguy cơ về tiêu hóa và tim mạch. Colchicin là thuốc kinh điển dùng trong bệnh gút, có tác dụng tốt nhất trong vòng 12 giờ đầu từ khi có khởi phát cơn gút cấp và dùng kéo dài có tác dụng dự phòng cơn gút tiếp theo. Corticoid ( Medrol, dexamethaxon…) trong một số trường hợp đặc biệt mới được sử dụng trong điều trị cơn gút cấp, nhưng phải có chỉ định của bác sĩ.
Tình trạng lạm dụng corticoid tại Việt Nam vẫn đang khó kiểm soát, ngày càng có nhiều bệnh nhân gút nhập viện do các biến chứng của sử dụng corticoid không đúng, điển hình là xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, đái tháo đường, suy thượng thận do thuốc.
Thuốc hạ acid uric máu bao gồm các thuốc ức chế tổng hợp acid uric và các thuốc tăng thải acid uric. Chủ yếu sử dụng các thuốc ức chế tổng hợp acid uric là allopurinol và mới nhất là febuxostat. Thuốc Febuxostat( biệt dược hiện có Fesogold 80 mg) có tác dụng hạ acid uric máu tốt hơn, ít tác dụng phụ hơn so với Allopurinol và dùng được ở những bệnh nhân suy gan suy thận nhẹ và trung bình mà không phải chỉnh liều.
Chế độ ăn phù hợp
Ngoài ra, bệnh nhân cần áp dụng chế độ ăn và sinh hoạt hợp lý để tăng hiệu quả điều trị bệnh gút. Cần giảm cân đến mức cân nặng lý tưởng ở người thừa cân và béo phì. Thực hiện chế độ ăn giảm đạm, thịt ăn không quá 150g/ngày, hạn chế ăn các loại thịt đỏ ( thịt chó, thịt dê, trâu), phủ tạng động vật (gan, lòng, tiết canh), các loại đậu hạt, hải sản( tôm, cua, cá béo). Kiêng bia rượu.
Tóm lại bệnh gút là một bệnh lý có thể điều trị và dự phòng được. Tuy nhiên tình trạng lạm dụng thuốc corticoid, cũng như chẩn đoán muộn dẫn đến nhiều biến chứng cho bệnh nhân gút. Bởi vậy, người bệnh cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.