Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không hẳn phải bia mới gout!

Bệnh gout đã từ lâu chiếm hữu vị trí ngon lành trong bảng top ten của các căn bệnh phổ biến ở xứ mình. Bệnh nhân thì nhiều nhưng số người hiểu đúng về bệnh gout vẫn là số ít.

BS Lương Lễ Hoàng thường xuyên tổ chức những đợt tầm soát bệnh gout miễn phí ở TP HCM.

Bệnh già không bỏ, nhỏ không tha

Phóng viên: Nếu theo định nghĩa kinh điển thì bệnh gout là bệnh ở xứ lạnh, ở nam giới cao tuổi, ở người mạnh miệng với rượu thịt. Nhưng tại sao bác sĩ lại nhiều lần báo động về nguy hại của căn bệnh này trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở xứ mình?


+ BS Lương Lễ Hoàng: Vì tỉ lệ bệnh gout ở xứ mình đã từ lâu vượt xa con số báo động trong báo cáo y học của các xứ khác, vì định nghĩa kinh điển về bệnh gout không còn chính xác. Thống kê cho thấy đàn bà không nhậu nhẹt cũng mắc bệnh, thậm chí nhà tu ăn chay trường cũng kêu trời không thấu vì đau khớp. Nói cách khác, bệnh gout đúng là già không bỏ, nhỏ không tha.

Với phương tiện chẩn đoán hiện nay có phức tạp lắm không để phát hiện bệnh gout? Nếu không quá khó tại sao nhiều người mắc bệnh nhưng không biết?

+ Đúng là tương đối đơn giản để phát hiện bệnh gout nhờ xét nghiệm acid uric trong máu cũng như qua triệu chứng lâm sàng. Bệnh dù vậy vẫn phát tán ở nước mình vì thiếu mô hình tầm soát đại trà, vì thiếu thầy thuốc cho xét nghiệm acid uric dù bệnh nhân đến khám vì lý do khác và vì nhiều bệnh nhân đã đau khớp nhiều lần nhưng vẫn né tránh việc khám bệnh vì thà bệnh nhưng không bỏ… nhậu!

Khó có chuyện trị “chắc ăn như bắp”

Nếu nhiều người kiêng cữ rượu thịt sau khi phát hiện bệnh gout với ngón chân cái sưng đỏ hơn tôm luộc nhưng mới nhịn được vài ngày thì lên cơn đau tá hỏa, thậm chí phải vào cấp cứu. Xin cho biết tại sao lại có chuyện tréo ngoe như thế?

+ Giảm rượu bia, thịt mỡ sau khi biết bệnh là điều tất nhiên phải làm nhưng quẹo cua quá gắt dễ lạc tay lái. Kiêng cữ quá đột ngột là lý do khiến cơ thể phản ứng sai lệch theo kiểu tự phá hủy chất đạm. Hậu quả là acid uric càng tăng cao trong máu. Đây là trường hợp rất phổ biến do “mama tổng quản” can thiệp quá mạnh tay vào chế độ kiêng cữ của người bệnh khiến bệnh nhân trở thành nạn nhân oan uổng!

Nhiều bệnh nhân đã được điều trị cả chục đợt. Bệnh tuy lần nào cũng thuyên giảm nhưng không được mấy tuần thì lại tái phát. Có cách nào trị dứt bệnh này, thưa bác sĩ?

+ Đây là nỗi trăn trở của nhiều người bệnh, kể cả thầy thuốc vì khó tránh áy náy khi chữa hoài không xong. Hạ acid uric trong máu khác xa lành bệnh. Giảm đau khớp cũng không đồng nghĩa với trị bệnh gout. Do đó dù theo Đông hay Tây y cũng thế, tất cả quảng cáo mang nội dung hứa hẹn theo kiểu chắc ăn như bắp đều không đáng tin. Viên thuốc có khéo cách mấy thì người bệnh cũng phải xem lại nếp sinh hoạt để phát hiện yếu tố khiến bệnh tái phát. Lành bệnh hay không, sau khi điều trị ổn định, tùy thuộc vào tri thức và ý thức của người bệnh.

Những món ăn nên kiêng


Kẹt một nỗi cho không ít bệnh nhân là họ không hề nhậu nhẹt! Đã vậy, lượng acid uric trong máu lại tiếp tục tăng cao mặc dầu người bệnh uống thuốc đúng y trong toa. Xin cho biết nên kiêng món gì trong bệnh gout vì lẽ nào uống thuốc đủ, không một giọt rượu bia mà vẫn không xong?

+ Nhiều người không nhậu nhẹt nhưng vẫn bị tăng acid uric mà không ngờ vì nhiều lý do khác, thí dụ:

- Có bệnh phá huyết, nhu sốt rét, chưa được chữa trị đến nơi đến chốn.

- Rối loạn biến dưỡng vì kiêng khem thái quá, hay chay trường đơn điệu.

- Có bệnh trên đường tiết niệu như viêm bàng quang, phì đại tiền liệt tuyến không điều trị rốt ráo.

- Dùng quá thường các món ăn làm tăng acid uric như bạc hà, rau dền, cá mòi, cá nục, da gà, lòng heo…

Nhiều người đang khổ vì đau khớp vai, khớp gối… chữa hoài không khỏi. Thầy thuốc sau khi xét nghiệm máu đã khẳng định là bệnh gout. Tại sao lại thế khi nghe nói bệnh gout chỉ tấn công ngón tay, ngón chân. Đã vậy bác sĩ còn dọa là coi chừng sỏi thận nếu không chữa bệnh đến nơi đến chốn. Xin cho biết bệnh gout có liên quan gì với bệnh thận hay không?

+ Được định nghĩa là bệnh gút khi tinh thể urate kết tủa trong khớp và gây phản ứng viêm tấy. Bệnh thường tấn công các khớp nhỏ như ngón tay, ngón chân nhưng cũng có thể xuất hiện ở khớp lớn như khớp vai, khớp khuỷu tay, khớp gối… Nhưng đừng quên tăng acid uric trong máu không đồng nghĩa với bệnh gout. Có người tăng acid uric nhưng không hề đau khớp. Trái lại, vì tăng acid uric nên nạn nhân dễ mệt mỏi, dị ứng, viêm da, viêm tiền liệt tuyến, sỏi tiết niệu… Sau hết, acid uric thông thường được đào thải qua đường tiểu. Nếu gia chủ uống ít nước lại thêm thói quen nín tiểu trong giờ làm việc, nếu nước tiểu quá chua vì gia chủ lạm dụng thuốc giảm đau, sinh tố C thì acid uric có nhiều cơ hội lắng đọng đâu đó trong đường tiết niệu thành sỏi một cách oan uổng! Trong bệnh gout, nói chung thường khi nạn nhân và thủ phạm là “hai trong một”!

Biện pháp phòng, chống gút hàng đầu

Tầm soát định kỳ thay vì đợi nước đến chân mới nhảy, nhất là với đối tượng khó nói không với bia bọt. Bên cạnh đó, đừng quên biện pháp giải độc định kỳ cho cơ thể với dược thảo nhuận gan, lợi mật, lợi tiểu như atiso, râu mèo, râu bắp…, đồng thời chủ động áp dụng chế độ dinh dưỡng với thực phẩm xanh chiếm tối thiểu 60% tổng lượng.

http://phapluattp.vn/suc-khoe/bac-si-noi/khong-han-phai-bia-moi-gut-598629.html

Theo Mỹ Duyên/Báo Pháp Luật TP HCM

Bạn có thể quan tâm