Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết rối loạn tâm thần thường gặp trong dịch Covid-19 là những hậu quả trực tiếp do nhiễm SARS-CoV-2 hoặc gián tiếp vì người bệnh stress.
Rối loạn lo âu, stress gồm 4 nhóm:
- Rối loạn lo âu lan tỏa: Cảm giác lo lắng sợ hãi (bất hạnh trong tương lai, cảm giác dễ cáu, khó tập trung).
Căng thẳng vận động (bồn chồn, đứng ngồi không yên, đau căng đầu, run chân tay, không có khả năng thư giãn).
Hoạt động quá mức thần kinh tự trị (đầu óc trống rỗng, ra mồ hôi, mạch nhanh, thở gấp, khó chịu vùng thượng vị, chóng mặt).
Stress có thể tác động xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Ảnh: Getty Images. |
- Rối loạn hoảng sợ: Đánh trống ngực và nhịp tim tăng nhanh, đổ mồ hôi, run rẩy, khó thở, cảm giác nghẹt thở, buồn nôn hoặc đau bụng, chóng mặt, tri giác sai thực tại, giải thể nhân cách.
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: Suy nghĩ hoặc hình ảnh lặp đi lặp lại, dai dẳng trong thời gian dài gây đau khổ, lo lắng (ví dụ trong dịch Covid-19 mọi người được yêu cầu rửa tay thường xuyên. Rửa tay quá nhiều có thể phát triển thành chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế).
- Rối loạn stress sau sang chấn: Tiếp xúc với cái chết thực sự, chấn thương nghiêm trọng qua biến cố, chứng kiến bệnh nhân tử vong có thể dẫn đến rối loạn stress sau sang chấn lan rộng.
Để điều trị hiệu quả các triệu chứng trên chuyên gia sẽ xây dựng chiến lược kiểm soát lo âu, stress, giải thích hợp lý về các triệu chứng, giúp bệnh nhân tập đối mặt với các tình huống gây lo lắng, căng thẳng, tập thể dục, thư giãn, tránh lạm dụng rượu, thuốc ngủ.
Bác sĩ Hùng nhận định liệu pháp tâm lý (giáo dục tâm lý, nhận thức hành vi, cá nhân/nhóm) đóng vai trò chính giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe. Thuốc điều trị cho người bệnh cần có chỉ định phù hợp.