Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh lao động phía sau cánh cửa nhà tù

Vẻ nghèo nàn, khắc khổ và khắc nghiệt ở trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng) đã biến mất, nhường chỗ cho cảm giác tương đối thoải mái về một nơi gọn gàng, sạch đẹp và kỷ luật.

Trung tá Nguyễn Văn Kiều - Đội trưởng Đội Giáo dục và Hồ sơ (47 tuổi, quê gốc Thái Bình), cho biết, mỗi người tù hiện nay 1 tháng được hưởng 17kg gạo, 8 lạng cá, 7 lạng thịt, 0,7 lít nước mắm, 17kg củi hoặc 15kg than, giá cả thị trường lên xuống thế nào thì cũng phải đáp ứng đủ. Trong ảnh: Cảnh lao động của các phạm nhân nam ở trại giam Xuân Nguyên.

Phạm nhân mỗi tháng được gặp người nhà một lần, được gọi điện về cho người thân 1 lần không quá 5 phút; mỗi năm được phát 2 bộ quần áo dài và 2 bộ lót. Mỗi năm có hàng ngàn người thụ án nhập trại và thông thường thì bộ phận của anh phải dùng tới 10.000 phong bì thư để gửi đi các nơi, chủ yếu là báo cáo hồ sơ phạm nhân.

Hiện cả trại có khoảng 50% án ma túy; người có tiền án ma túy cũng khá nhiều. Tù nhân gốc Hải Phòng chiếm một nửa và họ thường là những người trực tính, người làm nghề trông tù lâu năm vì thế cũng mắc bệnh nghề nghiệp: Nóng nảy, đôi khi hay nói trống không… Anh Kiều nói có thể ví nhà tù như một thùng thuốc súng. Quần áo xé ra buộc lại thành dây là phạm nhân có thể vượt tường được. Trong ảnh là các phạm nhân nữ đi cải tạo.

Khám xét người phạm nhân trước khi nhập trại.
Đến bữa cơm ai có nhu cầu dùng nước mắm, muối ăn thì phải ra khu vực riêng vì nếu có ý đồ xấu thì vị mặn có thể làm gỉ chấn song. Họ cũng có thể dội nước làm mủn tường, dùng chậu nhựa đập ra để cạo vách. Trong ảnh khám xét người phạm nhân trước khi nhập trại.
Ở trại giam Xuân Nguyên, hầu hết phạm nhân đều được học nghề để sau khi ra trại có việc làm ổn định, làm lại cuộc đời. Trung tá Nguyễn Văn Kiều cho rằng, nếu người tù mà không lao động thì sẽ “nhàn cư sinh bất thiện”. Việc lao động hiện nay của phạm nhân phần lớn là việc thủ công, mưa không đến mặt nắng không đến đầu, tuần làm việc 5 ngày theo giờ nhà nước, xem ra còn nhàn hơn dân.
Trang, người Hải Phòng, mới ngoài 20 tuổi, làm việc rất chăm chỉ. Không bao lâu nữa sẽ được trả tự do, trò chuyện với chúng tôi, em nói rằng mình mong đợi từng ngày. Hiện tại thông tư 12 đã có hiệu lực từ quý I năm 2014, với sản phẩm do phạm nhân làm ra, trại sẽ phân chia cho người phạm nhân trực tiếp tham gia lao động tùy theo năng suất và hạnh kiểm. Chẳng hạn như quý I làm tốt thì được 15.000 đồng, khá 13.000 đồng, trung bình 12.000 đồng. Ngoài ra làm tốt thì còn được thưởng thêm. Khi nào ra tù sẽ trả, khoản tiền này được coi là để hỗ trợ người đã hoàn thành án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
Hiện có 3 công việc tương đối phổ biến tại trại Xuân Nguyên: May mặc, làm chiếu trúc và xây dựng các công trình trong trại. Việc xây dựng chỉ có một số lượng nhỏ phạm nhân thực hiện. Phó giám thị Hà Đình Thiêm cho hay, luật thi hành án hình sự yêu cầu phạm nhân phải lao động cải tạo. Trong quá trình này người phạm tội cũng được hướng nghiệp và dạy nghề. Ở đây có người có 8 tiền án tiền sự, thời gian ở trong tù nhiều hơn ở ngoài xã hội; cả trại có gần 400 án chung thân, có trên 500 người liên quan tới ma túy, nên để tổ chức cho từng ấy con người làm việc và thấu hiểu bản chất của lao động là không dễ dàng gì.

http://laodong.com.vn/xa-hoi/lao-dong-phia-sau-canh-cua-nha-tu-255643.bld

Theo báo Lao động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm