Tiếng sét trong mưa đang phát sóng những tập về cuối. Phim nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả, đồng thời cũng là tác phẩm góp phần làm sống lại phim truyền hình trên sóng Vĩnh Long.
Tuy vậy, bên cạnh những khen ngợi, nhiều khán giả cũng bày tỏ ý kiến về việc phim nên được dán nhãn 18+ vì có một số cảnh nóng của những mối quan hệ trái luân thường. Quan điểm này được nêu ra vì phim phát sóng vào khung giờ 20h, tương đối sớm so với một bộ phim khá gai góc về nội dung. Do vậy, không phù hợp với trẻ con.
Nhiều chuyên gia đồng tình rằng việc dán nhãn chỉ có tác dụng cảnh báo trẻ em, phân loại khán giả, không hề có ảnh hưởng đến nội dung phim. Tuy nhiên, phim truyền hình hiện nay vẫn “ngại” dán nhãn.
Tiếng sét trong mưa không có nhiều cảnh nóng nhưng câu chuyện cảnh nóng trong phim lại đến từ những mối quan hệ trái luân thường. |
Không chỉ Tiếng sét trong mưa “ngại” dán nhãn 18+
Cảnh nóng từng bị e dè trên sóng truyền hình. Tuy nhiên những năm gần đây, nhà sản xuất cùng các đơn vị phát sóng có những đổi mới đáng kể về cả tư duy, cách làm lẫn khâu quảng bá phim. Do vậy, những cảnh nóng đã không còn là một vấn đề lớn.
Nhiều đề tài gai góc hơn đã xuất hiện trên sóng truyền hình. Những cảnh quay táo bạo cũng từ đó xuất hiện ngày càng nhiều. Những bộ phim như Người phán xử, Quỳnh búp bê, Bán chồng, Mộng phù hoa, Những cô gái trong thành phố hay gần đây nhất là Hoa hồng trên ngực trái đều có cảnh nóng.
Trong đó, Bán chồng thậm chí có loạt cảnh ân ái của các nhân vật chính. Diễn viên Anh Tú (trong vai Vui) lần lượt đóng cảnh "nóng" với Cao Thái Hà và Oanh Kiều. Còn Mộng phù hoa - bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc đời của đại mỹ nhân Sài Gòn xưa Trần Ngọc Trà - cũng gây tranh cãi vì có quá nhiều cảnh nóng.
Trong vai kỹ nữ Ba Trang xinh đẹp, Kim Tuyến phải diễn cảnh ôm hôn, chăn gối với nhiều bạn diễn như Nhan Phúc Vinh, Hoàng Anh, Quốc Trường... Kim Tuyến sau đó thừa nhận bạn trai chia tay cô một phần vì không thể chấp nhận những cảnh nóng trên phim của người yêu.
Tuy nhiên, các phim này đều không dán nhãn 18+, và cũng không có cảnh báo với khán giả dù phát sóng giờ vàng. Đến nay, bộ phim truyền hình Việt duy nhất dán nhãn vì có cảnh nóng, bạo lực là Quỳnh búp bê.
Sau phản ảnh báo chí về việc phim có nhiều cảnh nhạy cảm, không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi, từ tập 5 của Quỳnh búp bê, Đài truyền hình Việt Nam đã cho chạy dòng chữ: "Trong phim có một số nội dung, hình ảnh không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi, khuyến cáo nên có sự giám sát của phụ huynh khi xem".
Quỳnh búp bê là phim truyền hình Việt duy nhất dán nhán 18+ đến nay. |
Giới trong nghề tranh cãi về chuyện dán nhãn
Việc dán nhãn phim truyền hình vẫn là chủ đề gây tranh cãi với chính giới trong nghề. Nhiều nghệ sĩ ủng hộ việc dán nhãn nhưng cũng có người bức xúc cho rằng dán nhán là “giết” phim.
Ngay khi Quỳnh búp bê được dán nhãn, NSƯT Mai Hồng Phong - đạo diễn của bộ phim - khẳng định rằng cá nhân anh hoàn toàn đồng ý với việc dán nhãn 18+ cho phim Quỳnh búp bê.
Theo nam đạo diễn, việc làm cần thiết để bảo đảm tính pháp lý cũng như cảnh báo nội dung cho khán giả. Trước khi lên sóng, phim cũng trải qua một quá trình xem xét, duyệt chặt chẽ.
Trao đổi với Zing.vn, một diễn viên trong Quỳnh búp bê cũng đồng tình với việc dán nhãn phim truyền hình nếu có những cảnh nhạy cảm, không phù hợp với trẻ em.
“Việc dán nhãn là văn minh, hết sức bình thường, càng giúp bộ phim thoải mái hơn. Từ trường hợp của Quỳnh búp bê cho thấy, việc dán nhãn không ảnh hưởng đến hiệu ứng của phim. Thực tế là phim vẫn được khán giả đón nhận. Tôi ủng hộ việc phân loại khán giả”, người này nói.
Trong khi đó, đạo diễn Phương Điền của Tiếng sét trong mưa lại không đồng tình. Khi Zing.vn đặt câu hỏi về việc có ý kiến cho rằng Tiếng sét trong mưa nên được dán nhãn vì có cảnh nóng và câu chuyện gai góc, đạo diễn cho rằng cảnh nóng mà mọi người nhắc tới cũng chỉ là hôn, nằm xuống và hết.
“Tất cả cảnh đó đều không thấy da thịt hay có có chỗ nào phản cảm khiến người xem phải xấu hổ, bịt mắt. Cảnh hôn giữa Thanh Bình và Phượng hay tình yêu của họ tôi cũng xử lý theo hướng trong sáng, rung cảm đầu đời”, anh phân tích.
Nam đạo diễn cũng nhấn mạnh: “Tiếng sét trong mưa là phim truyền hình, làm cho mọi gia đình đều xem được. Con gái tôi mới 7 tuổi vẫn ngồi xem phim cùng cả nhà. Tại sao phải dán nhãn 18+? Quan điểm như thế rất bất công với đoàn phim”.
Cảnh nóng trong phim Bán chồng trên sóng giờ vàng truyền hình. |
Các đài truyền hình vẫn thụ động trong dán nhãn
Từ 1/1/2017, Việt Nam áp dụng Bảng Tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi mới gồm bốn mức: P (phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng), C13 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13), C16 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 16) và C18 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18).
Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng cho điện ảnh, tức tác phẩm chiếu rạp. Trong khi, theo luật Điện ảnh, việc kiểm duyệt phim truyền hình chủ yếu do các đài tự thực hiện và chịu trách nhiệm.
Quỳnh búp bê được dán nhãn dựa trên sự cầu thị của đài sau góp ý của báo chí và khán giả. Với các phim khác, các đài nhìn chung không chủ động dán nhãn với tác phẩm không thực sự phù hợp với trẻ em nếu chưa có phản ảnh từ truyền thông, công chúng.
Trong khi đó, năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra Thông tư quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em.
Theo đó, các cơ quan báo chí, nhà xuất bản phải thực hiện việc cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên các chương trình của kênh phát thanh, kênh truyền hình; báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm.
Về nội dung cảnh báo trên phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử phải bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nhận biết và phải thể hiện được tối thiểu một trong các khuyến cáo như: Nội dung không phù hợp với trẻ em, đề nghị cân nhắc trước khi đọc, nghe, xem; Cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn nếu trẻ em đọc, nghe, xem; Chương trình, phim có hình ảnh và tình tiết nhạy cảm, khuyến cáo nên có sự hướng dẫn của phụ huynh khi xem…
Dù đã có quy định, Quỳnh búp bê vẫn là phim truyền hình duy nhất đến nay dán nhãn 18+ trên sóng giờ vàng.
Thông tư 09/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Điều 16, Chương V: Yêu cầu bắt buộc khi đăng, phát thông tin về trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em.
1. Các cơ quan báo chí, nhà xuất bản phải thực hiện việc cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên các chương trình của kênh phát thanh, kênh truyền hình; báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm.
2. Việc cảnh báo phải được thực hiện bằng một trong các phương thức hoặc kết hợp nhiều phương thức phù hợp với từng loại hình báo chí, xuất bản phẩm, bao gồm nhưng không giới hạn: âm thanh, hình ảnh, chữ viết, biểu tượng.
3. Đối với phát thanh, truyền hình, nội dung cảnh báo phải được thể hiện ngay trước khi bắt đầu phát sóng chương trình có nội dung cần cảnh báo.
4. Đối với báo in, nội dung cảnh báo phải được thể hiện ngay sát phía trên hoặc sát phía dưới tên tin, bài hoặc ngay tại vị trí đăng tin, bài. Đối với báo điện tử, nội dung cảnh báo phải được hiện lên ngay sau khi độc giả ấn chọn tin, bài và trước khi độc giả đọc được toàn bộ nội dung tin, bài.
5. Nội dung cảnh báo trên phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử phải bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nhận biết và phải thể hiện được tối thiểu một trong các khuyến cáo sau đây: a) Nội dung không phù hợp với trẻ em, đề nghị cân nhắc trước khi đọc, nghe, xem. b) Cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn nếu trẻ em đọc, nghe, xem. c) Chương trình, phim có hình ảnh và tình tiết nhạy cảm, khuyến cáo nên có sự hướng dẫn của phụ huynh khi xem. d) Nội dung không phù hợp với trẻ em dưới 06 tuổi; Nội dung không phù hợp với trẻ em từ 06 tuổi đến dưới 11 tuổi; Nội dung không phù hợp với trẻ em từ 11 tuổi đến dưới 16 tuổi.
6. Đối với xuất bản phẩm dành cho trẻ em có nội dung về giáo dục giới tính; chống bạo lực, xâm hại thân thể trẻ em phải ghi dòng chữ “Cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn trẻ em đọc” tại trang tên sách hoặc tại bìa 4.