Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh sát hình sự lập án đấu tranh hơn 200 băng nhóm tín dụng đen

Cả nước hiện có 210 băng nhóm với khoảng 2.000 người liên quan hoạt động tín dụng đen. Cảnh sát hình sự đang xác minh, xử lý các đường dây cho vay nặng lãi này.

Tín dụng đen có dấu hiệu gắn với tội phạm có tổ chức Thượng tướng Bùi Văn Nam thông tin tình hình tín dụng đen hiện nay vô cùng phức tạp và không còn chỉ đóng khung trong lãnh thổ Việt Nam.

Chia sẻ với Zing.vn chiều 4/1 về tình trạng tín dụng đen nở rộ ở nhiều tỉnh thành, thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết các đường dây cho vay nặng lãi hiện nay không chỉ đóng khung trong biên giới mà liên quan cả bên ngoài. Bộ Công an đang mở các chuyên án đấu tranh với tội phạm này.

Còn thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an, dẫn con số thống kê trong 4 năm gần đây cho thấy toàn quốc xảy ra hơn 7.600 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến tín dụng đen.

Trong số này có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng huy động vốn với số lượng hàng nghìn tỷ đồng gây vỡ nợ dây chuyền.

Bo Cong an noi ve nan tin dung den anh 1
Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, nói về tín dụng đen. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Hiện nay, lực lượng cảnh sát hình cả nước đang rà soát làm rõ 210 băng nhóm liên quan hoạt động tín dụng đen với gần 2.000 đối tượng giống như các đường dây bị bóc dỡ ở Thanh Hóa, Bắc Ninh, Đắk Lắk…

“Hoạt động tín dụng đen gần đây hoạt động hết sức phức tạp, len lỏi từ nông thôn đến vùng cao, đồng bào dân tộc. Nguy hiểm là tín dụng đen thường gắn với tội phạm có tổ chức, núp dưới vỏ bọc cơ sở dịch vụ cầm đồ, công ty đòi nợ thuê, kinh doanh tài chính”, Chánh văn phòng Bộ Công an thông tin.

Để chào mời người vay, một số nhóm tín dụng đen sử dụng mạng xã hội, ứng dụng di động lôi kéo khách hàng, sau đó cho vay trực tuyến.

Nhiều người tuy không thuộc đường dây này nhưng do hám lợi nên mượn tiền của người thân, các nhóm tín dụng đen để cho vay nhằm hưởng lãi suất chênh lệch. Khi con nợ mất khả năng chi trả hoặc bỏ trốn, người trung gian bị các nhóm tín dụng đen siết nợ.

Bộ Công an đang tháo gỡ vướng mắc trong chính sách hình sự, đề xuất xử lý nghiêm hoạt động này để hình phạt đủ sức răn đe.

Trước đó, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải xử lý đến nơi đến chốn tín dụng đen. Nhắc lại vụ Công an Thanh Hóa triệt phá băng nhóm tội phạm cho vay nặng lãi với quy mô 26 chi nhánh tại 63 tỉnh, thành phố, Thủ tướng nhấn mạnh đây vấn đề bức xúc xã hội cần có biện pháp quyết liệt để loại trừ.

Khi được đại biểu Quốc hội chất vấn về tín dụng đen, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói tín dụng đen là quan hệ vay mượn, tự thỏa thuận, thường là với lãi suất cao. Ông nhận định đây là quan hệ dân sự, phía sau là hoạt động của tổ chức tội phạm.

Đầu tháng 12/2018, Bộ Công an đã mở đợt cao điểm tấn công tội phạm liên quan đến tín dụng đen. Hàng loạt công ty tài chính cho vay nặng lãi với hàng chục chi nhánh tại nhiều địa phương đã bị triệt phá.

Băng nhóm tín dụng đen hoạt động ở 63 tỉnh, dọa chặt tay nhân viên

Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an vừa triệt phá tổ chức tín dụng đen hoạt động tại 63 tỉnh, thành.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm: 'Đằng sau tín dụng đen là tổ chức tội phạm'

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng hoạt động tín dụng đen là quan hệ dân sự, lãi suất cao và đằng sau thường là hoạt động của tổ chức tội phạm.


Bá Chiêm - Hoàng Lam

Video: Hoàng Hiệp

Bạn có thể quan tâm