Sáng 25/3, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng Bộ Công an và công an sở tại phong tỏa trạm xăng dầu Phúc Lộc Thọ nằm trên quốc lộ 14, thuộc thôn 2, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước xác nhận vụ việc và cho biết việc phong tỏa trạm xăng Phúc Lộc Thọ để phục vụ công tác điều tra mở rộng đường dây sản xuất 200 triệu lít xăng giả do Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ TP.HCM) cầm đầu.
Cảnh sát có vũ trang phong tỏa trạm xây Phúc Lộc Thọ. Ảnh: Lê Ngân. |
Tại hiện trường, hàng trăm cảnh sát cơ động phối hợp cùng công an địa phương phong tỏa khu vực trạm xăng này. Người dân được khuyến cáo không lại gần. Trạm xăng tạm thời ngưng phục vụ khách.
Bên trong, nhiều cảnh sát mặc sắc phục làm việc với đại diện cây xăng và tkiểm tra, lấy mẫu chất lỏng. Lực lượng cảnh sát PCCC cũng được huy động tới hiện trường để hỗ trợ công tác chuyên môn.
Đến 13h cùng ngày, lực lượng chức năng vẫn đang phong tỏa cây xăng trên. Sáng nay, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Công an cũng phong tỏa, kiểm tra cửa hàng xăng dầu số 1, số 679 Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM.
Đến nay, cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam 33 người liên quan đường dây sản xuất xăng giả.
Đến 13h ngày 25/3, việc phong tỏa trạm xăng Phúc Lộc Thọ vẫn đang tiếp tục. Ảnh: Lê Ngân. |
Hôm 6/2, đồng loạt khám xét các cây xăng, kho hàng tại Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, cơ quan điều tra thu giữ 2 tàu biển có tải trọng 1.500 tấn, 5 sà lan có tải trọng từ 400 đến 1.000 tấn, 6 xe bồn, gần 2,7 triệu lít xăng, 4 thùng hóa chất để tạo màu, trên 100 tỷ đồng...
Đường dây này bị cáo buộc cung cấp trung bình trên 1 triệu lít xăng giả ra thị trường mỗi ngày. Từ tháng 8/2020 đến khi bị phát hiện, 200 triệu lít xăng giả đã được nhóm nghi phạm cung cấp ra thị trường.
Cảnh sát cho hay đường dây này được tổ chức chặt chẽ, tinh vi với nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng. Họ phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người nhập xăng, pha chế hợp thức hóa chứng từ và vận chuyển đến các cây xăng tiêu thụ.
Băng nhóm này mở nhiều công ty vận chuyển, mua bán xăng dầu và liên tục mở rộng ra nhiều tỉnh thành. Họ sử dụng tàu biển tải trọng lớn nhập xăng từ ngoài phao số 0, dùng dung môi và hóa chất để pha chế xăng A95 giả. Sau đó, xăng giả được sà lan chở về kho chứa dọc các tuyến sông lớn để phân phối cho cây xăng.
Để che giấu hành vi phạm tội, nhóm này sử dụng một ụ nổi đưa ra giữa sông Hậu thuộc xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, Hậu Giang để neo đậu tàu, sà lan bơm hút xăng.
Khu vực đậu ụ nổi trên sông Hậu có chiều rộng dòng sông 2,5 km. Các tàu cao tốc được bố trí tuần tra xung quanh khu vực cảnh giới. Trên bờ, họ xây các nhà nuôi chim yến để ngụy trang, cảnh giới người lạ. Ngoài ra, nhóm này thuê giang hồ cảnh giới, thẩm tra, xác minh khi có người lạ đến địa bàn và sẵn sàng chống trả khi bị trinh sát theo dõi.