Tác phẩm Friends at the Edge (tạm dịch: Những người bạn bên rìa). Nhiếp ảnh gia Jillian Morris phát hiện 2 con cá mập chanh ở Bahamas. Chúng đang bơi tại một vùng nước sâu ở rìa rừng ngập mặn. Loài cá này có tính xã hội, đặc biệt là khi còn nhỏ. Chúng thường được nhìn thấy khi đang đi tìm nơi trú ẩn, săn mồi hoặc nghỉ ngơi cùng nhau. |
Nature's Ribbon (tạm dịch: Dải ruy băng của thiên nhiên) - nhiếp ảnh gia: Ammar Alsayed Ahmed. Bức ảnh được chụp tại Al Dhafra, Abu Dhabi. Trong vòng tay của thiên nhiên xuất hiện một dòng nước quanh co, uốn lượn đầy duyên dáng. Hai bên là hàng cây ngập mặn xanh tươi mọc dọc bên bờ. "Khung cảnh yên bình này gợi lên sự chiêm nghiệm khi dòng nước nhẹ nhàng chảy qua trung tâm của khu rừng ngập mặn. Những rễ cây đan xen tạo thành những hoa văn phức tạp. Nó như một tấm thảm tự nhiên hài hòa với sự trôi chảy của nước. Bức ảnh ghi lại vẻ đẹp vượt thời gian và sự thanh bình của một cảnh quan tinh tế", tác giả Ammar Alsayed Ahmed bình luận. |
Mud Bath Ritual (tạm dịch: Nghi thức tắm bùn) - nhiếp ảnh gia Johannes Panji Christo. Bức ảnh được chụp tại Bali, Indonesia. Johannes quan sát một người đàn ông địa phương phủ đầy bùn trong một nghi lễ tắm bùn, được người dân bản địa gọi là Mebuug Buugan. Họ lấy bùn từ rừng ngập mặn ở làng Kedonganan, ngay bên ngoài thị trấn Denpasar và bôi lên khắp người. Đây là phần không thể thiếu của nghi lễ thanh tẩy. Nghi lễ Mebuug Buugan gần đây đã hồi sinh sau 60 năm gián đoạn, được tổ chức sau "lễ hội Ngày im lặng" hàng năm. Vào ngày này, mọi người sẽ ở nhà và tự suy ngẫm, cầu nguyện về lòng biết ơn và sự phì nhiêu của Trái Đất. |
Tác phẩm Mudskipper in Aurora (tạm dịch: Cá thòi lòi giữa cực quang) - nhiếp ảnh gia: Jayanta Guha. Bức ảnh được chụp tại Ấn Độ. “Jayanta đưa chúng ta vào một bức tranh đẹp như mơ với chú cá thòi lòi , giữa những đám cỏ cao đầy màu sắc”, giám khảo Chrstian Zielger bình luận. Cá thòi lòi thực chất là loài cá được tìm thấy ở rừng ngập mặn và bãi bồi. Chúng thích nghi với việc ở lại trên cạn ngay cả khi thủy triều rút. Chúng chủ yếu thở bằng cách giữ nước trong miệng và khoang mang. Ngoài ra, việc giữ ẩm cũng cho phép chúng thở qua da. Đôi mắt to giúp chúng trở thành động vật săn mồi tuyệt vời trong khi vây ngực hoạt động như chân, cho phép chúng bò qua bùn và cây dọc theo rừng ngập mặn. |
Tác phẩm Kakaban Mangrove (tạm dịch: Rừng ngập mặn Kakaban) - nhiếp ảnh gia: Purwanto Nugroho. Bức ảnh được chụp tại Indonesia. Nhiếp ảnh gia Purwanto cho biết rừng ngập mặn ở đây hoạt động như một bộ lọc tự nhiên, có thể loại bỏ hầu hết chất ô nhiễm trong nước trước khi chúng ra đại dương. Đất và sinh khối rừng ngập mặn có khả năng lưu trữ carbon đáng kể từ khí quyển, giúp giảm nồng độ carbon dioxide trong không khí. Rễ phức tạp của rừng ngập mặn giúp liên kết đất và trầm tích, giảm xói mòn và bảo vệ chống lại thiệt hại do sóng hoặc dòng chảy. Do đó, các nỗ lực bảo tồn rừng ngập mặn rất quan trọng để duy trì tính bền vững của môi trường và cuộc sống con người. |
Tác phẩm The Fire Within (tạm dịch: Ngọn lửa bên trong) - nhiếp ảnh gia: Javier Orozco. Orozco đối mặt với một con cá sấu tại Khu bảo tồn cá sấu El Cora ở Bucerias thuộc bang Nayarit, Mexico. Khu bảo tồn cá sấu này là một tổ chức phi lợi nhuận nằm cạnh một đầm phá nhỏ. Khu vực xung quanh đã bị các trung tâm mua sắm, khách sạn, chung cư chiếm dụng. |
Tác phẩm Piangua, Vital - nhiếp ảnh gia: Daniel Alvarez. Bức hình được chụp tại Colombia. Ở các vùng ngoại ô Colombia, cuộc đấu tranh hàng ngày để kiếm sống song hành với bảo tồn văn hóa có mối mối liên hệ sâu sắc. Aura Nelly và Gabriela là người nông dân đang làm việc trong rừng ngập mặn để thu thập sò điệp. Những con sò này là nguồn sống cũng như minh chứng sống động cho sự phụ thuộc lẫn nhau giữa con người và thiên nhiên. Mỗi cử chỉ, câu hát được hát trong khi họ làm việc phản ánh mối liên hệ sâu sắc giữa đất và biển cũng như quyết tâm bảo tồn nguồn gốc văn hóa của họ trong một thế giới luôn thay đổi. |
Tác phẩm Spectacular Mangrove Symphony (tạm dịch: Bản giao hưởng rừng ngập mặn ngoạn mục) - nhiếp ảnh gia: Ammar Alsayed Ahmed. Toàn cảnh bờ biển ngoạn mục ở Abu Dhabi cho thấy màn trình diễn màu sắc đầy mê hoặc. “Hệ sinh thái đa dạng của Abu Dhabi tràn ngập sinh vật biển, được tô điểm bằng những cây ngập mặn kiên cường. Nổi tiếng với khả năng chống chịu mặn đặc biệt, những cây này có rễ khí sinh mọc thành những cột mỏng cho phép hô hấp", Ammar Alsayed Ahme, nói. Ngoài ý nghĩa sinh thái, rừng ngập mặn còn góp phần tích cực vào việc giảm ô nhiễm không khí và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu bằng cách hấp thụ khí nhà kính. |
Tác phẩm David vs Goliath - nhiếp ảnh gia: Abhishek Das. Bức ảnh được chụp tại Ấn Độ. Abhishek phát hiện một chú cá thòi lòi mỏng manh đang đậu trên đuôi con cá sấu khổng lồ. Con cá nhỏ bé nhưng không hề sợ hãi. Nó tương phản rõ rệt với loài cá sấu mạnh mẽ, có "áo giáp". |
Guardians of the Bay (tạm dịch: Nhưng người bảo vệ vịnh) - nhiếp ảnh gia: Jake Mason. Trong quá trình thám hiểm những khu rừng ngập mặn ở đảo Faure, Australia, Jake chụp được một cụm cây ngập mặn mép nước đang bảo vệ bờ biển, chống xói mòn và cung cấp môi trường sống cho vô số loài. Chúng giống như những người bảo vệ thầm lặng. Qua đó, tác cũng muốn nhấn mạnh về tầm quan trong của các hệ sinh thái trong việc duy trì tính toàn vẹn của bờ biển và hỗ trợ sự sống dưới biển. |
Mangrove Walls Broken (tạm dịch: Bức tường rừng ngập mặn bị phá vỡ) - nhiếp ảnh gia: Dipayan Bose. Do các cơn bão nhiệt đới liên tục và mực nước biển dâng cao ở vịnh Bengal, các bờ kè sông đã bị vỡ. Nước tràn vào các làng ven biên trên khắp Sundarbans, Tây Bengal. Nhà cửa, trang trại đều ngập trong nước. Xói mòn đất gia tăng và mất chất lượng đất dẫn đến giảm năng suất cây trồng đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Không thể làm ăn, sinh sống, người dân buộc phải di cư đến nơi khác. |
Tác phẩm Mangrove at Night (tạm dịch: Rừng ngập mặn về đêm) - nhiếp ảnh gia: Nicholas Alexander Hess. Bức ảnh được chụp tại Australia. Tác giả cho biết chụp được khoảnh khắc này khi anh vô tình gặp con cá sấu đang ẩn nấp trong rừng ngập mặn vào ban đêm, lúc thủy triều rút. |
Tác phẩm Sinking Sundarbans (tạm dịch: Sundarbans chìm) - nhiếp ảnh gia Supratim Bhattacharjee. Nhiếp ảnh gia đã chứng kiến cảnh một cô gái đứng trước quán trà tan hoang của mình, nơi đã bị cơn bão phá hủy hoàn toàn ở Frazerganj, Sundarbans. “Một hình ảnh gợi lên hàng nghìn câu hỏi, đồng thời kết nối bạn với trái tim của cô gái. Sự yếu đuối của cô ấy phơi bày toàn bộ tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao mà nhiều cộng đồng ven biển phải trải qua”, giám khảo Dhritiman bình luận về bức ảnh. Nằm trong vịnh Bengal, Sundarbans là khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới và là một trong những khu rừng dễ bị tổn thương nhất. Từng được ca ngợi là người bảo vệ thiên nhiên, nhưng khu rừng ngập mặn này đang phải chịu những mối đe dọa không ngừng do sự khai thác quá đà của con người và khủng hoảng khí hậu. |
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.