Lắp đặt hai phiến dầm 235 tấn vượt qua đường trên cao vành đai 3, hạng mục khó khăn, phức tạp nhất tại dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vừa được thực hiện thành công.
|
Đêm 13, rạng sáng 14/7, công trình đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đánh dấu mốc mới khi bắt đầu lao dầm vượt qua đường trên cao vành đai 3 tại nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển.
|
|
Đây là hạng mục quan trọng và khó khăn nhất của dự án khi phải di chuyển hai phiến dầm có chiều dài 32 m, nặng hơn 235 tấn ở độ cao trên 20 m so với mặt đất. Tại nút giao quan trọng này còn có công trình thi công hầm xe cơ giới
|
|
0h sáng 14/7, việc lao dầm bắt đầu triển khai. Hai lối thoát xuống cao tốc gần ngã 4 Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến được công nhân hướng dẫn đổi hướng di chuyển để phương tiện không đi vào khu vực nguy hiểm.
|
|
Các cán bộ, công nhân tập trung đông nhân lực hơn bình thường để tiến hành kết nối thiết bị nâng vào phiến dầm.
|
|
Phó TGĐ dự án đường sắt trên cao Lê Văn Dương trực tiếp kiểm tra từng chi tiết. Ông cho biết, lao dầm vượt qua đường vành đai 3 là công việc rất phức tạp. "Chúng tôi không được phép để xảy ra một sơ suất nào dù nhỏ nhất bởi đây là khu vực giao thông quan trọng. Ban quản lý và các đơn vị liên quan phải lên kế hoạch và tính toán chặt chẽ cũng như chuẩn bị phương án phân luồng giao thông hợp lý để mọi việc diễn ra suôn sẻ", ông Dương nói.
|
|
Tại các vị trí khác dọc tuyến đường sắt trên cao, chỉ cần dùng cẩu nâng phiến dầm từ xe cấp ở dưới đất lên và đặt vào cột trụ theo phương thức vận chuyển ngang. Còn với công đoạn này, phiến dầm được nâng lên khỏi xe cấp ở dưới lại được đặt tiếp vào xe cấp dầm ở phía trên. Đây là hệ thống xe gồm 2 trục trailer (trục kéo 20 bánh và trục đẩy 16 bánh), sau khi được đặt lên xe cấp, phiến dầm sẽ được vận chuyển trên mặt sàn có độ cao hơn 20 m để tiến tới vị trí cẩu nâng.
|
|
Việc vận hành cẩu và các công đoạn do hơn 20 kỹ sư và công nhân của nhà thầu Trung Quốc thực hiện.
|
|
Vị trí đặt cẩu nằm trên 2 phiến dầm có chiều dài 18,5 m, khối lượng 140 tấn. Khả năng lật cần cẩu dễ xảy ra. Vì vậy công nhân phải thực hiện đồng thời việc nâng phiến dầm số 1 và đưa phiến dầm thứ 2 vào phía chân cần cẩu để có đối trọng.
|
|
Phía dưới các phương tiện giao thông được hạn chế để giảm thiểu rung lắc trong quá trình lắp đặt.
|
|
Phiến dầm số 1 được hạ xuống trụ từ từ dưới sự theo dõi sát sao của các kỹ sư. |
|
Ở 2 đầu phiến dầm luôn có 2 công nhân hướng dẫn bằng bộ đàm để việc di chuyển thực hiện chính xác.
|
|
Khoảng cách tiêu chuẩn giữa hai phiến dầm theo yêu cầu là 10 cm.
|
|
Từ đáy phiến dầm (sơn phản quang màu đen và vàng) tới mặt đường vành đai 3 là 5,01 m. Dầm được thiết kế thép chống xô va, phòng tình huống công trình đường sắt trên bị ôtô có chiều cao vượt mức cho phép va chạm.
|
|
3h30 sáng khi phiến dầm thứ nhất vào vị trí chuẩn xác cũng là lúc việc lao tiếp phiến dầm thứ 2. |
|
Các công nhân căng mắt theo dõi đề phòng trường hợp có sự va chạm giữa hai phiến dầm khi di chuyển gần nhau. Chỉ cần cơn gió mạnh, độ rung của các phương tiện phía dưới cũng gây nguy hiểm khi di chuyển dầm cồng kềnh và trọng lượng lớn. "Do vậy chúng tôi phải vận hành mọi công đoạn rất từ từ và chính xác đến từng cm để đảm bảo an toàn, chính xác", một kỹ sư cho hay.
|
|
Gần 5h sáng cũng là lúc công việc lắp đặt kết thúc. Hai phiến dầm đặc biệt này có độ cao so với mặt đất hơn 20 m. Trong sáng 14/7 đơn vị thi công cắm biển hạn chế chiều cao trước hai lối lên ở khu vực ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến từ đường trên cao vành đai 3.
|
|
Hình ảnh tại nút giao đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và đường trên cao vành đai 3 lúc 9h sáng 14/7. Với khoảng cách chiều cao 5,01 m tính từ mặt đường vành đai 3, các loại xe như container, siêu trường, siêu trọng lưu thông bình thường. Việc lắp đặt thành công hai phiến dầm đặt dấu mốc quan trọng cho việc hình thành nút giao thông 4 tầng đầu tiên tại Việt Nam.
|
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc.
Chiều dài tuyến đi trên cao là 13,05 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435 mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia), khu Depot rộng 19,6 ha tại Hà Đông, trang bị 13 đoàn tầu, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc thiết kế tối đa 80 km/h, vận tốc bình quân khai thác 35 km/h.