Tới phố đi bộ chơi trong buổi chiều cuối tuần, Hoàng Hạnh (26 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) và bạn gửi xe, ghé vào tiệm trà sữa ruột mua nước rồi ra ngồi ăn bánh tráng trộn ngay vỉa hè phố Ngô Đức Kế. Cô nói vui rằng đó là “thủ tục”, vì phải ăn uống no mới có năng lượng đi bộ ra dạo phố.
“Từ sau Tết, khi tâm lý thoải mái hơn và các quy định phòng dịch được nới lỏng, mình mới lại tận hưởng cảm giác được ngồi vỉa hè ăn vặt, uống trà sữa, trà dâu. Trong khi nhiều thương hiệu lớn đã đóng cửa im lìm, chuyển chi nhánh tới nơi khác, những hàng ăn vặt ở đây lại dần đông đúc hơn”, Hạnh nói với Zing.
Giống như Hạnh, nhiều người trẻ bày tỏ sự hào hứng khi được thoải mái ăn uống, trò chuyện bên những hàng bánh tráng nướng, cá viên chiên dọc "con phố vàng" nằm ngay bên phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Những hàng ăn vặt trên phố Ngô Đức Kế đông khách trở lại sau thời gian khó khăn vì dịch bệnh. |
Cảnh trái ngược
Vừa chuẩn bị phần bánh tráng nướng cho vị khách mới tới, một chủ hàng ăn vặt trên vỉa hè trên phố Ngô Đức Kế vui vẻ cho biết hiện tại việc buôn bán đã thuận lợi hơn khi ngày càng có đông khách tới vui chơi, đặc biệt các tối cuối tuần.
Đoạn đường này từng là “con phố vàng” với hơn chục tiệm trà sữa lớn, quán ăn nằm liền kề trên đoạn đường ngắn, với mức giá thuê mặt bằng đắt đỏ. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến nhiều hàng quán không thể cầm cự, phải đóng cửa, treo biển sang nhượng mặt bằng từ năm ngoái đến nay.
Phía trước những hàng quán đã ngừng kinh doanh, đóng cửa là các hàng ăn vặt. Chủ hàng ăn vặt tận dụng khoảng trống để kê thêm ghế ngồi, khách thoải mái hơn và không phải chịu cảnh chen chúc giữa lối đi chật hẹp như trước.
Trong khi nhiều cơ sở kinh doanh đã phải đóng cửa, sang nhượng mặt bằng sau dịch, các hàng ăn vặt đang dần lấy lại không khí buôn bán nhộn nhịp. |
Nhân dịp nghỉ lễ, cũng là ngày cuối tuần, Thùy Trang (giáo viên, ngụ Bình Dương) cùng người bạn đến lên khu vực trung tâm TP.HCM để vui chơi. Ghé vào một hàng ăn vặt trên vỉa hè phố Ngô Đức Kế, gọi một bịch bánh tráng trộn cùng hai ly trà chanh, đôi bạn vui vẻ ngồi trò chuyện và chụp ảnh check-in.
Đây cũng là điểm hẹn thường xuyên của hai cô gái, trung bình 2-3 tuần, đôi bạn lại cùng lên trung tâm TP.HCM, đi dạo phố phường và ăn uống.
“Sau dịch, nhịp sống ở khu phố này đã phục hồi trở lại, mọi người đi ăn đi chơi thoải mái hơn nhiều, không còn ảm đạm như lúc mới mở cửa hồi năm ngoái”, Trang nói.
Dù cuộc sống bình thường mới đã được thiết lập trong nửa năm qua, mặt bằng ở trung tâm TP.HCM vẫn tiếp tục ế ẩm.
Ông Bùi Minh Thức, lãnh đạo TSA Land, cho biết thị trường hậu Covid-19 đang tồn tại một nghịch lý. Các chủ nhà tự tin vào sự hồi phục kinh tế nên muốn giữ giá thuê, không hỗ trợ khách hàng. Còn khách thuê vì còn nhiều băn khoăn với bối cảnh kinh doanh hiện tại nên không dám chi lớn cho mặt bằng.
"Tình trạng này sẽ tiếp diễn ở khu vực trung tâm ít nhất đến hết năm nay", ông Thức nhận định.
Khu phố ăn uống là điểm hẹn quen của Thùy Trang và người bạn của mình. |
Hàng ăn vặt buôn bán khởi sắc
Từ trước đợt TP.HCM giãn cách vì dịch hồi năm ngoái đến nay, Linh Phối (ngụ quận 11) mới cùng bạn thân là Thu Hương trở lại khu phố trà sữa, ăn vặt nằm ngay cạnh phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1).
Quay lại khu phố ăn vặt sau thời gian dài, Linh Phối cảm thấy không khí chưa thể sôi động bằng với lúc chưa có dịch bệnh, song tình hình buôn bán ở đây cũng đã khởi sắc hơn nhiều.
Điểm khác biệt dễ nhận thấy so với trước là con đường được mệnh danh "phố trà sữa" chỉ còn vài cửa hàng còn hoạt động, trong khi phần lớn mặt bằng dán chi chít thông báo sang nhượng, một số quán đã đóng cửa vẫn còn nguyên biển hiệu cũ.
Giống như nhiều cơ sở kinh doanh F&B tại TP.HCM, các chi nhánh của thương hiệu trà sữa lớn trên phố này đã không thể cầm cự do phí thuê mặt bằng quá cao, trong khi thiếu lượng khách quốc tế, sức mua của người tiêu dùng trong nước sụt giảm.
Theo thống kê của Savills, giá thuê một căn nhà tùy thuộc vào vị trí cụ thể và diện tích ở khu vực này dao động từ 6.000 USD - 20.000 USD/căn/tháng.
Ít chịu áp lực về tiền thuê mặt bằng, với số tiền đầu tư ban đầu nhỏ, những người bán hàng ăn vặt trên "khu phố vàng" nhanh chóng hồi phục nhịp kinh doanh sau dịch.
Trên đoạn đường vài trăm mét, có khoảng 10 quầy bán đồ ăn vặt, chủ yếu bán các món có mức giá bình dân được giới trẻ yêu thích như bánh tráng nướng, cá viên chiên, trà dâu...
Nhóm bạn 6 người của Nhã Uyên cùng tụ tập ở con phố ăn vặt. |
Nghỉ lễ ít ngày, không có kế hoạch đi chơi xa, Trần Phạm Nhã Uyên (sinh năm 2003, ngụ quận Tân Bình) và nhóm bạn cùng quê Lâm Đồng tới vui chơi, ăn uống ở khu vực trung tâm thành phố.
“Chỉ là ăn vặt vỉa hè, song những món ăn vặt và nước uống ở đây có phần đắt hơn so với khu vực tụi mình sống. Đó cũng là điều dễ hiểu, vì đây là khu trung tâm và giá cả mặt bằng cao hơn những nơi khác. Đổi lại, khi tới đây chúng mình có trải nghiệm vui chơi vui vẻ, thuận tiện đi ra phố đi bộ ngay bên cạnh”, cô nói.
Trước sức ép của dịch Covid-19, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TP.HCM đối diện tình trạng phải trả mặt bằng hàng loạt.
Trong khi nhiều cửa hàng nhỏ lẻ đã buộc phải đóng cửa, các chuỗi kinh doanh lớn cũng nhanh chóng thu gọn bộ máy và tối ưu hóa các mặt bằng kinh doanh của mình.
Từ đầu năm 2022, khi giá xăng, gas tăng kỷ lục kéo theo các chi phí khác bị đẩy lên cao cũng gây sức ép khiến các doanh nghiệp F&B chật vật giữ giá.
Dù vậy, theo các doanh nghiệp, ngành F&B vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác hậu Covid-19 như chi phí nguyên liệu tăng cao, thiếu hụt nhân sự, sức mua của người tiêu dùng sụt giảm và những rủi ro về dịch bệnh khi kinh doanh.