Tọa lạc dưới chân núi Phú Sĩ, rừng Aokigahara rộng 35 km2. Khu rừng quanh năm lá phủ rậm rạp nên người ta còn gọi nơi này là "biển cây". Trong rừng, rất nhiều hang động là điểm đến thú vị cho du khách như động Băng và động Gió. Tuy nhiên, mọi người thường gọi Aokigahara bằng một tên khác, khu rừng tự sát. |
Khi đưa xe vào bãi đỗ, bạn có thể phát hiện hàng loạt phương tiện bỏ hoang. Tiến vào khu rừng, dọc đường, bạn sẽ thấy hàng loạt tấm biển với dòng chữ "Hãy cân nhắc, hãy nghĩ cẩn thận về những đứa trẻ và gia đình của bạn" hay "Cuộc sống của bạn là món quà quý giá do cha mẹ trao. Hãy nghĩ về họ và những người thân trong gia đình. Bạn không phải chịu đựng một mình. Hãy nói chuyện với cảnh sát trước khi quyết định kết thúc cuộc đời". |
Đi sâu vào bên trong, bạn có thể cảm nhận sự tĩnh lặng của môi trường xung quanh. Nơi đây gần như không có bất cứ động vật hoang dã nào sinh sống. Theo CNN, từ lâu, rừng Aokigahara trở thành nơi những người trầm cảm tìm đến để kết thúc cuộc sống. |
Thống kê tỷ lệ tự sát tại Aokigahara thường dao động bởi rừng quá rậm rạp. Nhiều thi thể không được tìm thấy trong nhiều năm trời, thậm chí mất tích mãi mãi. Tuy nhiên, theo ước tính, khoảng 100 người đã tự tử ở đây mỗi năm. |
Những người đầu tiên mất mạng trong khu rừng tự sát vì hủ tục gọi là ubasute (nghĩa là "bỏ rơi một cụ già"). Sau này, tục được đổi tên thành oyasute (nghĩa là "bỏ rơi phụ mẫu"). Theo đó, người ta sẽ đưa người thân ốm yếu hoặc già cả lên ngọn núi xa xôi, cách biệt và bỏ họ chết đói ở đó. |
Nhiều hiện tượng kỳ dị xảy ra khiến người dân địa phương tin rằng khu rừng này bị ma ám. Linh hồn các nạn nhân của hủ tục ubasute và oyasute muốn trả thù nên đã mời gọi con người tiến vào vùng rừng đen tối, thôi thúc mọi người tự sát. |
Bên trong Aokigahara chứa đầy vật dụng cá nhân của những người đã khuất, từ những đôi giày đến dây treo cổ. Một số người vẫn do dự với quyết định tự sát thường buộc những dải ruy băng vào thân cây để đánh dấu đường về. |
Thực tế, từ những năm 1950, ít nhất 500 người bước vào khu rừng này và chỉ rời đi sau khi trở thành bộ xương trắng. Điều này khiến khu rừng trở thành địa điểm tự sát phổ biến thứ hai trên thế giới. |
Các vụ tự sát có xu hướng gia tăng sau khi tiểu thuyết mang tên Tháp Sóng của tác giả Seicho Matsumoto được xuất bản vào những năm 1960. Cuốn sách kể về một cặp đôi trẻ kết thúc mạng sống của họ trong rừng với một cái kết lãng mạn. |
Năm 1993, cuốn sách Cẩm nang tự tử toàn tập của tác giả Wataru Tsurumi như đổ thêm dầu vào lửa. Trong sách, ông ca ngợi phương pháp treo cổ như một tác phẩm nghệ thuật và gọi Aokigahara là nơi lý tưởng để kết thúc cuộc đời. |
Tsurumi cũng chỉ ra một số khu vực ít người qua lại trong rừng để thi thể không bị phát hiện và "bạn sẽ trở thành một người thất lạc dần biến mất khỏi ký ức của mọi người". |
Hiện tại, chính phủ Nhật Bản cố gắng chấm dứt mối liên hệ giữa khu rừng và các vụ tự tử bằng cách không công bố số liệu chính xác vụ việc xảy ra hàng năm. |
Nếu có ý định khám phá khu rừng, bạn phải chuẩn bị thật chu đáo. Các trầm tích sắt trong đất núi lửa mang từ trường làm nhiễu sóng di động, các thiết bị định vị GPS. Thậm chí, la bàn cũng bị ảnh hưởng. |
Để an toàn, bạn hãy theo dõi các chỉ dẫn và chỉ đi theo lối có sẵn. |