Chúng tôi là y sĩ Hồ Khuê Tú và điều dưỡng Nguyễn Kim Toàn, ê-kíp cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM. Hơn một tháng nay, công việc của chúng tôi chủ yếu là cấp cứu F0 nặng và nguy kịch ngay tại nhà. |
Từ Trạm vệ tinh 115 huyện Bình Chánh, chúng tôi nhận thông tin từ tổng đài có một phụ nữ trên 60 tuổi đang bị khó thở, tức ngực tại ấp 4, xã Vĩnh Lộc B. |
Đến nơi, người phụ nữ thở khò khè, chân tay tím tái nằm trên giường gấp. Chúng tôi gọi lớn, "Cô ơi, cô bị sao thế", người phụ nữ giọng thều thào than đau ngực và khó thở. |
Chỉ số SpO2 chỉ còn 75%, chúng tôi cho bà thở oxy mask. Sau vài phút, tình hình có tiến triển. Tuy nhiên, bệnh nhân chuyển sang suy hô hấp. |
Con hẻm khu vực bệnh nhân sinh sống cũng mới ghi nhận một vài người dương tính với SARS-CoV-2. |
Điều dưỡng Toàn vội vã kéo chiếc băng ca vụt nhanh qua con hẻm hẹp và sâu, đến trước cửa nhà bệnh nhân. Hai bên, nhiều người hàng xóm ngó ra với vẻ mặt lo lắng. "Cấp cứu F0, vào nhà đi cô chú ơi!", anh Toàn nói lớn. |
Sau vài phút thở oxy, người phụ nữ tỉnh táo, chúng tôi cùng con trai đỡ bà ngồi dậy chuyển qua băng ca. Ba người khiêng băng ca qua bậc thềm cao khoảng 30 cm, bình oxy đặt dưới chân. |
Sau khi bệnh nhân được đưa lên xe cấp cứu, việc khó khăn tiếp theo của chúng tôi là liên hệ các bệnh viện để chuyển bệnh. Cô cháu gái vài phút lại nóng ruột hỏi: "Anh chị ơi, bà em được chuyển đi đâu vậy?". |
Chúng tôi lục tìm tờ danh sách số điện thoại hàng chục bệnh viện trên địa bàn thành phố, cố gắng nhờ trung tâm điều phối tìm một bệnh viện gần đây và sẵn sàng đón bà ngay. |
Các bệnh viện tại huyện Bình Chánh và khu vực xung quanh đều quá tải nên chúng tôi phải chờ gần 2 giờ. Cuối cùng, vượt qua quãng đường 20 km, chúng tôi đưa bà đến Bệnh viện quận Bình Thạnh. |
Sau ca cấp cứu, chúng tôi trở về trạm nghỉ ngơi và trực điện thoại. Khi người nhà hoặc F0 gọi đến, nếu tình trạng không quá nặng chúng tôi hướng dẫn họ gọi đến tổng đài 1022 hoặc tự chăm sóc tại nhà. |
20h, chuông báo động cấp cứu vang lên. Chúng tôi lên xe chuẩn bị đồ phòng hộ và thiết bị. Mỗi chuyến cấp cứu F0 thường kéo dài 2-3 giờ bởi việc liên hệ chuyển bệnh nhân thời điểm hiện tại gặp nhiều khó khăn. |
Chúng tôi kiểm tra 2 bình oxy và xuất phát đến ấp 1A, xã Vĩnh Lộc B. Ca cấp cứu này là một phụ nữ 46 tuổi, xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2. |
Người phụ nữ không còn tỉnh táo, đau ngực và khó thở từ chiều. |
Do tình trạng nặng, chúng tôi khẩn cấp đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Chồng và con của bà vội vã xách đồ đạc và ôm bình oxy chạy theo băng ca. "Ba ơi, cố gắng chăm mẹ con", cậu con trai nói vọng theo xe. |
Ngồi phía sau, ông Nguyễn Phước Hà liên tục động viên vợ. Sức khỏe của bà diễn biến nặng ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. |
Bệnh nhân được đưa thẳng vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện điều trị Covid-19 Bình Chánh. Nhiều bệnh nhân cũng đang nằm thở oxy tại khu vực này, số ca nặng rất đông. Chúng tôi báo cáo tình trạng bệnh nhân và bàn giao lại cho đồng nghiệp. |
Ông Hà xin được ở lại cùng vợ. Tuy nhiên, ông đang có kết quả âm tính nên bắt buộc phải về nhà. Người đàn ông chần chừ khá lâu trước cửa khoa cấp cứu, nhìn về phía vợ đang nằm bất tỉnh thở oxy. |
Mồ hôi ướt đẫm sau 2 giờ trong bộ đồ bảo hộ. Chúng tôi trở về trạm để sẵn sàng cho những tiếng chuông báo động cấp cứu còn vang lên trong đêm, ca trực sẽ còn kéo dài đến 7h sáng hôm sau. |
Với triệu chứng suy hô hấp của Covid-19, chúng tôi phải tranh thủ từng khoảnh khắc, đến chậm đồng nghĩa với khả năng bệnh nhân có thể không qua khỏi. |