Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cấp cứu thành công bệnh nhân 5 lần ngưng tim, ngưng thở

Bệnh nhân nam N.V.K. (51 tuổi) nhập viện trong tình trạng đau ngực dữ dội và khó thở. Trong quá trình can thiệp tim mạch, ông ngưng thở thêm 4 lần và rơi vào trạng thái hôn mê.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau 5 ngày can thiệp. Ảnh: BVCC.

Theo Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, vào tối 24/1, bệnh nhân nam N.V.K. (51 tuổi, sống tại phường Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa) đột ngột khó thở và đau tức ngực dữ dội. Ngay sau đó, người nhà đã đưa ông đến bệnh viện để cấp cứu.

Tiên lượng bệnh nhân có thể mắc các bệnh lý về tim mạch cần can thiệp khẩn cấp, các bác sĩ nhanh chóng đưa ông vào Đơn vị Can thiệp tim mạch. Vừa vào đến cửa phòng, ông bất ngờ lên cơn đau ngực nặng hơn, mất ý thức, mạch và huyết áp không đo được.

Ngay lập tức, bác sĩ đã phải thực hiện các quy trình phản ứng nhanh khẩn cấp gồm hồi sức cấp cứu ngừng tuần hoàn, sốc điện 3 lần, đặt ống nội khí quản và bóp bóng. Bệnh nhân bắt đầu có mạch huyết áp, nhịp thở lại sau 5 phút cấp cứu.

Sau đó, ông được đưa vào phòng Can thiệp để tiến hành chụp động mạch vành. Kết quả phát hiện ông có huyết khối gây tắc động mạch mũ và được chỉ định đặt stent.

Tuy nhiên, trong quá trình can thiệp, bệnh nhân liên tiếp ngưng tim, ngưng thở thêm 4 lần nữa và rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Do đó, ê-kip bác sĩ vừa ép tim ngoài lồng ngực vừa sốc điện cũng như tiến hành can thiệp động mạch vành khẩn cấp.

Sau 10 phút căng thẳng, các bác sĩ lấy huyết khối, đặt stent tái thông động mạch vành cứu được bệnh nhân. Mặc dù can thiệp thành công, tình trạng ông K. còn rất nguy kịch, huyết động vẫn phụ thuộc vào thuốc vận mạch liều cao và hô hấp phải hỗ trợ thở qua nội khí quản.

Năm ngày sau can thiệp, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, tự thở, huyết động ổn định, hết đau ngực, khó thở, tình trạng sức khỏe tiến triển tốt và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

ThS.BS Lê Thế Anh, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Đây là trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp rất hiếm. Chúng tôi đã cứu được bệnh nhân một cách ngoạn mục chỉ trong vòng 15 phút kể từ khi vào viện. Đây là biểu hiện rất nặng của bệnh nhồi máu cơ tim tối cấp".

Qua trường hợp trên, bác sĩ Thế Anh chia sẻ nhồi máu cơ tim là căn bệnh có diễn biến cấp tính, nguy cơ tử vong cao nên cần được chẩn đoán để điều trị kịp thời và chính xác nhất.

Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan với những triệu chứng thoáng qua. Đó có thể là dấu hiệu để nhận biết và phát hiện sớm bệnh lý tim mạch, đặc biệt là ở người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid, mỡ máu...

Bác sĩ Thế Anh khuyến cáo người dân cần khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần để tầm soát và điều trị kịp thời những bệnh lý về tim mạch.

Bí ẩn của nước

Nước là một trong những thành phần quan trọng nhất đối với sức khỏe con người và sự sống trên Trái Đất. Tuy nhiên, nó ẩn chứa nhiều bí ẩn mà chúng ta chưa khám phá hết. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu cuốn sách Bí ẩn của nước để giúp bạn biết thêm nhiều tiềm năng của nước và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên.

3 loại trái cây không cho trẻ ăn khi bị ho

Khi trẻ bị ho, cha mẹ cần chú ý bổ sung dinh dưỡng cho con để cải thiện sức khỏe, đồng thời hạn chế đồ ăn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng của bé.

Nam Giao

Bạn có thể quan tâm