Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong số 1 ở Mỹ. Ảnh: Shutterstock. |
Theo The Independent, sức khỏe tim mạch của bạn có thể gặp rủi ro bởi những ảnh hưởng vô hình mà bạn không biết.
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy rõ ràng một thứ gì đó có khả năng gây hại, đặc biệt là khi nói đến bệnh tim mạch - thuật ngữ được sử dụng cho các tình trạng ảnh hưởng đến tim và mạch máu, bao gồm đau tim và đột quỵ, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới.
Ô nhiễm không khí
Tiến sĩ Ayyaz Sultan, chuyên gia tư vấn tim mạch tại Pall Mall Medical, cho biết: "Sống ở khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các vấn đề với hệ thống tim mạch".
Các chất gây ô nhiễm không khí có thể làm hỏng mạch máu khi làm cho chúng hẹp, cứng hơn, khiến máu khó lưu thông khắp cơ thể. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống điện tim, dẫn đến nhịp tim bất thường, cũng như có khả năng gây ra thay đổi đối với cấu trúc tim.
Bạn cần tránh sinh hoạt ở những nơi có không khí bị ô nhiễm, chẳng hạn căn phòng đầy khói thuốc lá hay con đường đông đúc.
Cholesterol cao
Cholesterol là yếu tố chính gây ra các vấn đề về tim mạch. Chất béo tích tụ trong mạch máu, làm giảm lưu lượng máu và đôi khi gây ra cục máu đông.
Jules Payne, Giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện về cholesterol Heart UK, cho biết: "Thông thường, cholesterol cao không gây ra triệu chứng. Cách duy nhất để nhận biết vấn đề là làm xét nghiệm cholesterol".
Rất nhiều yếu tố góp phần duy trì mức cholesterol khỏe mạnh. Ngược lại, Jules Payne cho biết ăn quá nhiều chất béo bão hòa, hút thuốc, uống nhiều rượu hơn mức khuyến nghị, lười tập thể dục đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Trong khi đó, một số yếu tố không thể can thiệp, chẳng hạn tuổi tác, cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, gene có thể đóng vai trò nào đó. Chứng tăng cholesterol máu gia đình (FH) có thể dẫn đến lượng cholesterol rất cao ngay cả khi bạn có lối sống lành mạnh.
Kiểm soát mức cholesterol rất quan trọng nếu trước đây bạn từng trải qua biến cố tim mạch, chẳng hạn đau tim hoặc đột quỵ. Trung bình, khoảng một nửa số người gặp biến cố tim mạch sẽ trải qua biến cố thứ hai trong vòng 114 ngày.
Huyết áp cao
Theo The Independent, huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ và đau tim. Vì thế, mọi người nên kiểm tra huyết áp thường xuyên, đặc biệt nếu gia đình có người từng mắc bệnh tim.
Tương tự cholesterol, việc duy trì lối sống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát huyết áp cao. Tuy nhiên, một số trường hợp cần dùng thuốc.
Huyết áp cao, cholesterol cao và hút thuốc là những yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim. Ảnh: Parade. |
Hệ vi sinh vật đường ruột
“Ý kiến về hệ vi sinh vật đường ruột ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch không phải mới, nhưng nhiều nghiên cứu đang được thực hiện để nghiên cứu mối liên hệ giữa sự đa dạng của hệ vi sinh vật và nguy cơ mắc bệnh tim mạch”, chuyên gia dinh dưỡng Sarah Schenker cho biết.
Một số bằng chứng cho thấy vi khuẩn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Điều này liên quan đến các hợp chất mà vi khuẩn đường ruột tạo ra khi chúng phân hủy một số loại thực phẩm. Những hợp chất này có thể làm tăng mức cholesterol, làm hỏng mạch máu và có thể dẫn đến bệnh tim mạch.
Chế độ ăn uống là chìa khóa để hỗ trợ hệ vi sinh vật đường ruột. Bạn cần ăn nhiều chất xơ và nhiều loại rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu. Ngoài ra, thực phẩm lên men chứa men vi sinh cũng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
"Một số nghiên cứu đã chỉ ra men vi sinh được sản xuất trong quá trình lên men giúp khôi phục sự cân bằng của vi khuẩn tốt trong ruột, giảm huyết áp vừa phải, đồng thời giúp giảm cholesterol toàn phần cùng cholesterol có hại", chuyên gia dinh dưỡng Sarah Schenker cho biết.
Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ
Đối với phụ nữ, sự thay đổi nội tiết tố do mãn kinh có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
“Hormone estrogen được sản xuất tự nhiên ở phụ nữ và được biết là có khả năng bảo vệ chống lại bệnh tim mạch. Nó thực hiện điều này bằng cách hỗ trợ cơ thể bạn duy trì mức cholesterol khỏe mạnh”, y tá tim mạch Michaela Nuttall giải thích.
Thời kỳ mãn kinh khiến cơ thể sản xuất lượng estrogen thấp hơn và có thể làm tăng mức cholesterol, ảnh hưởng đến huyết áp, thay đổi sự phân bổ mỡ trong cơ thể - các yếu tố nguy cơ dẫn đến biến cố tim mạch.
Y tá tim mạch Michaela Nuttall đảm bảo: "Tuy nhiên, bạn không cần căng thẳng. Bạn có thể thực hiện một số bước đơn giản để cải thiện sức khỏe tim mạch trong và sau thời kỳ mãn kinh".
Bà đề xuất lựa chọn bữa ăn tốt cho sức khỏe tim mạch - chẳng hạn kết hợp nhiều rau hơn, đổi sang ngũ cốc nguyên hạt và tập thể dục thường xuyên có thể hữu ích. Quan trọng nhất, mọi người cần trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, bao gồm kiểm tra cholesterol và huyết áp.
Cô đơn
Một nghiên cứu năm 2018 của Trung tâm Tim mạch tại Bệnh viện Đại học Copenhagen, phân tích dữ liệu từ hàng nghìn bệnh nhân có vấn đề về tim, cho thấy những người nói họ cảm thấy cô đơn có kết quả tồi tệ hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn.
Y tá tim mạch Michaela Nuttall cho biết: “Trong thế giới hậu đại dịch, rất nhiều người cảm thấy cô đơn. Điều này thường dẫn đến những thói quen sinh hoạt không tốt như hút thuốc hoặc uống nhiều rượu hơn. Điều quan trọng, bạn có thể liên hệ với bác sĩ để xin lời khuyên và tự cải thiện sức khỏe thông qua hoạt động tình nguyện hoặc tham gia các nhóm cộng đồng địa phương”.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.