![]() |
Bajaj (ở giữa) trong bữa trưa chào mừng có sự góp mặt của các vũ công truyền thống Việt Nam. Ảnh: Light Chamber. |
Abhishek Bajaj và Parasha Dhanda gặp nhau lần đầu tại một đám cưới ở Agra - quê hương của biểu tượng tình yêu Taj Mahal. Dù yêu thích không khí náo nhiệt và đầy lễ hội, cả hai chỉ quen biết một vài người trong số 300 khách mời. Vì thế, khi lên kế hoạch tổ chức đám cưới của riêng mình, họ mong muốn một không gian thân mật hơn.
Tổ chức lễ cưới tại quê nhà đồng nghĩa với việc phải mời hàng trăm, thậm chí hàng nghìn khách để đáp ứng kỳ vọng của gia đình và bạn bè. Cuối cùng, cặp đôi quyết định chọn một khu nghỉ dưỡng trên đảo Phú Quốc (Việt Nam), nơi họ biết sẽ có ít người quen đến dự.
Tuy nhiên, việc tổ chức cưới ở nước ngoài lại đi kèm với không ít khó khăn. Hòn đảo không có sẵn ngựa để Bajaj cưỡi trong lễ rước dâu - một nghi thức truyền thống quan trọng trong đám cưới Hindu. Họ phải đưa một con ngựa từ TP.HCM vượt quãng đường hơn 400 km bằng phà và xe tải đến Phú Quốc. Ngoài ra, để tạo không khí đậm chất Ấn Độ cho 180 khách mời, họ còn thuê hơn 20 nghệ sĩ và nhạc công từ quê nhà bay sang.
"Đó là đám cưới trong mơ của chúng tôi, vượt xa 1000% mong đợi. Chúng tôi có thời gian thực sự bên khách mời, và mọi người đều cảm thấy gắn kết", Bajaj, 29 tuổi, nhà giao dịch chứng khoán, chia sẻ.
5,8 tỷ USD từ 8 triệu đám cưới
Từ nhân viên tổng đài đến sao Bollywood và các tỷ phú, người Ấn Độ từ lâu đã nổi tiếng với những lễ cưới xa hoa kéo dài nhiều ngày, bao gồm các nghi thức linh thiêng, trang sức lấp lánh, tiệc tùng thịnh soạn, âm nhạc sống động và những màn nhảy múa được dàn dựng công phu, theo Bloomberg.
Năm ngoái, tỷ phú giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani khiến cả thế giới chú ý khi chi khoảng 600 triệu USD cho các buổi lễ kỷ niệm đám cưới của con trai - Anant Ambani. Dàn sao nổi tiếng như Rihanna, Justin Bieber và Katy Perry biểu diễn tại các sự kiện tiền đám cưới, trong đó có chuyến du ngoạn bằng du thuyền Địa Trung Hải. Gia đình Ambani còn thuê khoảng 100 máy bay riêng để đưa đón khách đến lễ cưới kéo dài 3 ngày tại Mumbai.
![]() |
Abhishek Bajaj và Parasha Dhanda tại đám cưới của họ ở Phú Quốc. Ảnh: Light Chamber. |
Tuy nhiên, ngày càng nhiều người trẻ thuộc tầng lớp chuyên gia và trung lưu đang chọn cách đi ngược lại truyền thống, hướng đến những lễ cưới thân mật hơn tại các địa điểm xa quê. Các đám cưới điểm đến (destination wedding) kéo dài nhiều ngày đang giúp thúc đẩy nền kinh tế tại các nước như Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico - nơi các khách sạn, đơn vị tổ chức và nhà cung cấp dịch vụ ẩm thực sẵn sàng chiêu đãi các sự kiện trị giá hơn 1 triệu USD.
Theo một khảo sát năm ngoái của ứng dụng du lịch Skyscanner, gần một nửa trong số 2.000 cặp đôi Ấn Độ được hỏi cho biết họ đang lên kế hoạch hoặc cân nhắc tổ chức đám cưới tại các địa điểm ở châu Á.
Ngay cả những gia đình có thu nhập khiêm tốn ở Ấn Độ cũng thường "căng sức" để tổ chức đám cưới hoành tráng. Người Ấn đã chi tới 130 tỷ USD cho các lễ cưới trong năm 2024 - gấp đôi chi tiêu cưới hỏi của người Mỹ, và con số này được dự báo sẽ tăng khoảng 20% mỗi năm, theo công ty tư vấn đầu tư Wright Research.
Trong khoảng 8 triệu lễ cưới diễn ra tại Ấn Độ năm ngoái, chỉ có khoảng 5.000 được tổ chức ở nước ngoài, theo số liệu từ Liên đoàn các thương nhân toàn Ấn Độ (CAIT). Tuy nhiên, do đây chủ yếu là đám cưới của các gia đình giàu có, số tiền chi cho chúng lên tới 5,8 tỷ USD.
![]() |
Không gian tổ chức buổi lễ truyền thống tại đám cưới của Bajaj và Dhanda ở Việt Nam. Ảnh: Light Chamber. |
"Chiều lòng" khách Ấn Độ
Nắm bắt xu hướng này, nhiều nước đang tích cực thu hút ngành cưới hỏi giàu tiềm năng của Ấn Độ. Cục hội nghị Abu Dhabi cung cấp thị thực miễn phí cho các cặp đôi tổ chức lễ cưới tại đây. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Istanbul và thành phố biển Antalya đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về lượng khách Ấn Độ tổ chức đám cưới. Còn Cơ quan du lịch Singapore đang hợp tác với các đơn vị tổ chức sự kiện Ấn Độ để quảng bá quốc đảo như một điểm đến lý tưởng cho hôn lễ.
Theo trang web WeddingSutra, số lượng lễ cưới tổ chức ở nước ngoài đang tăng 15% mỗi năm nhờ ngày càng nhiều gia đình đủ khả năng chi trả. "Các gia đình khá giả ngày nay không chỉ đi du lịch, họ còn tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm kết hôn hay sinh nhật lần thứ 50 ở nước ngoài. Các sự kiện kỷ niệm và cưới hỏi quốc tế đang trở nên phổ biến", CEO Parthip Thyagarajan nói.
Nhiều khách sạn đã xây dựng các gói cưới dành riêng cho khách hàng Nam Á, bao gồm tiệc henna và thực đơn do các đầu bếp Ấn Độ chế biến theo công thức gia truyền. Tập đoàn Marriott International cho biết lượng đám cưới Ấn Độ tại các khách sạn ở châu Á đã tăng hơn 30% trong vòng 5 năm tính đến 2024, với mức chi tiêu tăng 50%.
Hilton Worldwide cũng ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt, đặc biệt là tại Conrad Bali, nơi số lượng đám cưới Ấn Độ tổ chức năm 2024 đã tăng gấp đôi so với năm 2023. Khách sạn này cũng đã tuyển dụng đầu bếp Ấn Độ phục vụ riêng cho nhóm khách đặc biệt này.
![]() |
Tariang và Manprit Singh Rana tổ chức đám cưới ở Hua Hin. Ảnh: Studio Niramit. |
Tại Thái Lan - nơi chỉ cách nhiều thành phố lớn của Ấn Độ khoảng 4 giờ bay, một hệ sinh thái chuyên phục vụ đám cưới Ấn Độ đã hình thành. Từ nhà tổ chức sự kiện, đơn vị cung cấp henna, đến đầu bếp và nghệ sĩ biểu diễn đều sẵn sàng đáp ứng. Nhiều cơ sở thậm chí được xây dựng riêng với các hạng mục truyền thống như mandap - một kiểu bàn thờ có mái vòm và cột trụ đặc trưng.
Krishna Patel, giám đốc Hiệp hội Đám cưới Ấn Độ tại Thái Lan và chủ sở hữu một công ty tổ chức sự kiện ở Hua Hin, chia sẻ: "Những đám cưới này là nguồn thu béo bở. Người Thái tổ chức đám cưới trong một ngày, còn người Ấn tổ chức cả tuần lễ. Khách sạn và các nhà cung cấp dịch vụ đều có việc làm liên tục".
Theo Cơ quan Du lịch Thái Lan, nhiều hoạt động trong các lễ cưới Ấn Độ có thể tốn tới 1 triệu USD. Chính phủ nước này đang hợp tác với ngành khách sạn và tổ chức sự kiện để nâng cấp cơ sở hạ tầng - từ xây dựng đại sảnh tiệc quy mô lớn đến nới lỏng quy định cấm âm nhạc sau 22h - nhằm thu hút thêm các lễ cưới xa hoa.
Một trong những cặp đôi chọn Thái Lan làm nơi tổ chức đám cưới là Manprit Singh Rana và Lovely Tariang. Cả hai đều ở độ tuổi ngoài 30 và từng tham dự nhiều đám cưới lớn trước đó. Họ khiến gia đình bất ngờ khi quyết định không tổ chức lễ cưới ở Shillong - quê nhà của Tariang và cũng là điểm cưới nổi tiếng ở đông bắc Ấn Độ.
Tháng 1 vừa qua, cả hai đón 125 khách tại Hua Hin trong hai ngày với đầy đủ nghi thức truyền thống, ẩm thực phong phú và âm nhạc sôi động. Nhiều khách lần đầu đến Thái Lan và kết hợp luôn kỳ nghỉ của riêng mình. "Nghĩ lại tôi vẫn nổi da gà. Mọi thứ là sự hòa quyện hoàn hảo giữa tình yêu, văn hóa và phiêu lưu", Tariang nói.
Có những tình yêu không cần nói thành lời, nhưng vẫn luôn hiện diện, dịu dàng và vĩnh cửu. Trong Triệu lá thư gửi mẹ, mỗi trang sách là một phong thư nhỏ, chứa đựng lời nhắn gửi chân thành và sâu sắc để dành tặng những người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời mỗi chúng ta.