Bốn năm trước, Jarrad Laver và Bonita Herewane mua một chiếc thuyền và đặt tên cho nó là Nandji, trong tiếng Hindu có nghĩa là "niềm vui". Đến 2017, cặp vợ chồng người Australia bắt đầu chuyến du ngoạn trên biển bằng con thuyền này.
Khi đó, cả hai gần như không có kinh nghiệm chèo thuyền. Jarrad Laver và Bonita Herewane cho biết chính thời tiết, gió và thủy triều đã dẫn đường cho cuộc hành trình của họ.
Trên trang Instagram có hơn 67.000 người theo dõi, họ thường xuyên đăng ảnh cập nhật chuyến đi của mình. |
Trước đây, hai vợ chồng này từng đi phượt khắp Australia bằng xe tải nhưng họ nhận ra đi du lịch bằng thuyền sẽ mang lại cảm giác tự do hơn. "Nếu chúng ta sống trên đại dương, chúng ta có thể đi thuyền vòng quanh thế giới", Laver nói với Insider.
Trong 3 năm lênh đênh trên biển, cả hai đã đi qua quần đảo Koh Phi Phi ở Thái Lan và khu vực núi lửa ở Papua New Guinea. Chia sẻ với Insider, Jarrad Laver và Bonita Herewane cho hay họ đã chuẩn bị rất lâu cho chuyến hành trình lớn nhất trong đời, đó là đi du lịch đến Ấn Độ Dương.
Trong kế hoạch của mình, họ quyết định sau khi rời Thái Lan, Indonesia sẽ lần lượt ghé qua một số quốc gia khác ở Nam Thái Bình Dương. Khi đến đây, đôi phượt thủ sẽ bảo dưỡng chiếc thuyền để chuẩn bị đến Sri Lanka, Madagascar và Nam Phi.
Do dịch bệnh bất ngờ bùng phát và tràn sang nhiều quốc gia khác, chuyến đi của họ bị tạm dừng.
Khi rời Australia đầu năm nay, cả hai không quá quan tâm đến Covid-19. Nhưng khi đến Thái Lan, họ mới nhận ra tình hình nghiêm trọng của dịch bệnh. Lúc vào thành phố, mọi người đều đeo khẩu trang và đề cao cảnh giác.
Dịch bệnh khiến chuyến đi của hai vợ chồng bị ngừng lại. |
Họ bắt đầu tìm kiếm sự giúp đỡ trong các nhóm, bài đăng của cộng đồng yêu thích chèo thuyền trên Facebook và các diễn đàn du lịch. May mắn thay, tại thời điểm đó, Malaysia vẫn chào đón khách du lịch và có thể cấp visa 3 tháng.
Cả hai nhanh chóng lên đường và đến được đảo Langkawi 2 ngày trước khi biên giới đóng cửa và neo đậu ở đó đến tận bây giờ.
Hiện tại, Laver và Herewane đang lên kế hoạch và các phương án khả thi cho phần còn lại của cuộc hành trình. Điều họ lo lắng nhất là nếu thời gian phong tỏa kéo dài lâu hơn nữa, họ sẽ bỏ lỡ cơ hội đến Sri Lanka. Trong khi visa của hai vợ chồng chỉ còn thời hạn hơn một tháng và không chắc sẽ được gia hạn thêm nữa.
Cả hai cũng cân nhắc trở về nhà ở Australia nhưng việc đi ngược gió sẽ mất ít nhất 2 tuần.
Tuy dịch Covid-19 làm xáo trộn kế hoạch nhiều khách du lịch nhưng nó không làm ảnh hưởng quá nhiều đến lối sống của vợ chồng này.
Tuy đang trong đại dịch, nhưng điều đó không làm thay đổi quá nhiều đến thói quen của Laver và Herewane. |
"Chúng tôi xây dựng lối sống thích nghi nhanh với các trường hợp khẩn cấp giống như một đại dịch. Tôi và chồng đều quen với việc sống trong một không gian nhỏ, luôn ở cạnh nhau và tự cung tự cấp mọi thứ cần thiết”, Bonita Herewane chia sẻ.
Dù là du lịch bằng xe tải hay thuyền buồm, cả hai đều sẽ đi liên tục hàng tuần liền mà không cần dừng lại ở các cửa hàng tạp hóa. Họ dự trữ khá nhiều thực phẩm đóng hộp và học cách nấu những bữa ăn ngon mà không cần đồ tươi. Thuyền của hai vợ chồng đến từ Australia hiện có đủ thức ăn đến 6 tháng.
Mỗi buổi sáng, Herewane thức dậy và tập thể dục trên mũi thuyền trong khi Laver trả lời email. Sau đó, họ dành cả ngày để chỉnh sửa và bảo dưỡng con thuyền.
“Đây là thời gian để chúng tôi sống chậm lại và dừng chèo thuyền sau nhiều năm”, Herewane nói. |
Trước khi dịch bệnh hoành hành, đôi vợ chồng liên tục di chuyển đến các địa điểm tiếp theo. Nếu không chèo thuyền, họ sẽ lặn biển hoặc lướt sóng. Vì thời tiết là yếu tố quyết định chuyến đi nên họ đã học cách ứng biến với những gì xảy ra mỗi ngày.
“Thật tệ khi chúng tôi không thể tiếp tục chuyến đi của mình. Nhưng còn rất nhiều người đang trong tình huống tồi tệ hơn", người vợ bày tỏ.
Jarrad Laver và Bonita Herewane cho biết thêm mục đích họ khi đi du lịch là để khám phá và việc phải di chuyển từ thành phố bị phong tỏa sang nơi khác là điều họ không muốn xảy ra.