Biên bản kiểm tra cho thấy, mặc dù sau hơn 2 tháng tiến hành bổ sung theo yêu cầu của Đoàn thẩm định liên ngành ngày 5/10, nhiều điều kiện để được mở ngành đào tạo vẫn thiếu. Điển hình như thiếu phòng thực tập giải phẫu trên xác. Trang thiết bị tối thiểu trong các phòng thực hành thiếu thiết bị cơ bản, chuyên ngành.
Trấn an đoàn kiểm tra về điều này, đại diện nhà trường đưa ra bản hợp đồng mua bán thiết bị, dụng cụ cho các phòng thí nghiệm trị giá 11 tỷ đồng và sẽ bàn giao trong tháng 1/2016!
Thí sinh kỳ dự thi THPT Quốc gia năm 2015 tại Hà Nội. Ảnh:Tiền Phong. |
Thiếu cả giáo viên và trang thiết bị
Trong đào tạo ngành Dược, hiện còn thiếu so với danh mục (kể cả một số thiết bị cơ bản) chỉ đáp ứng khoảng 10% yêu cầu. Giải thích với đoàn kiểm tra về tình trạng này, nhà trường cho rằng, đã có 5 hợp đồng mua bán ghi thời hạn chốt là 20/2/2016 trị giá 23 tỷ đồng, gồm có các thiết bị, dụng cụ cho các phòng thí nghiệm.
Về đội ngũ nhân sự ngành Y đa khoa, trong 37 môn cơ sở và chuyên ngành thì 6 môn học chưa có giáo viên cơ hữu đúng chuyên ngành gồm: Chẩn đoán hình ảnh, truyền nhiễm, tâm thần, ký sinh trùng, sinh lý bệnh miễn dịch, mô phôi và chỉ có giảng viên thỉnh giảng. Đoàn kiểm tra yêu cầu cần bổ sung đầy đủ giảng viên cơ hữu hướng dẫn thực hành khi có sinh viên đi thực tập tại bệnh viện.
Về đội ngũ ngành Dược học: Hiện vẫn thiếu 1 giảng viên chuyên ngành dạy môn phân tích kiểm nghiệm. Nhà trường cho hay sẽ khắc phục tình trạng thiếu giáo viên qua việc mời thỉnh giảng. Căn cứ kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã chấp thuận để trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo ngành Dược học từ năm 2016 nếu thực hiện xong các hợp đồng mua bán thiết bị đã ký trị giá 23 tỷ đồng, bổ sung tối thiểu 1 thạc sĩ môn phân tích kiểm nghiệm và báo cáo Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế.
Đối với ngành Y đa khoa, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế sẽ xem xét cho phép trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh sau khi trường bổ sung đội ngũ và thực hiện các hợp đồng mua bán trang thiết bị trị giá 11 tỷ đồng.
Hầu hết nhân sự ở tuổi về hưu
“Đào tạo ra thầy thuốc, ra bác sỹ là việc hệ trọng làm sao mà phải vội? Cứ để cho trường hoàn thiện đầy đủ các điều kiện rồi cấp phép cũng đã có muộn đâu. Đằng này cứ vừa phê duyệt, vừa hoàn thiện, bổ sung”
Một chuyên gia
Mặc dù trong cuộc họp báo ngày 28/12, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) khẳng định, chỉ cho phép tuyển sinh khi đủ điều kiện mở ngành, tuy nhiên không ít chuyên gia bày tỏ lo ngại về thực trạng đang diễn ra tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Tính đến ngày 28/12, trường này vẫn tiếp tục thiếu các điều kiện tuyển sinh dù trước đó tại kết luận thẩm tra ngày 5/10, liên ngành đã nêu rõ nhiều nội dung cần phải được bổ sung mới có thể tuyển sinh. Giải thích cho tình trạng thiếu hụt cơ sở vật chất tại đây lại là chính các hợp đồng mua bán trang thiết bị sẽ được bàn giao trong…tương lai không xa!
Trao đổi với PV, lãnh đạo một bệnh viện cho hay, việc mở lại ngành đạo tạo Y dược với các trường dân lập, không có truyền thống đào tạo về y dược đã là điều bất ngờ và bây giờ liên Bộ Y tế- Giáo dục dường như đang cố “gọt chân cho vừa giày”, khi liên tục lập đoàn kiểm tra rồi lại thúc giục trường này phải bổ sung các trang thiết bị và nhân sự còn thiếu?
“Đào tạo ra thầy thuốc, bác sĩ là việc hệ trọng làm sao mà phải vội? Cứ để cho trường hoàn thiện đầy đủ các điều kiện rồi cấp phép cũng đã có muộn đâu. Đằng này cứ vừa phê duyệt, vừa hoàn thiện, bổ sung”, một chuyên gia nói.
Một lo ngại khác đó là hầu hết đội ngũ “nhân sự” ngành Y, Dược của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đều đã ở tuổi… về hưu, thậm chí có người đã gần 80 tuổi! Trong số 47 giảng viên được ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội công bố thuộc khoa Y đa khoa của trường có 6 trưởng bộ môn là GS, PGS y học cơ sở ngành, nội khoa, sản khoa, ngoại khoa…
Trong đó, Trưởng khoa Y đa khoa là GS Lê Anh Tuấn, nguyên Giám đốc sở Y tế Hà Nội, sinh năm 1951, chuyên ngành y học dự phòng và y tế công cộng; Phó Chủ nhiệm khoa là PGS.TS Nguyễn Văn Tường, sinh năm 1943, chuyên ngành Sinh lý học.
Giảng viên cao tuổi nhất của khoa Y là PGS Nguyễn Quang Bài, sinh năm 1938, chuyên khoa ngoại khoa. Trẻ nhất là thạc sĩ Trần Huy Bình, chuyên ngành Y tế công cộng.
Trong danh sách giảng viên của trường này, có 1 người sinh năm 1973, 1 người sinh năm 1977, 1 người sinh năm 1979, một hai người sinh những năm 1960. Còn lại các giảng viên đều đã về hưu hoặc cận kề tuổi về hưu.
Tại kết luận của đoàn thẩm định liên bộ ký ngày 5/10/2015, trong số 47 giảng viên chỉ có 17 giảng viên có đầy đủ hồ sơ chứng minh cơ hữu.
“Ở tuổi gần tám mươi, tôi không hiểu có bao nhiêu người đủ sức lực để cầm dao mổ dạy sinh viên”, một bác sĩ chuyên khoa chia sẻ khi nói về tuổi của đội ngũ “nhân sự” Đại học Kinh doanh và Công nghệ.