Ba ngày sau khi sinh hai bé gái Nguyễn Tuệ Anh, Nguyễn Tú Anh ở tuần 33, chị Vương Thị Linh (sinh năm 1992, quê ở Phúc Thọ, Hà Nội) vẫn không thể giấu được sự vui mừng. Đối với chị, việc mẹ tròn con vuông vẫn như một giấc mơ thành sự thật bởi không phải ai cũng may mắn như mình.
Cứu cùng lúc 2 thai
Chị Linh cho biết khi biết mình bầu song thai hai bé gái, chị rất hạnh phúc. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, quá trình theo dõi thai kỳ tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, chị được phát hiện hai thai chung một bánh rau, đồng nghĩa sẽ có nhiều nguy cơ hơn so với hai bánh rau độc lập.
Không nằm ngoài dự đoán, chị Linh thường xuyên cảm thấy bụng cương cứng, căng, khó chịu, siêu âm thấy hai con có sự chênh lệch lớn về cân nặng. Sau đó, chị được phát hiện mắc hội chứng truyền máu song thai.
“Lúc đó, tôi nghĩ sẽ rất khó giữ được con. Tưởng như hết hy vọng nhưng may mắn khi tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bác sĩ đang thực hiện đề tài về hội chứng truyền máu song thai nên tôi được vào chương trình điều trị miễn phí của bệnh viện. Nhờ đó, hai con mới thoát khỏi nguy hiểm để chào đời như ngày hôm nay”, chị Linh chia sẻ.
Hai bé gái hiện tự thở, bú tốt sau 3 ngày chào đời. Ảnh: HQ. |
BSCKI Nguyễn Thị Sim, Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - người trực tiếp theo dõi trường hợp này - kể lại sản phụ Linh được phát hiện mắc hội chứng truyền máu song thai ở tuần 20 của thai kỳ.
“Lúc này, sản phụ được tiếp tục theo dõi. Ở tuần 23, chúng tôi phát hiện một thai bị hết ối, bó sát vào cơ thể bé như bị hút chân không khiến bé không thể thở, trong khi thai kia lại dư ối khiến em bé bồng bềnh trong nước ối”, bác sĩ Sim kể lại.
Nhận thấy tình trạng nguy cấp, ngày 21/10, sau khi hội chẩn, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc bệnh viện, và bác sĩ Sim đã tiến hành ca can thiệp trong buồng tử cung sản phụ Linh.
Điều đặc biệt ở ca này là cả hai thai đều có dấu hiệu sự sống, bác sĩ phải đấu trí làm sao tìm được các mạch máu ở đường nối của bánh rau, đảm bảo ở vị trí cân bằng để tiến hành chặn, mục đích là để hai thai có được dinh dưỡng tối ưu. Nếu để lệch, tính mạng của thai nhi sẽ khó giữ.
“Cái khó là phải can thiệp khi cả hai đều đang cử động trong bào thai, qua màn hình camera siêu bé, lại trong môi trường nước. Bất cứ dụng cụ nào cũng có thể chạm vào em bé gây tổn thương. Nếu không khéo léo sẽ không thể điều khiển được tia laser vào đúng mạch máu như ý muốn, như vậy, bệnh sẽ tái phát hoặc khiến em bé rơi vào tình trạng xấu nhất”, bác sĩ Sim kể.
Cuối cùng, ca can thiệp đã thành công sau 40 phút nhờ sự nỗ lực và phối hợp của các y bác sĩ. Sau ca can thiệp, sản phụ Linh tiếp tục được theo dõi sát sao. Hai em bé phát triển đồng đều. Đêm 28/12, ở tuần thai 33, chị chuyển dạ và sinh thường hai bé lần lượt với cân nặng 1,8 kg và 1,7 kg.
Theo bác sĩ Sim, đây là 2 bé sinh đôi đầu tiên chào đời khỏe mạnh sau khi được điều trị hội chứng truyền máu song thai bằng can thiệp bào thai tại bệnh viện. Hiện tại, hai bé đã tự thở, bú tốt và được chăm sóc tại khoa Sơ sinh.
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: HQ. |
Thủ phạm dẫn đến thai lưu từng bị bỏ qua
Khác với đơn thai, người mang song thai có nhiều nguy cơ, đặc biệt đối với những trường hợp có chung một bánh rau có đến 20-30% mắc hội chứng truyền máu song thai.
“Nếu không được phát hiện và can thiệp, 90% thai nhi sẽ biến chứng nặng là phù thai, dẫn tới lưu, chỉ 10% còn lại có thể chào đời nhưng lại mang những di chứng nặng nề về não. Trước đây, hội chứng truyền máu song thai thường bị bỏ sót, sau này, dù được phát hiện, các y bác sĩ lại không có phương tiện để điều trị. Do đó, rất nhiều thai phụ đã mất con rất đau đớn”, bác sĩ Sim cho hay.
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho hay Việt Nam đã có những thành công bước đầu về việc triển khai kỹ thuật can thiệp bào thai. Hiện tại, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là cơ sở công duy nhất đã trực tiếp thực hiện kỹ thuật này với tỷ lệ thành công ngang tầm thế giới. Trong 15 trường hợp đã được mổ, 2 ca đã sinh con khỏe mạnh. Những trường hợp còn lại đang được chăm sóc miễn phí tại viện. Theo PGS Ánh, việc chăm sóc sau mổ rất quan trọng, mục tiêu kéo dài được tuổi thai càng lâu càng tốt cho các thai phụ.
“Nếu trước đây, bệnh nhân chỉ biết chờ vào may rủi, đánh cược tính mạng của thai nhi, hiện nay, chúng ta có thể cứu được tới 90% em bé từ trong bụng mẹ. Bào thai chính là một bệnh nhân và phải được chữa bệnh, cứu từ trong bụng mẹ”, PGS Ánh chia sẻ.
Can thiệp bào thai là kỹ thuật hiện đại nhất trong sản khoa hiện nay, có thể can thiệp được ở hầu hết cơ quan của bào thai, thậm chí cả não, tim, màng phổi. Chi phí thực hiện kỹ thuật này trung bình khoảng 50 triệu đồng/ca. Bệnh viện đang miễn phí cho 30 ca đầu tiên.
Theo PGS Ánh, để cứu được em bé trong bụng mẹ bằng kỹ thuật này, điều kiện đầu tiên là phải được chẩn đoán sớm, sau đó là phòng mổ có trang thiết bị hiện đại, chuyên biệt, đòi hỏi chính xác, hoàn hảo về mọi mặt như ánh sáng, dụng cụ,… cuối cùng là con người với các chuyên gia được đào tạo, bàn tay khéo léo, có trách nhiệm.
“Nước ta có tỷ lệ sinh đẻ cao, mỗi năm có tới hàng nghìn ca gặp các biến chứng, đồng nghĩa hàng nghìn em bé không thể chào đời. Tôi mong muốn được sự quan tâm của các cấp, ngành để nhiều nơi đều có thể triển khai kỹ thuật này. Điều này rất ý nghĩa vì cứu được mạng người, đem lại hạnh phúc rất lớn cho các gia đình”, PGS Ánh kỳ vọng.