Ngày 16/10, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Nghệ An cùng các bác sĩ đầu ngành Bệnh viện Nhi Trung ương và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã họp và đưa ra kết luận về cái chết của hai bé gái song sinh tại Bệnh viện đa khoa Tây Bắc Nghệ An.
Trước đó, ngày 8/10, sản phụ ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) chuyển dạ, được chỉ định sinh mổ tại Bệnh viện đa khoa Tây Bắc Nghệ An. Hai bé gái song sinh có cân nặng lần lượt 3,3 và 3,1 kg ra đời vào ngày 9/10.
Ngày 11/10, hai bé được các bác sĩ khám sàng lọc và tiến hành tiêm vắc xin viêm gan B. Tuy nhiên, 4 tiếng sau khi tiêm vắc xin, bé thứ nhất có biểu hiện nôn trớ, suy hô hấp, suy tuần hoàn và tử vong sau 2 tiếng cấp cứu. Bé thứ hai cũng có biểu hiện tương tự nhưng muộn hơn và cũng tử vong.
Theo hội đồng chuyên môn, hai bé sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B là do bị mắc chứng rối loạn chuyển hóa sơ sinh - thể rối loạn chuyển hóa axit béo.
Theo TS Vũ Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm sàng lọc sơ sinh và bệnh hiếm, thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương, sau 15 năm ông mới lại tiếp cận nhóm bệnh lý này ở trẻ sơ sinh. Đây là loại bệnh di truyền hiếm gặp với tỷ lệ mắc là 3 triệu người mới có một ca mắc.
"Ngay khi tiếp nhận thông tin, kiểm tra các triệu chứng, diễn biến bệnh qua quá trình cứu chữa chúng tôi đã đặt nghi vấn 2 trẻ mắc loại bệnh này. Kết quả các mẫu xét nghiệm sàng lọc từ việc lấy máu gót chân sau sinh 24 giờ để kiểm tra bệnh hiếm (mẫu này được bệnh viện lấy trước khi trẻ phát bệnh) và kết quả xét nghiệm máu, mẫu bệnh phẩm sau này đều trùng khớp về nhóm bệnh lý trên", TS Dũng cho biết.
Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An và các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Nhi Trung ương công bố nguyên nhân cái chết của hai bé song sinh. Ảnh: N.Thanh. |
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng thông tin nguồn gốc vắc xin, công tác vận chuyển bảo quản, khám sàng lọc, tổ chức tiêm và theo dõi sau tiêm tại Bệnh viện đa khoa Tây Bắc Nghệ An thực hiện đúng quy trình, quy định.
Về lý do bệnh viện để sang ngày thứ 3 sau sinh mới tiêm vắc xin cho hai cháu, bà Hồng giải thích: "Thời gian vàng tiêm vắcxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh để ngăn lây nhiễm từ mẹ sang con là 24 giờ. Tuy nhiên, đây chỉ là khuyến cáo với khu vực đô thị, nơi dễ tiếp cận dịch vụ y tế. ở Các nơi khác, 3 ngày sau sinh, vắc xin vẫn đảm bảo yếu tố phòng bệnh và không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ".
Về cách phòng tránh, hoặc phát hiện sớm loại bệnh này, TS Dũng khuyến cáo cha mẹ nên tham gia chương trình tư vấn di truyền tiền hôn nhân. Mặc dù, chương trình này chỉ giúp phát hiện các loại bệnh di truyền có tỷ lệ mắc tương đối cao. Như vậy, loại bệnh này rất khó có thể phòng ngừa, nhưng có thể phát hiện sớm khi lấy máu khô gót chân 24 giờ (như trường hợp 2 bé bị tử vong) để phát hiện.
Tuy nhiên, nếu bệnh bộc phát ở lứa tuổi sơ sinh, tỷ lệ tử vong là 100%. Nếu phát hiện bệnh khi sinh con lần thứ nhất, cha mẹ phải được sự tư vấn kỹ lưỡng của bác sĩ trước khi có con và suốt quá trình mang thai để hạn chế rủi ro.