![]() |
Nhật Linh về quê, học làm món bánh mì gia truyền 50 năm. |
Học tập rồi đi làm ở Hà Nội, Đoàn Nhật Linh (sinh năm 1998) từng nghĩ rằng có công việc với mức lương 20 triệu đồng mỗi tháng, bạn bè tốt xung quanh và nhịp sống hối hả sẽ là hướng đi cả đời của mình.
Cho đến khi biến cố ập đến vào dịp Tết Thanh minh năm ngoái, mẹ của Linh gặp tai nạn giao thông và qua đời, cuộc sống của cô gái Gen Z cũng đảo lộn.
“Mẹ mất 3 ngày trước lễ dạm ngõ của mình. Mình không kịp nói lời nào, không kịp ôm mẹ thêm một lần. Không kịp nói với mẹ rằng ‘Mẹ ơi, con lớn rồi, con có thể thay mẹ đứng bán được rồi’”, Linh nghẹn ngào khi nhắc về người mẹ đã có 30 năm gắn bó với tiệm bánh mì được truyền đời từ bà ngoại.
Trở về nối nghiệp mẹ
Bố mất từ năm Linh 13 tuổi, em gái mới 4 tuổi, sự ra đi của mẹ khiến cô càng thấy trống trải vô cùng. Ký ức về mẹ khiến Nhật Linh có thời gian ám ảnh, kiệt sức đến mức không có dũng khí để bước qua khu vực bếp nơi mẹ từng ở đó. Tất cả công việc được giao lại nhờ dì của Linh đảm đương.
![]() ![]() |
Nhật Linh chụp cùng bà và mẹ, hai người phụ nữ đã gây dựng thương hiệu bánh mì gia truyền. |
Nhưng cuối cùng, không thể xóa nổi những ký ức, Linh nhận ra nếu cô không trở về, sẽ không ai giữ được cái mùi pate gia truyền. Cô sợ rằng không ai còn nhớ công thức hấp cách thuỷ mấy tiếng liền. Và sẽ chẳng còn ai giữ được cái tiệm bánh nhỏ mà bà mình, rồi mẹ mình đã đánh đổi cả thanh xuân để dựng nên.
“Mình quyết định nghỉ việc. Không do dự, không nghĩ là tạm trở về, mình nhất quyết về hẳn”, Linh chia sẻ. Những ngày đầu tiên, cô học lại mọi thứ từ đầu: cách ướp pate, nướng bánh, đến cách cười với khách, hỏi thăm từng câu quen thuộc như mẹ từng làm.
Trước khi về quê, Nhật Linh đang làm trong ngành truyền thông và giữ vị trí Community Leader (Người lãnh đạo cộng đồng) tại một công ty truyền thông lớn với mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng. Cô còn có nguồn thu nhập từ các job làm thêm.
![]() |
Tiệm bánh mì gia đình Linh đông khách mỗi ngày. |
Tiệm bánh mì của gia đình nằm trên đường Lý Thường Kiệt, phường Nam Định, tỉnh Ninh Bình (TP Nam Định cũ). Thương hiệu được bà Lâu, bà ngoại của Linh sáng lập từ những năm 1980. Về sau, bà truyền lại công thức làm làm bánh mì pate cho cả 5 người con. Mẹ của Linh đã phát triển thương hiệu trở nên nổi tiếng.
Trở về để làm công việc “từng ghét” khi còn bé, bởi thấy nó quá cực nhọc và chứng kiến mẹ chẳng có thời gian nghỉ ngơi, giờ đây Nhật Linh cảm thấy đây chính là nơi mình thuộc về.
Học lại từ đầu
Những ngày đầu tiên đứng quán, Linh được một người cậu, một người bác từng làm việc lâu năm cùng gia đình tham gia phụ giúp.
Chồng của Linh, Hải Long (sinh năm 1998), sau đó cũng từ bỏ công việc chuyên gia kiểm thử phần mềm trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại công ty nước ngoài, về hỗ trợ vợ.
Mỗi ngày của Linh bắt đầu từ 4h. Cô sơ chế nguyên liệu, làm pate theo công thức mẹ và bà để lại. Mỗi mẻ pate đều được làm và nêm nếm thủ công, hấp cách thủy cho chín mềm trong 6-8 tiếng.
![]() |
Linh học lại từ đầu từ mọi khâu trong làm pate, cách bán hàng. |
“Các nguyên liệu làm pate phải đảm bảo sạch sẽ và thành phẩm không sử dụng chất bảo quản. Bánh mì được nhà mình đặt riêng từ lò quen. Vỏ giòn, không bị vỡ vụn và đặc ruột, dậy mùi thơm của bột nở truyền thống”, Linh nói.
Từng phụ mẹ làm bếp, đóng hộp pate từ bé nhưng cô thừa nhận chưa bao giờ học kinh nghiệm nấu nướng bài bản từ gia đình. Đến khi tiếp quản nghề gia truyền, cô phải tự mày mò, thử nghiệm từng mẻ pate rồi học cách vận hành quán, cách giao tiếp, phục vụ khách.
Khi mỗi mẻ pate mới ra lò, 2 vợ chồng Linh cũng phải ăn hết vài chiếc để trực tiếp cảm nhận và đánh giá hương vị, tính toán cân đối và gia giảm sao cho phù hợp với khẩu vị của khách hàng.
Mọi vất vả đều qua đi khi quán đông khách, bán buôn thuận lợi và nhiều hôm hết hàng sớm. “Mình biết con đường phía trước vẫn còn nhiều thử thách nhưng mình tin là bản thân đang đi đúng hướng và luôn được bố mẹ dõi theo”, Linh bày tỏ.
Mới đây, với kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông, Linh đã ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới, đánh dấu bước chuyển khi đến tay thế hệ thứ 3. Trên logo là hình ảnh mẹ của Linh nở nụ cười tươi cùng dòng chữ "Gia truyền 3 đời - 50 năm".
Hiện tại, mỗi ngày tiệm bánh mì của gia đình Linh mở cửa bán từ 13h30-22h, thường xuyên tấp nập khách tới xếp hàng mua về. Vợ chồng Linh cho biết có ngày bán vèo hết vài trăm ổ bánh mì chỉ trong nửa tiếng đồng hồ.
Có những tình yêu không cần nói thành lời, nhưng vẫn luôn hiện diện, dịu dàng và vĩnh cửu. Trong Triệu lá thư gửi mẹ, mỗi trang sách là một phong thư nhỏ, chứa đựng lời nhắn gửi chân thành và sâu sắc để dành tặng những người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời mỗi chúng ta.