“Khao khát trở thành siêu anh hùng không thể bị tách rời khỏi chủ nghĩa thượng đẳng. Bất cứ kẻ nào nắm trong tay huyết thanh siêu chiến binh rồi cũng sẽ đi theo con đường đó”.
Baron Zemo (Daniel Bruhl) đã nói như vậy với Sam Wilson (Anthony Mackie) và Bucky Barnes (Sebastian Stan) trong đoạn đầu của tập bốn The Falcon and the Winter Soldier. Tập phim có tựa đề The Whole World Is Watching, tức Cả thế giới đang dõi theo.
Theo The Hollywood Reporter, đỉnh điểm của tập phim là cảnh John Walker (Wyatt Russell) - Captain America tiếp theo được chính phủ Mỹ lựa chọn - cuồng nộ đánh chết một kẻ khủng bố đã gián tiếp sát hại đồng đội anh.
Đối với người dân châu Âu, điều họ chứng kiến là Captain America dùng chiếc khiên quen thuộc chặt chém người giữa nơi công cộng. Khi những chiếc điện thoại giơ lên, trong phút chốc, Captain America hóa thành ác nhân trong con mắt người đời.
Thay đổi định nghĩa về siêu anh hùng
Zemo thừa nhận Steve Rogers (Chris Evans) là ngoại lệ khi cho rằng ai nắm trong tay siêu huyết thanh cũng sẽ mang lý tưởng thượng đẳng. Điều gì làm nên sự khác biệt giữa Steve với những người đồng đội, với những thế hệ sau như Sam, Bucky, Karli Morgenthau (Erin Kellyman), John Walker, với những người luôn băn khoăn trước ý nghĩa hình tượng Captain America hay giá trị của chiếc khiên biểu tượng?
Truy tận gốc rễ, bài học mà Steve Rogers đem tới chính là sẵn sàng chấp nhận thất bại dù phải trải qua bao lần. “I can do this all day” (Tôi có thể tiếp tục suốt ngày dài), lý tưởng đó được giữ vững từ khi Steve còn là một gã còm nhom dám chống lại cả đám thanh niên to xác cho tới khi anh đối đầu với những thực thể hùng mạnh như Thanos.
Song, thất bại của thế hệ Steve Rogers không giống thất bại của thế hệ John Walker. Người kế thừa chiếc khiên sớm nhận ra rằng thế giới không còn đơn giản như xưa khi nếm quả đắng dù mới kế nhiệm chưa được bao lâu.
Hai Captain America trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel. |
Trong Captain America: The First Avenger (2011), tiến sĩ Erskine (Stanley Tucci) nói rằng Steve là người phù hợp với huyết thanh siêu chiến binh bởi anh là người tốt. Nhưng khái niệm người tốt có thể thay đổi tùy theo ý chí hay hoàn cảnh, và lòng tốt thực ra chỉ mang tính tương đối.
Trong bối cảnh Thế chiến II thiện - ác rõ ràng, Steve Rogers chiến đấu cho phe người Mỹ “chính diện”, tiêu diệt lính Đức Quốc Xã. Đó là một ranh giới rõ ràng.
“The whole world is watching” là cụm từ được những người biểu tình chống Chiến tranh Việt Nam hô vang khi họ bị cảnh sát đánh đập và bắt giữ bên ngoài khách sạn Conrad Hilton ở Chicago khi Hội nghị Quốc gia Dân chủ diễn ra năm 1968.
Lần đầu tiên và là tiền đề cho những lần sau này, lý tưởng về chiến tranh tại nước Mỹ bị đặt trong câu hỏi đạo đức khi “Chú Sam” không còn hô vang khẩu hiệu công lý và lòng tốt, đem đạn bom đến giày xéo đất nước khác. Nếu Captain America tồn tại ở thời điểm đó, anh hẳn sẽ xuất hiện trên poster cổ vũ tham gia chiến trường Việt Nam. Khi ấy, ai có thể nói rằng anh là người tốt?
Thế giới hiện đại, khi hàng tỷ người bỗng dưng quay lại sau 5 năm kể từ cái búng tay của Thanos, giữa những khủng hoảng và hỗn loạn, chia cắt và từ bỏ, trở nên phức tạp hơn. Những vết thương trong lòng xã hội khi một nửa thế giới mất đi còn chưa lành, nay lại càng thêm sâu sắc bởi những người biến mất trở lại.
Những sự kiện phức tạp trong Captain America: The Winter Soldier (2014) và Captain America: Civil War (2016) khiến Steve Rogers phải từ bỏ chiếc khiên là minh chứng cho việc định nghĩa một người tốt khó khăn ra sao.
Đại úy Mỹ hay Đại úy Không-gì-cả?
Trên thực tế, Steve Rogers đã dành thời gian để chống lại chính phủ nhiều hơn là bảo vệ họ, tất nhiên đều với lý do chính đáng. Bộ máy quan liêu của nước Mỹ được ẩn dụ thông qua hình tượng H.Y.D.R.A. và những con rối khủng bố. Sự ẩn dụ rất rõ ràng khi chính phủ - dưới vỏ bọc S.H.I.E.L.D., Alexander Pierce (Robert Redford), tướng Ross (William Hurt), Phó Tổng thống Rodriguez (Miguel Ferrer) - đều không đáng tin.
Vậy nếu Steve Rogers không đại diện cho chính phủ Mỹ, thì anh đại diện cho điều gì? Phải chăng là lý tưởng về một nước Mỹ vĩ đại sinh ra bởi thế hệ toàn năng nhất, một đất nước tràn ngập tự do và công lý?
Steve Rogers không muốn đại diện cho chính phủ Mỹ. |
Thực tế, công lý và tự do không phải là khái niệm dành riêng cho nước Mỹ. Như trên phim và thực tế, phần lớn người dân vẫn không được hưởng những điều này một cách hiệu quả như lý thuyết. Cô em gái Sarah Wilson (Adepero Oduye) của Falcon từng nói: “Thế giới của tôi không là gì đối với nước Mỹ. Tại sao tôi phải quan tâm đến những con bù nhìn của nó?”.
Steve Rogers, do đó, đại diện cho một quốc gia không tồn tại cả ở ngoài đời lẫn Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Captain America được tác giả Ta-Nehisi Coates của bộ truyện tranh hiện tại gọi là Captain of Nothing. Vì là Captain of Nothing, anh không bị ràng buộc bởi quốc gia hay ý tưởng đi tìm sự thượng đẳng. Và vì là biểu tượng bị chối bỏ, anh sở hữu cái quyền xa hoa là chiến đấu cho bản thân và những người mình quan tâm.
Trên phim, Steve Rogers từng phải từ bỏ chiếc khiên để bảo vệ Bucky Barnes. Chính việc chấp nhận từ bỏ niềm tin bản thân để sống theo trái tim của Steve đã giúp anh tự làm nên giá trị cho chính mình.
Bi kịch của John Walker
John Walker ngay từ đầu được mô tả là người có chí. Anh muốn thay đổi thế giới, ngay cả khi điều đó khiến những vết thương trong xã hội thêm toác ra. Sự ồn ào, những hành động khoa trương và tính cách nóng nảy bộc lộ rõ ý đồ mong muốn thay đổi của tay lính chiến.
Trong cuộc đối thoại giữa John Walker và Lemar Hoskins/Battlestar (Cle Bennett), hóa ra, nỗ lực của anh trong cuộc chiến ở Afghanistan - nơi anh được trao ba Huân chương Danh dự - chẳng tạo ra thay đổi gì cho thế giới. Công chúng, trước khi John Walker trở thành Captain America, không biết anh là ai.
Chẳng ai quan tâm đến John Walker trước khi anh trở thành Captain America, dù nhân vật từng nhận nhiều huân chương trên chiến trường Afghanistan. |
Với John, vai trò Captain America chính là cơ hội duy nhất để chứng tỏ bản thân là một “người tốt”. Nhưng anh đang cố gắng thay đổi thế giới vì ai? Chắc chắn không phải là những người bị tước đi 5 năm cuộc đời vì cái búng tay, cũng không phải những kẻ đang cố gắng mưu sinh khi một lần nữa trật tự thế giới lại bị đảo lộn.
John Walker muốn thay đổi thế giới giúp nước Mỹ, nhưng chỉ nước Mỹ khi nào nó liên quan đến chính phủ. Cái ngây thơ của John là nhắm mắt đưa chân cho chính phủ đưa mình đến Afghanistan trong một cuộc chiến không hề có vinh quang, cũng y hệt như việc họ đưa cho anh chiếc khiên một cách trơ tráo. Trên thực tế, anh ta phục vụ một chính phủ được thúc đẩy bởi những động cơ bí mật và một tổ hợp công nghiệp-quân sự.
Đều là binh lính của chiến tranh hiện đại, John Walker và Sam Wilson bước ra khỏi những trải nghiệm này theo cách khác nhau. Nếu như Sam chọn cách chữa lành khi trở thành cố vấn cho các cựu binh, thì John lại không ngừng tìm kiếm những cuộc chiến tiếp theo, đối tượng tiếp theo.
Nếu chính phủ nói kẻ thù là Flag-Smashers, thì John sẽ đối đầu với Flag-Smashers. “Quyền lực khiến một người sống thật với chính mình nhiều hơn”. Lemar, khi được hỏi nếu anh có lo lắng về tác dụng phụ của huyết thanh siêu chiến binh, đã trả lời John như thế. Khán giả sớm nhận ra khi John tiêm huyết thanh, anh trở thành kẻ bất an hơn, hung hăng hơn, tin tưởng mù quáng hơn vào sự ưu việt của chính phủ Mỹ.
Sau Avengers: Endgame, chiếc khiên của Captain America còn mang nhiệm vụ hàn gắn một thế giới bị chia cắt. |
Cái chết của Lemar đã mở khóa cho thứ khác: một linh vật đại diện cho nước Mỹ thực sự, với tất cả sự bất cẩn, tàn nhẫn và công lý đặt nhầm chỗ. John Walker về cơ bản đã trở thành Captain America một cách toàn diện và hoàn hảo nhất.
Cảnh phim John Walker cầm chiếc khiên vấy máu rất giống chi tiết Homelander tưởng tượng mình đồ sát toàn bộ quảng trường trong series The Boys. Siêu anh hùng đại diện cho nước Mỹ, khi ta tin rằng họ lạc lối nhất, lại là lúc họ đang đại diện cho xứ sở cờ hoa một cách trọn vẹn nhất.
Liệu có thể tồn tại một Captain America mới khi bản thân nước Mỹ thực ra không đại diện cho lòng tốt? Phải chăng điều tốt nhất mà người ta có thể trông đợi là Captain of Nothing, một siêu anh hùng không đại diện cho bất cứ chính phủ nào mà chiến đấu vì lý trí của chỉ riêng anh/cô ấy?
Nếu Sam Wilson rốt cuộc chấp nhận thừa kế chiếc khiên, anh hẳn sẽ làm vậy khi nhận ra những sai lầm cố hữu của hệ thống nước Mỹ. Anh sẽ phải trở thành một Captain America không bị ràng buộc bởi lý tưởng trong quá khứ, mà là nhiệm vụ cấp bách của thực tại: hàn gắn một thế giới đã bị chia cắt, tràn ngập hoài nghi và thù hận.