Bác sĩ thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật cắt khối u. Ảnh: BVCC. |
Bà P.T.H.T., 51 tuổi, ngụ tại Bình Thạnh, đến khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng suy nhược cơ thể, ăn uống kém, đau bụng âm ỉ kéo dài, bụng căng phình to giống như đang mang thai.
Qua thăm khám, các bác sĩ nghi ngờ bà T. có khối u lớn trong ổ bụng và đã cho bệnh nhân thực hiện xét nghiệm máu cũng như chụp MSCT bụng để đánh giá.
Kết quả cận lâm sàng cho thấy người bệnh có khối u kích thước lớn ở gan trái, chiếm toàn bộ xoang bụng, được chẩn đoán u máu ở gan (Hemangioma) và cho nhập vào đơn vị Gan Mật Tụy để điều trị.
Theo chia sẻ của người bệnh, bà làm nội trợ, đã có gia đình và con cái. 8 năm trước, người phụ nữ đã phát hiện khối u trong bụng khi đi khám bệnh nhưng từ chối nhập viện để phẫu thuật loại bỏ khối u do gia đình hoàn cảnh khó khăn. Dần dần, khối u ngày càng to hơn, chèn ép tĩnh mạch chủ dưới hình thành bàng hệ ở thành bụng trước.
Hình ảnh khối u gan "khổng lồ" được lấy ra khỏi xoang bụng của bệnh nhân. Ảnh: BVCC. |
Sau khi nhập viện, các bác sĩ ở đơn vị Gan Mật Tụy đã phối hợp đơn vị DSA cùng đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Tuy là khối u lành tính nhưng có kích thước khổng lồ, nếu tiếp cận theo phương pháp mổ hở sẽ gây đau đớn sau mổ cũng như mất thẩm mỹ cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, do khối u chèn ép lâu ngày, người bệnh ăn uống kém, suy dinh dưỡng nên cơ thành bụng mỏng dễ bị thoát vị thành bụng về sau. Cuối cùng, các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi cho người bệnh.
Trước ngày phẫu thuật, bác sĩ đơn vị DSA đã hỗ trợ tắc mạch máu nuôi u, nhằm giảm kích thước khối u cũng như giảm nguy cơ chảy máu trong mổ.
Để thực hiện được phương pháp phẫu thuật nội soi đòi hỏi bác sĩ phải rất cẩn thận vì khối u chiếm gần toàn bộ xoang bụng, chèn ép các tạng khác trong ổ bụng. Phẫu thuật viên phải đối mặt nhiều thử thách khi di động gan, khả năng làm vỡ u gây chảy máu và nguy cơ gây tổn thương các tạng khác trong ổ bụng luôn rình rập.
Sau khi tính toán kỹ lưỡng, các bác sĩ tiến hành cắt bỏ hết khối u gan một cách an toàn, sau đó mổ mở trên vệ (tương ứng vết mổ lấy thai) một đoạn khoảng 20 cm để lấy toàn bộ khối u hơn 5 kg ra khỏi bụng.
Ca mổ kéo dài khoảng 2 giờ. Sau mổ, người bệnh ổn định sức khỏe và được xuất viện vài ngày sau đó.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh, đơn vị Gan Mật Tụy, cho biết u mạch máu gan là khối u lành tính ở gan, đa phần khối u có kích thước nhỏ và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Người bệnh chỉ cần tái khám định kỳ để theo dõi sự phát triển của khối u.
Trong hầu hết trường hợp, khối u không thay đổi kích thước hoặc tăng kích thước rất ít, chỉ khoảng 2 mm/năm. Người bệnh bị u mạch máu gan không nên quá lo lắng, chỉ cần duy trì lối sống lành mạnh và ăn uống khoa học để lá gan luôn khoẻ mạnh.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.