Theo bác sĩ Cúc, thời gian gần đây, số bệnh nhân dưới 45 tuổi bị đột quỵ ngày càng tăng. |
Đầu tháng 3, trong ca trực cấp cứu của mình, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Cúc, khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, tình cờ tiếp nhận điều trị bệnh nhân đột quỵ nặng.
Nhìn kỹ lại, nữ bác sĩ bàng hoàng nhận ra người nằm trên băng ca là bạn học thời THPT của cô.
"Tôi rất bất ngờ sau khi xem thông tin bệnh nhân lại chính là T., bạn cấp 3 của mình. Từ khi ra trường, chúng tôi không liên lạc với nhau. Gặp lại bạn sau 13 năm trong hoàn cảnh này khiến tôi rất đau lòng và tiếc nuối", bác sĩ Cúc nói với Tri Thức - Znews.
Nỗ lực cứu tuổi 35 của bạn
Bác sĩ Cúc kể lại khi nhập viện, tình trạng của T. rất nặng, tiên lượng đe dọa tử vong. Anh có tiền sử thừa cân, cao huyết áp không được kiểm soát. Huyết áp tăng lên quá cao dẫn đến tình trạng chảy máu thân não.
Nhìn người bạn mê man, tiên lượng rất nặng khi chỉ mới 35 tuổi, bác sĩ Cúc tự nhủ phải nỗ lực để cứu bạn. Cũng chính cô đã mở khí quản, điều trị nội khoa, kiểm soát huyết áp và lên phác đồ điều trị tốt nhất cho người bạn của mình. May mắn, sau 10 ngày nỗ lực, T. qua giai đoạn nguy hiểm.
Bệnh nhân T. đột quỵ do có tiền sử thừa chân, cao huyết áp không được kiểm soát. |
"Khi mới nhập viện, tôi tưởng chừng không thể cứu được bạn. T. đã qua được cơn nguy hiểm nhưng tổn thương thần kinh nặng, yếu liệt tứ chi. Tôi thấy rất tiếc vì trước đó không liên lạc với nhau để có thể tư vấn cho bạn cách kiểm soát huyết áp, mỡ máu ", bác sĩ Cúc tâm sự.
Những bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi
Theo bác sĩ Cúc, thời gian gần đây, số bệnh nhân dưới 45 tuổi bị đột quỵ ngày càng tăng, hiện chiếm khoảng 8% tại khoa Đột quỵ não. Trong số bệnh nhân trẻ, 84% là người 31-44 tuổi, 14% trong khoảng 19-30 tuổi và 2% dưới 18 tuổi.
Điều đáng buồn là rất nhiều người đến viện muộn, tình trạng bệnh đã nặng, hôn mê. Các bạn trẻ nhập viện với nguyên nhân hay gặp nhất là chảy máu não (47%), dị dạng mạch máu não (17%).
Chuyên gia cho biết chế độ sinh hoạt, làm việc không khoa học cũng là tác nhân dẫn đến đột quỵ.
Cô từng tiếp nhận ca bệnh là quân nhân hơn 30 tuổi, thường làm việc đến 3-4h. Khi đang làm việc, người đàn ông đột nhiên tê yếu nửa người. Sau khi vào viện khám, bệnh nhân đã có ổ chảy máu não, huyết áp tăng cao đến 180.
Một trường hợp khác là bệnh nhân 17 tuổi, chơi game 12 giờ liên tục. Khi đứng dậy, thanh niên cảm thấy yếu nửa người. Kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân bị đột quỵ não do bóc tách động mạch trong hộp sọ. Nguyên nhân từ việc ngồi ở tư thế gây căng cơ, làm cho mạch máu bị xoắn vặn, gây bóc tách động mạch, dẫn đến đột quỵ.
Vì vậy, bác sĩ Cúc khuyến cáo người dân nên chú ý vận động thường xuyên, đứng dậy đi lại sau mỗi 30 phút ngồi làm việc, không nên làm việc căng thẳng kéo dài.
Bác sĩ Nguyễn Thị Cúc khi trao đổi với người nhà bệnh nhân và trong một ca can thiệp đột quỵ. |
Bác sĩ Nguyễn Thị Cúc cho hay đột quỵ não thường được biết đến với 2 thể là nhồi máu não và chảy máu não (xuất huyết não).
Nhồi máu não là tình trạng mạch máu não bị tắc nghẽn, thường do huyết khối (cục máu đông) hình thành tại chỗ hoặc di chuyển từ nơi khác tới trong hệ thống tuần hoàn. Vùng nhu mô não không được cấp máu sẽ rơi vào tình trạng thiếu oxy và năng lượng, dần thoái hóa, hoại tử.
Chảy máu não là tình trạng mạch máu não bị vỡ ra, thường do tăng huyết áp không kiểm soát hoặc ở người bệnh có dị dạng mạch máu từ trước đó.
Chảy máu não gây tổn thương vùng não mà mạch máu đó cấp máu. Đồng thời, máu chảy ra đông kết lại tạo cục máu đông gây chèn ép vùng não lành xung quanh, gây ra thêm các tổn thương thứ phát, tăng áp lực nội sọ và tử vong.
"Nhiều bạn trẻ mắc bệnh lý về huyết áp nhưng không được phát hiện sớm, thậm chí không biết bản thân bị bệnh. Nhưng đây lại là một trong những tác nhân gây xuất huyết não. Khi bệnh đã nặng đến mức xuất huyết não, người bệnh khó giữ được mạng sống. Người may mắn thoát cơn bạo bệnh cũng để lại nhiều di chứng tàn phế nặng nề", bác sĩ Cúc nói.
Ngoài ra, chuyên gia cũng nhấn mạnh việc người dân nên quan tâm đến tầm soát đột quỵ sớm, không chờ có bệnh mới chữa.
Đột quỵ có thể do vỡ dị dạng mạch máu não, tăng huyết áp... Khi tầm soát, bạn có thể phát hiện tất cả nguyên nhân này trước khi chúng trở thành đột quỵ thực sự.
Để phát hiện, người dân có thể làm các xét nghiệm định kỳ, chụp mạch máu não. Một số dị dạng mạch máu não khi chụp lên, bác sĩ có thể phát hiện ra và can thiệp trước thời điểm chúng vỡ.
"Khi dị dạng mạch đã vỡ, chúng gây tổn thương thần kinh, yếu liệt chi. Lúc này, việc điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, thói quen tầm soát đột quỵ ở người dân hiện chưa nhiều", bác sĩ khoa Đột quỵ não nói.
Bác sĩ Cúc cho rằng trẻ em từ trên 12 tuổi nên đi chụp cộng hưởng từ não. Dù tỷ lệ phát hiện không nhiều, tuy nhiên, những trường hợp được phát hiện sớm có ý nghĩa rất lớn, có thể cứu sống tính mạng người bệnh. Người trên 30 tuổi nên chụp mạch não, xét nghiệm tổng thể định kỳ hàng năm.
Khi có dấu hiệu sớm về thần kinh như nhìn mờ, chóng mặt, yếu chân tay, nói ngọng, méo miệng... bạn đều phải nghĩ đến đột quỵ và nên đi khám càng sớm càng tốt.
"Không ít bệnh nhân có triệu chứng rất nhẹ như chỉ đau đầu nhưng khi khám phát hiện tổn thương đã nặng, có thể đe dọa tính mạng", bác sĩ Cúc cho hay.
Khi hơi thở hóa thinh không
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.