Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cậu bé băng giá' giờ ra sao sau một năm nhiều biến động?

Sau khi bức ảnh tóc đóng băng được lan truyền trên mạng, cậu bé Trung Quốc trải qua một năm có nhiều biến động. Cuối cùng, bình yên cũng trở lại với em.

Một ngày cuối tháng một, “cậu bé băng giá” Vương Phú Mãn rời căn nhà hai tầng khang trang gần trường Tiểu học Zhuan Shan Bao, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, để đi học. Chỉ mất 10 phút, Mãn đã có thể đến trường. Đây là điều mà một năm trước, cậu bé 9 tuổi không dám mơ đến.

Bức ảnh đổi đời

Đầu tháng 1/2018, bức ảnh cậu bé với đôi má đỏ ửng vì lạnh cùng mái tóc đóng băng trắng xóa thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Câu chuyện của Vương Phú Mãn được hàng trăm triệu người biết đến.

cau be toc dong bang anh 1
Bức ảnh Vương Phú Mãn với mái tóc đóng băng cùng câu chuyện hiếu học của em lay động trái tim hàng triệu người. Ảnh: People's Daily.

Nếu không có bức ảnh, ít người tin chuyện cậu bé 8 tuổi mặc bộ quần áo mỏng, dũng cảm đi bộ 4,5 km đường núi trong tiết trời âm 9 độ C để đến trường làm bài thi.

Bản thân Vương Phú Mãn cũng không ngờ hành trình đi học của mình lại khiến nhiều người xúc động đến vậy. Với em, chuyện đó hết sức bình thường khi hơn 3 năm qua, Mãn lặn lội đường xa để tìm con chữ.

Bất kể nắng, mưa hay tuyết rơi, giá rét, bước chân đến trường của nam sinh chưa từng ngừng lại, bởi em biết giáo dục là phương thức duy nhất để đưa cả nhà thoát khỏi đói nghèo, chấm dứt cảnh gia đình ly tán, người ở quê cặm cụi kiếm sống, người tha hương mưu sinh.

Một năm trước, Vương Phú Mãn là học sinh lớp 3 trường Tiểu học Zhuan Shan Bao (thị trấn Tân Nhai, huyện Lỗ Điện, tỉnh Vân Nam). Em trưởng thành trong nghèo khổ và thiếu thốn tình yêu, sự chăm sóc của bố mẹ.

Vì nghèo, mẹ của Mãn bỏ cha, em và chị gái ra đi. Một mình với gánh nặng mẹ già, con nhỏ, cha em đi thành phố khác tìm việc, gửi tiền về để các con có cái ăn, mặc và được đi học. Cuộc sống ở quê của Mãn cùng bà nội và chị gái vẫn không dễ dàng. 3 bà cháu sống trong ngôi nhà đất đơn sơ không có đồ đạc gì đáng giá.

Hàng ngày, họ ăn hai bữa, trong đó, bữa sáng chỉ có khoai tây. Thậm chí, họ thiếu thốn đến mức chỉ có thể tắm một vài lần mỗi tháng. Nngoài giờ đến lớp, nam sinh cùng chị phải tham gia làm ruộng, hỗ trợ việc nhà. Dù con đường đến trường không bằng phẳng, Vương Phú Mãn luôn tìm thấy đam mê học tập và phấn đấu đạt kết quả tốt.

Ông Phó - Hiệu trưởng trường Tiểu học Zhuan Shan Bao - không tiếc lời khen ngợi khi nói về cậu học trò nghèo. “Mãn dễ thương, chăm chỉ, học giỏi môn Toán”, ông Phó chia sẻ.

Một năm đầy biến động

Sau khi bức ảnh “cậu bé băng giá” lan truyền trên mạng, nhiều người bày tỏ mong muốn giúp đỡ em và gia đình để nam sinh có thể tiếp tục nỗ lực học tập, thay đổi số phận.

Trong vòng chưa đến một tuần, hơn 17 triệu nhân dân tệ được các nhà hảo tâm quyên góp, gửi đến Vương Phú Mãn và ngôi trường em theo học. Ngoài ra, trường em được lắp hệ thống sưởi, học sinh nhận quần áo, tiền trợ cấp. Một công ty địa phương cũng hứa hẹn tạo công ăn việc làm cho cha Mãn để ông sống gần con.

cau be toc dong bang anh 2
Hàng triệu nhân dân tệ được quyên góp cho Phú Mãn và bạn học cùng trường. Ảnh: AFP.

Cảm phục trước ý chí ham học hỏi của Phú Mãn, ông Dương, Hiệu trưởng trường tư thục Tân Hoa ở thị trấn Chiêu Thông, ngỏ lời mời em theo học, đồng thời hứa trợ cấp toàn bộ chi phí học tập.

Trong tháng 2/2018, cậu bé tóc băng trở thành học sinh mới của trường. Em được sống trong ký túc xá, ăn uống tốt hơn. Nhưng chỉ một tuần sau đó, cha em đã bị trường yêu cầu đến đón và trả em về trường cũ.

Hiệu trưởng Dương lý giải ông rất muốn giúp Mãn nhưng trường không thể ứng phó nổi với sự quan tâm từ giới truyền thông. Các quan chức cũng cho rằng Vương Phú Mãn là người cần giúp đỡ nên thường xuyên đến trường kiểm tra.

Sự quan tâm quá mức này không chỉ gây áp lực lên nam sinh 8 tuổi, mà còn ảnh hưởng hoạt động của nhà trường. Từ lúc em nhập học, trường nhận hàng loạt yêu cầu thanh tra, kiểm tra từ chính quyền các cấp. Ngoài ra, báo chí cũng không ngừng tiếp cận, phỏng vấn lãnh đạo nhà trường, khiến ông khó lòng đáp ứng được.

Vì thế, dù không đành lòng, ông vẫn phải mời cha Vương Phú Mãn đến làm thủ tục thôi học. Ông hỗ trợ gia đình em 15.000 nhân dân tệ (gần 54 triệu đồng) và hứa sẽ sẵn lòng giúp đỡ nếu họ gặp khó khăn trong tương lai.

Mãn rất tiếc nuối. Một tuần theo học tại Tân Hoa là quãng thời gian tuyệt vời đối với nam sinh nghèo. Em được tận hưởng cuộc sống không phải suy nghĩ như bao bạn cùng lứa, được kết bạn và học tập đúng nghĩa. Chỉ tiếc, những ngày đó không kéo dài bao lâu.

Bình yên trở lại

Vương Phú Mãn lại trở về với cuộc sống cũ, ngày ngày cuốc bộ 4,5 km để đến trường. May mắn, chỉ thời gian sau, gia đình em được hỗ trợ để xây nhà cạnh trường.

Một công ty xây dựng ở Côn Minh thực hiện lời hứa, nhận ông Vương Cương Khuê - cha Mãn - vào làm với mức thu nhập 200 nhân dân tệ/ngày, khá cao so với mặt bằng chung.

cau be toc dong bang anh 3
Cuộc sống của Vương Phú Mãn bình lặng trở lại sau cơn sốt truyền thông. Ảnh: South China Morning Post.

“Cuộc sống của chúng tôi tốt hơn nhiều rồi. So với căn nhà đất trước kia, chúng tôi đã tìm được nơi che mưa, chắn gió tuyệt vời", ông Khuê nói.

Gia đình ông không còn phải bữa no bữa đói. Tết năm nay, họ thậm chí có tiền để mua thịt lợn đón Tết. May mắn hơn, bất chấp những biến động trải qua, Vương Phú Mãn nhanh chóng trở lại cuộc sống cũ với tâm thế bình tĩnh hiếm có ở tuổi em.

Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Zhuan Shan Bao cho biết ông từng lo sự quan tâm, săn đón quá mức từ truyền thông cùng lòng giúp đỡ hào phóng của các nhà hảo tâm sẽ khiến Mãn đánh mất tinh thần tự lập.

Thế nhưng, Mãn không chỉ vượt qua được cám dỗ của danh tiếng cùng cuộc sống vật chất. “Phú Mãn vẫn giữ được cái đầu lạnh cùng tinh thần ham học hỏi. Cậu bé là một trong 3 học sinh giỏi Toán nhất lớp và đứng trong top 5 người học giỏi nhất. Mãn cũng chơi thân thiết với bạn học”, ông nói.

Sau một năm đầy biến động, Vương Phú Mãn lại trở về cuộc sống bình lặng, không còn là tâm điểm truyền thông. Điều kiện sinh hoạt tốt hơn, hành trình đến trường bớt gian nan và Mãn vẫn giữ ước mơ trở thành cảnh sát.

Không chỉ nam sinh, bức ảnh cậu bé băng giá một năm trước còn mang lại cuộc sống đầy đủ hơn cho học sinh nghèo trường Zhuan Shan Bao. Các em nhận được quần áo ấm, sách vở. Với số tiền do các nhà hảo tâm quyên tặng, ngôi trường đổi diện mạo mới với phòng nghệ thuật, phòng máy tính, thư viện.

Nhà ăn được nâng cấp. Ký túc xá được xây dựng để những học trò ở xa không phải đi bộ giữa băng tuyết đến trường như Mãn từng trải qua.

“Hạt mầm ước mơ được gieo xuống. Tôi tin tưởng một ngày nào đó, những đứa trẻ này sẽ bước ra khỏi vùng núi nghèo nàn hướng tới tương lai ngập tràn hy vọng”, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Zhuan Shan Bao chia sẻ.

Cuộc sống khốn khó của gia đình 'cậu bé băng giá' Gia đình Vương Phú Mãn từng sống cách trường 4,5 km, trong căn nhà đất tồi tàn. Mỗi ngày, họ chỉ được ăn hai bữa và không đủ quần áo ấm để mặc.

Giáo dục cởi trần - phương pháp nuôi dưỡng tâm hồn hay đày đọa trẻ?

Một số nhà giáo dục cho rằng việc để trẻ cởi trần đến trường giúp các em bồi dưỡng tâm hồn, rèn luyện cơ thể, trong khi không ít người thấy phương pháp này quá khắc nghiệt.


Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm