Được thực hiện từ năm 1975, phương pháp giáo dục cởi trần của trường Mẫu giáo Hikari (thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản) gần đây lại gây tranh cãi. Mặc dù nhận nhiều ý kiến trái chiều, phương pháp này không chỉ được áp dụng tại Hikari. Một số trường ở Nga cũng sử dụng cách này để dạy trẻ.
Rèn luyện thể chất, bồi dưỡng tinh thần
Nhật Bản rất chú trọng việc bồi dưỡng tâm hồn, chịu khó chịu khổ. Giáo dục cởi trần là một trong những phương pháp được cho là nhằm nuôi dưỡng thế hệ biết vượt qua gian khổ để thành công. Phương pháp này được thực hiện lần đầu ở Nhật vào năm 1969 tại trường Mẫu giáo Little Lambs ở thành phố Toyohashi, tỉnh Aichi.
Hình ảnh học sinh ở trần đến trường tại trường Mẫu giáo Hikari gây tranh cãi. Ảnh: Hikari. |
Lúc đó, Hiệu trưởng Yoshitaka Uesato lo ngại khi đất nước càng giàu, trẻ em càng yếu đi do cha mẹ bao bọc quá mức, và con người ngày càng phụ thuộc tiến bộ của nhân loại, đặc biệt trong lĩnh vực Y học. Sau đó, ông Tatsuo Uesato, con trai của Yoshitaka Uesato, tiếp tục áp dụng cách giáo dục tương tự.
“Điều tệ hại nhất đối với một đứa trẻ là sự bao bọc quá mức từ phụ huynh. Đây là điều không thể tránh khỏi khi đời sống ngày càng sung túc”, ông nói.
Ông cho biết ban đầu, giáo dục cởi trần không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ phía phụ huynh. Nhiều người giữ lối suy nghĩ “ồ, phương pháp này hay đấy, nhưng nó không phù hợp con tôi”. Dù vậy, ông vẫn quyết tâm thực hiện. Phụ huynh và học sinh có thể lựa chọn cởi trần hoặc không.
Đến năm 1975, phương pháp giáo dục cởi trần được trường Hikari áp dụng. Theo họ, cởi trần giúp nuôi dưỡng tâm hồn, trẻ được trở lại thời kỳ ở trần của nhân loại, góp phần khôi phục năng lượng đã biến mất do quá trình khai phá văn minh. Nó cũng hỗ trợ học sinh rèn luyện các chức năng của cơ thể, tăng cường sức đề kháng, kích thích não bộ phát triển.
Không chỉ ở Nhật Bản, giáo dục cởi trần còn được thực hiện ở Nga với mục đích chính là tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Theo Siberian Times, học sinh trường Mẫu giáo số 317 ở thành phố Krasnoyarsk, Nga, không những không mặc áo, mà còn dội nước lạnh lên người ngay trong mùa Giáng sinh. Trường cũng khuyến khích phụ huynh cho con tắm hàng ngày bằng nước lạnh.
Olesya Osintseva, cựu hiệu trưởng một trường mẫu giáo ở thành phố Barnaul, Nga, cũng ủng hộ phương pháp giáo dục cởi trần. Bà cho rằng việc để trẻ bán lõa thể, thậm chí dội nước lạnh, vào mùa đông, giúp tăng sức đề kháng.
Bóng ma tâm lý đối với trẻ
Tuy nhiên, sau 50 năm, phương pháp giáo dục cởi trần vẫn gây tranh cãi trong cộng đồng, bất chấp những tác dụng tích cực của nó.
“Có thể nhiều người không tin tưởng chúng tôi nhưng sự thật là vậy. Bác sĩ cho biết những học sinh cởi trần, dội nước lạnh ít bị cảm cúm hơn vào mùa đông. 95% học sinh nhóm này khỏe mạnh trong khi 25% trẻ được giữ ấm tốt bị cảm”, Lyubob Daniltsova, giáo viên trường 317, cho biết.
Các trường khẳng định phương pháp giáo dục cởi trần có tác dụng tích cực đối với sự phát triển của trẻ. Ảnh: Siberian Times. |
Ở Nhật Bản, giáo dục cởi trần mang lại những chuyển biến trong quá trình trẻ trưởng thành. Tại trường Little Lambs, học sinh khỏe mạnh hơn, dễ thích nghi hoàn cảnh, đỡ rụt rè và năng động hơn.
Những người từng theo học trường Hikari khẳng định họ có những trải nghiệm tuyệt vời trong thời gian ở đây. Nhiều phụ huynh cũng cảm thấy tự hào khi con họ không mặc áo, chống chọi giá rét.
“Tôi biết con bé lạnh nhưng chúng tôi cùng nhau kiên trì. Chúng tôi không ép con chịu lạnh. Tự con bé thấy thích và kiên quyết thực hiện. Vợ chồng tôi tự hào về con”, Eiko Koizumi, phụ huynh trường Hikari, nói về con gái.
Dù vậy, không ít người vẫn cho rằng phương pháp giáo dục cởi trần quá khắc nghiệt với trẻ con. Nhiều người chỉ trích gay gắt việc không cho trẻ mặc đồ ấm vào mùa đông là đày đọa, bạo hành. Nghiêm trọng hơn, việc bắt các bé gái cởi trần trước bạn khác giới sẽ để lại bóng ma tâm lý trong lòng các em khi trưởng thành.
Trên Twitter, nhiều người kiên quyết phản đối giáo dục cởi trần. Theo họ, phương pháp này có thể giúp trẻ tăng sức đề kháng nhưng xét về khía cạnh tinh thần, nó mất nhiều hơn được.
Những người này phản biện nếu cần cởi trần để nuôi dưỡng tâm hồn, tìm lại những năng lượng đã mất như lãnh đạo trường Hikari tuyên bố, tại sao giáo viên, nhân viên nhà trường vẫn mặc áo?
Thêm vào đó, xã hội ngày càng phức tạp, trẻ em phải đối mặt nhiều nguy cơ. Việc để học sinh ở trần, đi lại trên đường và đăng ảnh bán lõa thể của các em lên mạng sẽ đẩy trẻ vào tình cảnh nguy hiểm, đặc biệt tội xâm hại tình dục.