Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cậu bé Google' không có đối thủ ở chung kết Olympia 2017?

4 nhà leo núi xuất sắc của "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 17 đã lộ diện, hứa hẹn cống hiến cho khán giả màn tranh tài kịch tính ở trận chung kết diễn ra vào ngày 27/8.

C

uộc thi Đường lên đỉnh Olympia quý IV, phát sóng chiều 20/8 vừa qua đã xác định điểm cầu truyền hình cuối cùng của trận chung kết năm thứ 17 về với THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội. Đó là ngôi trường của Phạm Huy Hoàng.

Nam sinh sẽ cùng Phan Đăng Nhật Minh (THPT Hải Lăng, Quảng Trị), Hà Việt Hoàng (THPT Sóc Sơn, Hà Nội) và Phạm Thọ Quốc Long (THPT Chuyên Trần Hưng Đạo, Bình Thuận) tranh tài để giành vòng nguyệt quế vinh quang.

Nhật Minh là cái tên được nhiều khán giả dự đoán sẽ giành ngôi vô địch của Olympia năm thứ 17. Tuy nhiên, trận chung kết chưa diễn ra, chưa thể nói trước điều gì.

Việt Hoàng, Quốc Long, Huy Hoàng đều là đối thủ xứng tầm của Nhật Minh, bởi đã đánh bại rất nhiều thí sinh khác để giành tấm vé cho trận đấu cuối cùng.

Ai sẽ trở thành nhà vô địch 'Đường lên đỉnh Olympia' năm thứ 17? 4 chàng trai xuất sắc Nhật Minh, Việt Hoàng, Quốc Long và Huy Hoàng hứa hẹn trận tranh tài nghẹt thở trong chung kết "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 17 diễn ra vào ngày 27/8.

'Cậu bé Google' quá nhanh, quá nguy hiểm

Phan Đăng Nhật Minh là cái tên gây chú ý nhất Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 17 với tư duy "nhanh như chớp" cùng kiến thức sâu rộng.

Ở cuộc thi Chinh phục 2014 hay sân chơi Olympia 2017, chàng trai tự nhận thích các môn tự nhiên, "nghiện" Toán đều dễ dàng vượt qua các câu hỏi thuộc lĩnh vực Văn học, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh... Bởi vậy, Minh luôn gắn với biệt danh "cậu bé Google" hay "thần đồng".

Lần lượt giành những điểm số rất cao 400, 460 và 295 tại các cuộc thi tuần, tháng, quý, Nhật Minh được mệnh danh là "vua phá kỷ lục" của O17. 

Cậu hiện giữ ba kỷ lục tại sân chơi trí tuệ này. Đó là thí sinh có điểm Khởi động cao nhất (110 điểm), thí sinh có điểm thi tuần cao nhất tại Olympia năm thứ 17 (400 điểm) và thí sinh có điểm số cao nhất trong lịch sử 17 năm phát sóng chương trình Olympia (460 điểm).

Các thí sinh từng tranh tài với "cậu bé Google" thừa nhận chàng trai Quảng Trị "quá nhanh, quá nguy hiểm". Bên cạnh khối kiến thức phong phú, Nhật Minh còn để lại ấn tượng trong lòng khán giả ở sự quyết đoán, bản lĩnh hiếm gặp ở độ tuổi 17. 

Chung ket Duong len dinh Olympia anh 1
Cô Trần Thị Thanh Minh - giáo viên chủ nhiệm của Nhật Minh - tiết lộ "cậu bé Google" không chỉ là lớp phó chăm ngoan, mà còn là "cây văn nghệ" của lớp.

Nhật Minh là con trai lớn trong gia đình có cha là kỹ sư điện, mẹ là cô giáo tiểu học. Từ nhỏ, cậu đã bộc lộ tố chất "thần đồng", đó là nhận biết con số khi 6 tháng tuổi, biết đọc, làm phép toán đơn giản từ 18 tháng tuổi.

Khi học lớp 9, Minh đã tự học xong chương trình lớp 11. Đặc biệt, cậu không đi học thêm, chỉ tự tìm tòi, học qua sách vở, Internet.

Thầy Nguyễn Khoa Xưng - hiệu trưởng trường THPT Hải Lăng - tiết lộ với Zing.vn trước thềm chung kết năm Olympia 2017, nhà trường thành lập ban cố vấn và đội bồi dưỡng giúp Nhật Minh chuẩn bị kiến thức thật tốt.

Về phần Minh, trước khi bước vào trận đấu quan trọng, cậu giữ tâm lý khá thoải mái, không chuẩn bị gì nhiều, chủ yếu dành thời gian đọc báo, nghe nhạc, xem phim. 

'Chàng Gióng' Việt Hoàng làm rạng danh đất Sóc Sơn

Cuộc thi quý II, Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 17 khép lại bằng giọt lệ trên khóe mắt Hà Việt Hoàng trong giây phút MC công bố cậu đã đem cầu truyền hình thứ hai về THPT Sóc Sơn, Hà Nội.

Với một thí sinh tới với sân chơi Olympia để học hỏi, "thỏa" niềm ước ao từ tấm bé mà không đặt nặng chuyện thắng thua, lọt vào chung kết năm là niềm hạnh phúc quá bất ngờ.

Dù không phải thí sinh được đánh giá quá cao ngay từ khi xuất hiện, Việt Hoàng vẫn giữ vững phong độ, lần lượt bước lên bục cao nhất tại cuộc thi tuần, tháng, quý với thành tích lần lượt là 310, 235 và 290 điểm.

Câu nói "Sóc Sơn không chỉ có truyền thuyết Thánh Gióng, sân bay Nội Bài, mà hoàn toàn đủ khả năng có một cầu truyền hình" của chàng trai 17 tuổi đã gây ấn tượng mạnh với mọi người.

Quả thật, nam sinh "trường làng" này chính là người đầu tiên mang cầu truyền hình của "đấu trường trí tuệ" Olympia về với vùng đất ngoại thành Sóc Sơn.

Chung ket Duong len dinh Olympia anh 2
Bạn học nhận xét Việt Hoàng ở lớp được mệnh danh là "thánh ngủ" nhưng có kiến thức vững vàng.

Bên ngoài cuộc thi, Việt Hoàng luôn thể hiện sự thân thiện, hoạt bát, nhưng cũng rất thông minh, điềm đạm, hiền lành. Ít ai biết nam sinh đã nuôi mơ ước tham dự Đường lên đỉnh Olympia từ năm lớp 1.

Trước khi đến với sân chơi này, Hoàng tham gia một số câu lạc bộ, nhóm ôn luyện Olympia để củng cố kỹ năng và kiến thức.

Theo VTV, có phần trái ngược với nickname đáng yêu "Kitty", Việt Hoàng sở hữu bảng thành tích đáng nể: lọt top 70 kỳ thi Olympic tiếng Anh Language Link thành phố Hà Nội năm 2010-2011, giải ba kỳ thi Olympic tiếng Anh trực tuyến (IOE) cấp thành phố năm 2010-2011, huy chương đồng kỳ thi IOE cấp quốc gia năm 2010-2011, giải ba kỳ thi ViOlympic cấp thành phố năm 2012-2013.

Thầy Nguyễn Tu Tập - hiệu trưởng THPT Sóc Sơn - nhận xét học trò của mình có tâm thế tốt, chiến thuật sắc sảo tại sân chơi Olympia. Thầy hy vọng ở trận chung kết năm, Việt Hoàng sẽ phát huy những yếu tố này để mang vinh quang về cho quê hương.

Quốc Long bay cao ước mơ chinh phục đỉnh Olympia

Hiền lành, vui tính, nhưng khi nhập cuộc chơi Olympia lại đầy mạnh mẽ, quyết liệt là ấn tượng về cậu học sinh ưu tú của lớp chuyên Toán, THPT Chuyên Trần Hưng Đạo, Bình Thuận. 

Hành trình đến với chung kết năm O17 của Quốc Long có phần "chông gai" hơn 3 bạn chơi còn lại khi cậu phải nỗ lực "lội ngược dòng" ở cuộc thi quý III.

Khi đó, thí sinh được đánh giá "nặng ký" nhất cho việc đem cầu truyền hình thứ ba về trường bỏ xa Quốc Long tới 100 điểm ở phần thi Về đích. Nam sinh Bình Thuận cố nén sự hồi hộp để bứt phá, nắm lấy mọi cơ hội để xoay chuyển tình thế.

Nỗ lực của cậu đã được đền đáp bằng tấm vé đi tiếp vào trận chung kết năm. Sau chiến thắng nghẹt thở đó, trong vòng tay của gia đình, thầy cô và bạn bè, Quốc Long vui tới nghẹn lời. Cậu chỉ nói ngắn gọn: "Đây là ngày tuyệt vời nhất cuộc đời em".

Mẹ Long cũng nói đầy tự hào: "Con trai mình ngoan, con trai mình giỏi lắm. Con trai mình hứa cho ba mẹ lên ti vi, được rồi này. Ba mẹ được lên ti vi rồi!". 

Chung ket Duong len dinh Olympia anh 3
Theo lời bạn bè cùng lớp, Quốc Long học chuyên Toán nhưng giỏi tất cả môn học, đặc biệt là Vật Lý, đi học hay quên đồ, hát dở nhưng lại rất hay "khoe" giọng.

Thầy Trương Ngọc Triết - giáo viên chủ nhiệm của Quốc Long - tự hào nói về cậu học trò là học sinh giỏi nhiều năm liền, luôn nằm trong top 5 của lớp, được thầy yêu bạn mến. 

Ước mơ tranh tài tại Đường lên đỉnh Olympia của nam sinh Bình Thuận được chắp cánh khi THPT Chuyên Trần Hưng Đạo tổ chức cuộc thi trí tuệ dựa theo format của sân chơi này.

Long tâm sự cậu đến với Olympia để trải nghiệm, thử sức mình trong cuộc thi lớn chứ không đặt nặng kết quả.

"Em có thế mạnh về các môn tự nhiên, còn kiến thức thuộc các môn xã hội chủ yếu em xem trên tivi. Tham gia Đường lên đỉnh Olympia chỉ là kết quả từ nhiều năm em tích lũy kiến thức, đọc sách, chứ bản thân không có cách ôn luyện gì đặc biệt", Quốc Long trả lời phỏng vấn trên truyền hình. 

Đem theo niềm tin "hóa rồng lên đỉnh" của gia đình, thầy cô và bạn bè, Phạm Thọ Quốc Long quyết tâm thể hiện hết mình để viết tiếp ước mơ còn dang dở của nhà trường tại sân chơi Olympia. 

'Kẻ thắng, không nói nhiều' Huy Hoàng 

Cậu học trò lớp chuyên Lý, THPT Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) là mảnh ghép cuối cùng trong trận chung kết, cũng là thí sinh có điểm thi quý cao nhất O17 - 330 điểm.

Qua 3 chiến thắng thuyết phục tại trận thi tuần, quý, tháng, Huy Hoàng thể hiện mình có vốn kiến thức sâu rộng, đặc biệt ở các môn tự nhiên. Điều này có được nhờ sở thích nghiên cứu, đọc sách về lĩnh vực Khoa học tự nhiên, nhất là thiên văn học của nam sinh Hà thành.

Huy Hoàng hạ quyết tâm trở thành một phần trong mái nhà chung Olympia từ năm lớp 9, nhờ sự động viên của thầy cô, bạn bè và gia đình.

Đến từ ngôi trường nổi tiếng, từng có 3 thí sinh tranh tài tại trận chung kết năm, nhưng Huy Hoàng tự nhận mình kém duyên với các cuộc thi. Bởi vậy, cậu không đặt quá nhiều kỳ vọng và áp lực cho mình, theo Olympia.

Chung ket Duong len dinh Olympia anh 4
Nam sinh lớp 11 Lý 2, THPT Hà Nội - Amsterdam đã sẵn sàng "cháy hết mình" cho trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 17.

Trái với vẻ bình tĩnh mỗi khi bước lên bục nhận vòng nguyệt quế, Huy Hoàng khá nhút nhát, rụt rè. Nam sinh trường Ams tự nhận mình có nhược điểm là nhanh, ẩu, đoảng và dễ mắc lỗi khi quá hồi hộp.

Để đáp lại sự tin tưởng của mọi người dành cho mình, Hoàng sẽ cố gắng khắc phục những điểm này để thể hiện thật tốt trong trận đấu quan trọng nhất. 

Ước mơ của Huy Hoàng là đi du lịch khắp thế giới, khám phá văn hóa và phong tục của các vùng đất khác nhau. Có lẽ chiến thắng tại sân chơi Olympia sẽ chắp cánh cho những dự định của nam sinh Hà thành.

Những màn đối đáp hài hước nhất 'Đường lên đỉnh Olympia' năm thứ 17 Tự "dìm hàng", không ngại khoe sở thích độc đáo hay thể hiện sự "ngố tàu"... là các màn giao lưu khiến khán giả bật cười của thí sinh "Đường lên đỉnh Olympia 2017".

Chiến thắng nào nghẹt thở nhất lịch sử 'Đường lên đỉnh Olympia'?

17 năm qua, nhiều cuộc tranh tài nghẹt thở đến phút cuối tại "Đường lên đỉnh Olympia" để lại ấn tượng mạnh trong lòng khán giả. Điều này đã tạo nên sức hút riêng cho chương trình.

Thu Thảo

Đồ họa: Phượng Nguyễn, Video: Duy Anh - Thu Thảo

Bạn có thể quan tâm