N
hân Thanh Tùng (THPT Ngọc Hồi, Hà Nội), Phạm Phú Vinh (THPT Huỳnh Văn Nghệ, Bình Dương) lần lượt là thí sinh về nhất, nhì cuộc thi tuần 2, tháng một, quý III, Đường lên đỉnh Olympia phát sóng chiều 5/3 với cách biệt chỉ là 5 điểm.
Tuy nhiên, sau chương trình, tranh cãi nổ ra khi một khán giả phản ánh 2 phần trả lời cho câu hỏi thuộc lĩnh vực Hóa học của thí sinh Nhân Thanh Tùng sai hoàn toàn nhưng vẫn được cho 40 điểm, dẫn đến sai lệch kết quả chung cuộc.
Khán giả tố chương trình làm sai
Theo khán giả, câu hỏi thứ nhất có phần trả lời sai sót nằm trong gói Về đích của thí sinh Trần Bảo Nhân: "Người ta có thể bảo vệ vỏ tàu biển bằng thép bằng cách gắn những tấm kẽm vào phần vỏ tàu chìm trong nước biển (nước biển là dung dịch chất điện ly). Tại sao lại như vậy?".
Sau câu trả lời sai từ Bảo Nhân, Nhân Thanh Tùng nhanh tay giành quyền đưa ra đáp án: "Người ta thường gắn thép vào vỏ sắt của tàu biển vì sắt đóng vai trò là cực anot còn kẽm là catot. Khi đó, kẽm sẽ bị gỉ thay cho sắt và sắt được bảo vệ".
Phần trả lời này được MC Diệp Chi chấp nhận và cho 20 điểm.
Vị khán giả đưa ra thắc mắc đã tìm hiểu theo SGK Hóa học 12 nâng cao, trang 135 và cho rằng câu trả lời đúng phải là: Khi gắn kẽm vào vỏ thép trong môi trường nước biển là chất điện ly, phần vỏ tàu bằng thép là cực dương, kẽm là cực âm.
Ở anot (cực âm), Zn bị oxi hóa Zn -> Zn+2 + 2e, ở catot (cực dương) O2 bị khử 2H2O + O2 + 4e -> 4OH-.
"Như vậy, Thanh Tùng đã trả lời sai khi đảo chiều hai cực trong hiện tượng này. Lẽ ra, thí sinh phải bị trừ đi 10 điểm theo luật chơi, không thể được cộng thêm 20 điểm", người này nêu quan điểm.
Thầy Lê Phạm Thành - giáo viên Hoá học tại hoc24h.vn - nhận định về cơ bản, câu trả lời của Thanh Tùng có ý đúng (kẽm bị gỉ thay cho sắt), nhưng sai bản chất của hai điện cực.
Nam giáo viên giải thích: Do kẽm là kim loại hoạt động hơn nên đóng vai trò là anot (điện cực âm) của pin điện và bị oxi hoá (ăn mòn hay gỉ): Zn -> Zn2+ + 2e. Theo đó, Thanh Tùng chỉ trả lời đúng khoảng 60% câu này.
Câu hỏi gây tranh cãi tiếp theo nằm trong gói Về đích của Thanh Tùng: "Đốt cháy que đóm và dây magie rồi lần lượt cho vào bình đựng khí CO2. Tại sao que đóm tắt ngay, còn dây magie thì lại cháy sáng?".
Nam sinh trả lời: Bởi CO2 là khí không duy trì sự cháy nên khi cho que đóm vào, nó sẽ tắt. Còn việc magie phát sáng là do đốt lên sẽ có MgO và đấy là chất phát sáng khi cháy.
Vị khán giả dẫn kiến thức nêu trong SGK Hóa học 11 nâng cao, trang 85: "Các kim loại có tính khử mạnh, thí dụ Mg, Al... có thể cháy được trong khí CO2 (CO2 + Mg -> MgO + C). Vì vậy, người ta không dùng khí CO2 để dập tắt các đám cháy Magie hoặc nhôm".
Câu trả lời của Thanh Tùng vừa sai bản chất, vừa sai hiện tượng. Bởi khi đốt nóng, kim loại không chắc chắn sẽ chuyển thành oxit nên không thể nói Mg đốt nóng thì thành MgO. Bản chất phản ứng là Mg tác dụng với CO2 và cháy, MgO không hề cháy và càng không thể phát quang được.
"Tôi đã tham khảo ý kiến đồng nghiệp dạy Hóa học bậc THPT của mình và tất cả đều thống nhất là không thể cho điểm thí sinh Thanh Tùng ở 2 câu hỏi trên", người này khẳng định.
Đồng quan điểm nêu trên, thầy Lê Phạm Thành cho rằng lời giải thích hợp lý cho câu hỏi của chương trình như sau: Thứ nhất, CO2 là khí không duy trì sự cháy nên que đóm tắt ngay.
Thứ hai, Mg là kim loại có tính khử khá mạnh nên ở nhiệt độ cao (đốt cháy) Mg có thể khử được nhiều hợp chất như H2O, SiO2, CO2 và tiếp tục "cháy", phản ứng này tỏa nhiệt mạnh nên dây Mg "cháy sáng": 2Mg + CO2 -> 2MgO + C.
Khán giả bức xúc bởi lẽ ra số điểm Thanh Tùng có được chỉ là 175 điểm và xếp thứ ba, sau Phú Vinh, Bảo Nhân, nhưng lại giành giải nhất, được vào vòng thi tháng.
Chương trình làm đúng luật
Sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh của khán giả, ê-kíp thực hiện Đường lên đỉnh Olympia xem xét lại phần thi của Thanh Tùng và đưa ra phản hồi chính thức cho hai câu hỏi vào sáng 9/3.
Ban tổ chức nhận định ở câu hỏi thứ nhất, nam sinh đã trả lời được ý đúng là "kẽm sẽ bị gỉ thay cho sắt và sắt được bảo vệ". Tuy nhiên, phần giải thích "sắt đóng vai trò là cực anot còn kẽm là catot" là không chính xác. Do không phát hiện ý sai này trong đáp án Thanh Tùng đưa ra, chương trình đã cho điểm.
Ở phần trả lời cho câu thứ hai, ê-kíp thừa nhận sai sót khi cho rằng học sinh đã trả lời được chất tạo thành sau phản ứng, cũng như nói đến sự cháy của Mg trong CO2 nên cho điểm.
Đại diện ban tổ chức gửi lời xin lỗi tới thí sinh Phạm Phú Vinh (THPT Huỳnh Văn Nghệ, Bình Dương) vì khiến em bị trừ điểm, về nhì trong cuộc thi tuần, đồng thời tuyên bố theo luật đã đề ra, kết quả không được phép huỷ bỏ.
Nhóm thực hiện chương trình Olympia hứa sẽ cẩn trọng hơn để giảm sai sót đáng tiếc, cũng như giữ sự tin yêu của khán giả trong 17 năm qua. |
Trên các diễn đàn mạng, phần lớn khán giả phản đối cách giải quyết này và cho rằng nên tổ chức thi lại để lấy công bằng cho thí sinh, cũng như tạo uy tín cho chương trình.
Bên cạnh đó, một số dân mạng thông cảm với ê-kíp Đường lên đỉnh Olympia. Họ cho rằng ban tổ chức nên xin lỗi cả hai thí sinh.
Zing.vn liên lạc với ban tổ chức Đường lên đỉnh Olympia chiều 9/3 và được phản hồi rằng chương trình có văn bản quy định rõ ràng trường hợp nào được bảo lưu hay sẽ phải tổ chức thi lại. Trước khi tham dự, các thí sinh đều phải ký cam kết. Người đại diện khẳng định từ năm 2010, chưa từng có trường hợp nào bảo lưu hay thi lại.
H.P. - thí sinh tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 15 - xác nhận theo luật của cuộc thi, kết quả cuối cùng do ban cố vấn quyết định và chỉ thí sinh mới có quyền khiếu nại trong thời gian chương trình diễn ra. Trước khi thi, các bạn đều phải ký vào bản cam kết này.
Nam sinh nhận định ban tổ chức không tổ chức thi lại là đúng luật. Việc sai lệch kết quả của thí sinh trong cuộc thi tuần phát sóng chiều 5/3 không có sự thiên vị.
Phú Vinh có phần thiệt thòi, song đây là cuộc chơi, người tham gia phải chấp nhận luật chơi cũng như cam kết ban đầu.
Cựu thí sinh cho biết thêm mọi người tranh cãi về cách giải quyết của ê-kíp Đường lên đỉnh Olympia vì chưa hiểu rõ quy trình. Bản thân cậu thấy đây là cuộc thi khá công bằng, sai sót chỉ do sơ suất.
Nỗi buồn chia đều cho người thắng, kẻ thua
Chiều 9/3, thí sinh Phạm Phú Vinh chia sẻ với Zing.vn rằng cậu hoàn toàn đồng ý với quyết định từ ban tổ chức.
Nam sinh cho hay Đường lên đỉnh Olympia là trải nghiệm của thời học sinh nên không cảm thấy quá buồn hay bức xúc khi kết quả bị sai lệch. Cậu cũng khẳng định không khiếu nại quyết định từ chương trình.
Chàng trai Bình Dương đánh giá Thanh Tùng là chàng trai thông minh, bản lĩnh và xứng đáng hơn mình khi giành vị trí dẫn đầu. Vinh mong bạn chơi không quá buồn và tự tin bước vào trận đấu tiếp theo.
Trong khi đó, thầy Trần Trọng Hoàng - hiệu trưởng trường THPT Huỳnh Văn Nghệ, Bình Dương - nêu quan điểm nếu làm sai, chương trình Đường lên đỉnh Olympia phải thay đổi kết quả cho học trò của mình.
Theo lời thầy Nguyễn Thanh Hải - giáo viên chủ nhiệm của Phú Vinh, qua trao đổi, phụ huynh em Vinh không muốn kiến nghị để thay đổi kết quả cuộc thi.
"Phú Vinh không trách móc hay buồn bã, mà lo bạn Tùng buồn. Em chỉ cố gắng trau dồi môn tiếng Anh, bởi trong cuộc thi tuần mất nhiều điểm ở lĩnh vực này", thầy Hải tâm sự.
Phú Vinh (phải) coi thắng thua là chuyện thường tình nên không quá buồn về kết quả. Trong khi đó, Thanh Tùng phải chịu nhiều chỉ trích từ dư luận. Ảnh cắt từ clip. |
Về phía Nhân Thanh Tùng, nam sinh phải chịu khá nhiều áp lực. Cô Nguyễn Thị Hà Thanh - hiệu trưởng trường THPT Ngọc Hồi, Hà Nội - khẳng định với Zing.vn sáng 10/3 rằng Thanh Tùng cũng như gia đình, nhà trường không tác động để làm sai lệch kết quả cuộc thi tuần.
Nữ hiệu trưởng cho biết Thanh Tùng ở trường là học sinh giỏi toàn diện. Em dự thi Đường lên đỉnh Olympia khách quan và nỗ lực hết mình.
Bản thân Tùng cũng chứng minh mình có kiến thức, bản lĩnh trong những giây phút căng thẳng nhất tại trường quay. Sai sót là điều không tránh khỏi, song em không đáng phải chịu áp lực và tổn thương từ chuyện đó.
Cô Nguyễn Thị Hà - giáo viên chủ nhiệm của Thanh Tùng - cho biết khi hay tin về sai sót này, nam sinh cùng gia đình cảm thấy khá buồn. Tuy nhiên, nhờ sự ủng hộ, tin tưởng và động viên từ phía nhà trường, thầy cô, bạn bè, Tùng đã lấy lại tinh thần, sẵn sàng thể hiện ở vòng thi tháng.
Đại diện THPT Ngọc Hồi (Hà Nội) tâm sự với thầy cô rằng cậu hoàn thành rất tốt phần thi HSG tiếng Anh cấp trường và HSG tiếng Anh qua mạng.
Cô Hà chia sẻ ở lớp, Thanh Tùng học giỏi nhất môn tiếng Anh. Cô thấy buồn và thương học trò vì nhiều người đưa ra ý kiến chủ quan, tiêu cực về cậu.
Nữ giáo viên cho rằng Nhân Thanh Tùng mới chỉ là học sinh, đã cống hiến hết mình cho khán giả nên việc áp đặt suy nghĩ của người lớn lên nam sinh là không công bằng. Có thể Tùng may mắn hơn các bạn trong cuộc thi tuần, nhưng thành quả đó chủ yếu nhờ năng lực.
Nhờ có điểm nhì cao nhất tuần, Phú Vinh tái đấu với Thanh Tùng trong cuộc thi tháng một, quý III, phát sóng chiều 19/3.
Trong trận tranh tài này, Phú Vinh cũng để vuột mất vòng nguyệt quế vào tay Thanh Tùng ở câu hỏi tiếng Anh - vốn không phải sở trường của Vinh và là thế mạnh của Tùng - cuối cùng ở phần thi Về đích của mình.
Chiến thắng của Nhân Thanh Tùng nhanh chóng gây ra ý kiến trái chiều. Phần lớn khán giả ủng hộ nam sinh Hà thành vì cậu là thí sinh có kiến thức vững vàng nhất. Tuy nhiên, một số dân mạng cho rằng Tùng không xứng đáng có mặt trong trận đấu này vì sai sót của ban tổ chức ở cuộc thi tuần.
Vòng nguyệt quế lần đầu trao cho người về nhì
Chiều 11/3, thí sinh Phạm Phú Vinh xác nhận cậu được ban tổ chức Đường lên đỉnh Olympia gửi tặng vòng nguyệt quế. Nam sinh cho hay trước khi công khai thừa nhận sai sót, ban tổ chức liên lạc với cậu và nhà trường để gửi lời xin lỗi.
"Sau chương trình, mình chỉ có cơ hội giữ lại một chiếc áo nên rất mong được nhận vòng nguyệt quế làm kỷ niệm. Mình rất vui và vinh dự khi chương trình biến mong ước đó thành sự thật", Phú Vinh tâm sự.
Động thái này khiến nhiều người bất ngờ bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đường lên đỉnh Olympia, một thí sinh về nhì được trao vòng nguyệt quế.
Nhà báo Tùng Chi - Phó trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí - Đài THVN, đạo diễn chương trình Olympia - chia sẻ việc Phú Vinh nhận được vòng nguyệt quế kỷ niệm từ chương trình là niềm vui không trọn vẹn của em cũng như ê-kíp.
Nữ đạo diễn cảm thấy tiếc vì chương trình để xảy ra sai sót vào thời điểm ghi hình, dẫn đến việc không thể hủy bỏ kết quả theo luật chơi. Bản thân nhà báo không muốn sai lầm khiến học sinh phải chịu thiệt thòi và uy tín của chương trình, cơ quan và bản thân bị ảnh hưởng.
Nhà báo Tùng Chi khẳng định không có sự ưu ái cho bất kỳ em nào khi tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Ảnh: Thùy Hương/VTV. |
Nhà báo Tùng Chi thừa nhận đây không phải lần đầu tiên Đường lên đỉnh Olympia gặp sự cố và chắc chắn cũng sẽ không phải lần cuối cùng. Tuy nhiên, chị khẳng định mọi thí sinh đều được tôn trọng và đối xử bình đẳng khi đến với sân chơi Đường lên đỉnh Olympia.
Bởi nhóm thực hiện muốn Olympia là sân chơi mà khi các học sinh đến đây, đầu tiên là được chơi và sâu xa hơn là truyền cảm hứng cho họ trong việc học tập.
Hai chiếc vòng nguyệt quế được trao cho hai thí sinh tranh tài ở cùng một cuộc thi có thể coi là kết thúc đẹp, tuy chưa thể làm hài lòng tất cả.
Sau sự cố, nhìn lại cách các thí sinh động viên nhau, lo lắng cho bạn trước khi nghĩ tới mình, khán giả phần nào có thể thấy Olympia thật sự trở thành mái nhà chung. Ở nơi đó, thắng thua không phải điều quan trọng nhất, mà là tình bạn.