Hưởng ứng ngày khuyết tật Việt Nam (18/4), dự án doanh nghiệp xã hội Goran & Folke phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Trị tổ chức chương trình Kỷ niệm ngày Khuyết tật Việt Nam trong hai ngày 12-13/4/2014, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Chương trình sẽ có sự tham gia của Nguyễn Đức Huynh (nhân vật trong bộ phim tài liệu nổi tiếng Cậu bé không có khuôn mặt của đạo diễn người Thụy Điển Folke Ryden, đồng thời là người sáng lập ra doanh nghiệp xã hội Goran & Folke handicrafts) và Á hậu Việt Nam 2008 Thụy Vân.
Nguyễn Đức Huynh và Á hậu Thụy Vân cùng những chú chuồn chuồn - một sản phẩm do người khuyết tật làm. |
Ám ảnh của “Cậu bé không có khuôn mặt”
Nhiều năm trước, Nguyễn Đức Huynh (5 tuổi) cùng với người em trai sinh đôi, đã gặp một tai nạn bom mìn trên đường đi học về. Tai nạn kinh hoàng đó đã hủy hoại khuôn mặt của Huynh. Cha mẹ Huynh khi đó không thể có đủ điều kiện tài chính để phẫu thuật cho con.
Folke Ryden đã tình cờ nghe được câu chuyện của Huynh trong một chuyến công tác tại Việt Nam. Folke đã làm một bộ phim tài liệu về Huynh và được chiếu tại Thụy Điển. Rất nhiều người đã xúc động về đoạn phim và quyên góp đủ tiền để chữa trị chỉnh hình cho Huynh.
Đức Huynh may mắn được trải qua 12 cuộc phẫu thuật tại Mỹ. Khuôn mặt của Huynh đã gần như được khôi phục. Biết ơn Folke và Goran, Huynh đã thành lập ra doanh nghiệp đồ thủ công Goran & Folke để giúp đỡ những nạn nhân bom mình và người khuyết tật.
“Mặc dù trải qua rất nhiều lần cuộc phẫu thuật ở Mỹ và Việt Nam nhưng khi đi ra ngoài đường và trong trường học, thỉnh thoảng mình cũng bị một số bạn hoặc một số người chọc ghẹo. Họ gọi mình là thằng sẹo, hay đặt những cái tên muốn ám chỉ đến ngoaị hình của mình. Lúc ấy mình mới chỉ có 8 tuổi, nên khi nghe thấy câu trêu chọc đó cảm thấy rất khó chịu.
Đến năm lớp 11, cuộc phẫu thuật ở bệnh viện trung ương Huế với sự tài trợ của những người Thụy Điển được thực hiện. Kết quả phẫu thuật không như mình mong muốn. Mình chán nản, bỏ học và quyết định đi xin việc làm. Nhưng chồng hồ sơ xếp cao chỉ vì lý do ngoại hình của mình không thể khiến các cơ quan này dám nhận. Mình khóc rất nhiều và lấy lại quyết tâm bắt đầu học tập, ôn thi đại học”, Huynh kể về những năm tháng khó khăn.
Ước mơ được giúp đỡ người kém may mắn
Trong thời gian làm việc bán thời gian cho một tổ chức phi chính phủ, Đức Huynh đã tiếp cận rất nhiều người khuyết tật ở Hà Nội và Quảng Trị, anh đã lắng nghe câu chuyện của họ, chia sẻ khó khăn và ước muốn của họ trong cuộc sống.
Không chỉ giàun ghị lực sống, anh còn tạo việc làm, giúp đỡ người khuyết tật. |
“Lúc ấy mình làm bán thời gian cho tổ chức ở Mỹ có tên là Hội trợ giúp người tàn tật Việt Nam (VNAH). Công việc của mình là tiếp nhận hồ sơ xin việc để giới thiệu đến những doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển việc làm, tư vấn viết CV cho người Việt khuyết tật. Mình cũng hỗ trợ viết bài cho tổ chức này về người khuyết tật", Huynh kể.
Nhưng rồi anh thấy số lượng được tạo việc làm là rất ít. Thế là sau khi học tập xong ở Hà Nội, tháng 4/2013 anh quyết định làm một điều gì đó để giúp đỡ người khuyết tật. Sản phẩm đầu tiên là sản phẩm chuồn chuồn tre. Anh đi học làm những chú chuồn chuồn. Trong vòng một tháng, anh đã có thể làm được những chú chuồn chuồn đẹp mắt. Về Quảng Trị anh viết dự án và tuyển chọn 5 người đầu tiên để thử nghiệp dạy nghề làm chuồn chuồn tre. Và kết quả là rất nhiều người khuyết tật đã có thêm thu nhập từ công việc này.
Không chỉ tạo việc làm, anh còn tổ chức buổi học phòng tránh bom mìn ở Quảng Trị. |
Về chuyến đi tới Quảng Trị, Đức Huynh cho hay: “Mình muốn ở trên đất nước Việt Nam không có ai bị tại nạn bom mìn. Vì vậy thỉnh thoảng mình tổ chức những chuyến giáo dục phòng tránh bom mìn dành cho những học sinh ở Quảng Trị để giúp các em hiểu biết và tránh xa. Một ước mơ cuối cùng là sau này có một gia đình, mình sẽ có những đứa con, sẽ dạy cho con cái biết cách quan tâm tới người khác, nhất là những người bất hạnh, chứ không phải xa lánh họ”.