Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Câu chuyện âm nhạc xúc động của gia đình họ Trần

Trần gia nhã nhạc không phải một show nhạc được chăm chút quá tỉ mỉ. Nhưng tinh thần làm ấm cúng, dung dị của chương trình đã tạo nên một dấu ấn riêng với khán giả.

Quả thực hiếm có gia đình nghệ thuật nào hội đủ điều kiện để thực hiện một đêm nhạc như những người nghệ sĩ họ Trần. Họ có một nhạc sĩ Trần Tiến với khối lượng ca khúc "đủ cho 10 show diễn", có những giọng ca tuyệt vời như NSND Trần Hiếu, ca sĩ Trần Thu Hà, có cả một nhạc sĩ hoà âm kiêm nghệ sĩ guitar đầu bảng Việt Nam là Trần Thanh Phương. Thậm chí gia đình đó có những thành viên đại diện cho một thế hệ mới với năng khiếu nghệ thuật không thể phủ nhận như Hoàng Hà, Mỹ Anh.

Với tất cả những điều đó, Trần gia nhã nhạc không cần phải "chiêu trò" gì cũng đủ khiến khán phòng Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô chật kín khán giả. Chỉ bằng âm nhạc, họ khiến khán giả có thể thực sự khóc rồi lại cười dù có khi ca sĩ hát chệch nhịp, micro bị ù.

Gia đình nghệ thuật họ Trần đã có một đêm nhạc ấm cúng với khán giả Hà Nội. Ảnh: Mạnh Thắng

Câu chuyện về gia đình âm nhạc này được kể qua câu chuyện của một thành viên, đó là nhạc sĩ Trần Tiến. Kịch bản chương trình được xây dựng như chính hành trình nghệ thuật của ông. Từ Hà Nội, nơi sinh ra và lớn lên cho tới "thành phố trẻ" Sài Gòn, nơi ông tìm thấy những cảm hứng mới và sống nhiều năm qua, rồi cả những vùng miệt vườn hay cao nguyên, khắp mọi miền đất nước mà Trần Tiến đã đặt chân tới và có những ca khúc ra đời.

Là người trực tiếp đứng ra biến ý tưởng "Trần gia nhã nhạc" thành một chương trình ca nhạc, nhưng Hà Trần lại chọn một vị trí rất khiêm nhường trong đêm nhạc này. Cô vẫn hát những ca khúc mà "bố Tiến" đã đo ni đóng giày cho mình. Nhưng cô không quá chiếm lĩnh sân khấu, để những dấu ấn đậm nét nhất nhấn vào NSND Trần Hiếu và nhạc sĩ Trần Tiến.

Tiết mục xúc động nhất trong đêm nhạc là khi NSND Trần Hiếu hát Ngẫu hứng phố. Tưởng chừng bài hát đã "đóng đinh" với diva nổi tiếng nhưng đến tay "chàng trai 66" - cách mà nghệ sĩ Trần Hiếu tự gọi mình gắn với 66 năm ông sống ở Hà Nội, giọng hát của người ca sĩ như chạm tới từng tế bào cảm xúc của người nghe, đặc biệt những người con của Hà Nội. "Ai ơi sống ở thác về..." câu kết của bài hát khiến chính nghệ sĩ Trần Hiếu đã không thể giữ được đôi mắt không mọng nước...

Nhạc sĩ Trần Tiến đã kể lại câu chuyện gia đình qua câu chuyện của chính ông. Ảnh: Mạnh Thắng

Khác với Dương Thụ hay Phú Quang, Hà Nội trong âm nhạc của Trần Tiến thấm thía, đẹp và buồn nhưng luôn có gì đó day dứt. 

Vào Nam, nhạc của Trần Tiến sôi động hơn, tươi vui hơn. Nhưng chính ông cũng chia sẻ mình yêu thích đặc biệt với mảng đề tài là nông thôn Bắc bộ. Không chỉ với những bài hát như Về đi em hay Chị tôi, chùm tác phẩm chủ đề Ra ngõ mà sau rất nhiều năm, Trần Tiến mới biểu diễn khiến khán giả không khỏi thích thú.

Phải tới đêm diễn, nhiều khán giả mới hiểu cái ngụ ý trong việc mời Tấn Minh và Uyên Linh làm khách trong đêm nhạc gia đình này. Tấn Minh là học trò trong 8 năm của NSND Trần Hiếu, người được ông trìu mến gọi là "học trò cưng của tôi". Cách Tấn Minh bè thấp hơn quãng giọng thầy khi song ca, cách anh hưởng ứng mọi động tác tự nhiên của thầy và cách anh chuyện trò với thầy đem tới cho người yêu nhạc cảm giác ấm áp của tình thầy trò đẹp.

Uyên Linh có mặt trong buổi diễn không bởi cô cũng mang họ Trần. Với ca sĩ Trần Thu Hà, vì yêu giọng hát của Linh nên đã mời đàn em tham dự đêm diễn. Còn với chính nhạc sĩ Trần Tiến, ông bị Uyên Linh thuyết phục khi cô thể hiện ca khúc nổi tiếng Mặt trời bé thơ theo cách riêng, mới mẻ và táo bạo nhưng không hề làm mất đi tinh thần bài hát. 

"Buồn thì cứ buồn... Cười thì cứ cười..." Câu hát của nhạc sĩ Trần Tiến dường như là tinh thần sống và làm nghệ thuật của gia đình nghệ sĩ này. Với một đêm nhạc ấm cúng, họ đã kể với khán giả về những chuân chuyên, những thăng trầm của mình nhưng sau tất cả, họ vẫn hát với nụ cười tươi trên môi.

Hiếu Vân

Bạn có thể quan tâm