- Ý tưởng Trần gia nhã nhạc ra đời như thế nào thưa chị?
- Cách đây mấy năm, trong một buổi diễn ở Sài Gòn, chú Trần Tiến có nói tới cụm từ "Trần gia nhã nhạc" một cách hoàn toàn tình cờ. Nhưng tôi lại thấy nó rất thú vị và gợi hứng cho một kiểu thương hiệu âm nhạc gia đình.
Vậy "Trần gia nhã nhạc" là gì? Đó sẽ là những chương trình biểu diễn mà phần sáng tác là những ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến, phần hát do bố tôi, NSND Trần Hiếu, chú Tiến và tôi thể hiện. Phần âm nhạc sẽ do anh Trần Thanh Phương dàn dựng.
- Quả thực Trần gia là một gia đình đặc biệt của làng nhạc Việt với 3 thế hệ theo đuổi nghệ thuật. Nhưng đó là một truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khách hay một “mã gen” đã nằm trong cá tính của mỗi thành viên, mỗi thế hệ trong gia đình chị?
- Gia đình tôi khá đặc biệt vì mọi người đều phát triển độc lập dựa trên một nền tảng văn hoá gia đình, nói cách khác là một sự tự hào chung về truyền thống và nề nếp của gia đình.
Từ ông bà tôi, cho đến bố tôi, chú tôi, rồi đến thế hệ của anh em tôi... Mọi người trong gia đình không nhất thiết phải lớn lên bằng âm nhạc mà hoàn toàn có thể tự phát huy sở trường và thế mạnh của mình.
Thế hệ cha chú tôi coi như đã hoàn thành xong sứ mệnh nghệ thuật của mình khi họ đã làm được những thành tựu của riêng mình. Thế hệ của tôi thì còn các em tôi, có những người hát rất hay, sáng tác rất hay nhưng chưa lộ diện. Thế hệ sau, con của các anh em tôi cũng vậy, các cháu hát hay yêu âm nhạc nhưng bằng những cách thể hiện khác, đúng thế hệ của chúng: nói và hát tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt...
Tôi thấy “mã gen” mà anh nói là đúng, nó mang tính nghệ sĩ và chi phối các thành viên trong gia đình dù họ lựa chọn công việc nào, luôn phải là độc lập, sáng tạo và bản lĩnh.
Nhạc sĩ Trần Tiến và bố con NSND Trần Hiếu, ca sĩ Trần Thu Hà. Ảnh: Trần Tiến Dũng |
- Vì sao chị chọn thời điểm này để ra mắt "Trần gia nhã nhạc" ?
- Từ cuối năm ngoái, tôi có dự tính làm liveshow cho mình vào thời điểm này. Tuy nhiên, tôi thấy cần thiết lúc này là đưa ra "Trần gia nhã nhạc" chứ không phải là một chương trình riêng cho mình. Tôi muốn được hát với bố tôi và chú tôi.
Năm ngoái, bố tôi đã có giai đoạn nằm viện, tới mức chú tôi sốc và viết bài báo làm tôi ở Mỹ đọc mà giật mình. Giờ sức khoẻ bố tôi đã tốt trở lại, có thể hát hay nên tôi muốn làm.
Tôi không biết trong thời gian tới, khi bố tôi còn khoẻ, mình có thể làm bao nhiêu lần “Trần gia nhã nhạc" nữa nhưng chương trình này sẽ là câu chuyện đầu tiên. Chủ đề Chuyện phố bên sông là câu chuyện về gia đình tôi, những người đã lớn lên từ con phố ven sông Hồng. Trong đó, thế hệ của bố tôi và chú tôi là nhân vật chính. Tôi chỉ là người kể chuyện chung, chứ không phải là một người chứng kiến như họ.
- Tức là Hà Trần sẽ đảm nhận luôn vai trò MC của chương trình?
- (Cười) Tôi chỉ dẫn chuyện bằng giọng hát thôi. Người nói nhiều hơn trên sân khấu sẽ là chú Tiến.
Bạn hình dung thế này nhé nhiều người yêu thích Trần Tiến không phải vì Trần Tiến hát hay, mà do ông hát rất sâu, giản dị và rất đời. Hơn thế, người ta thích nghe Trần Tiến kể chuyện, những câu chuyện đi liền với bài hát. Chú Tiến rất duyên. Có khi chương trình, khán giả chỉ thích phần dẫn chuyện của MC Trần Tiến cũng nên!
- Khán giả có nên kỳ vọng sẽ được nghe những ca khúc mới hoặc lạ của nhạc sĩ Trần Tiến trong chương trình này?
- Chắc chắn là sẽ có những ca khúc như thế. Tôi là người được chú Tiến cho lục lọi kho tàng âm nhạc của chú. Chú viết nhiều, viết cho bạn bè, viết cho các đơn đặt hàng, viết cả trong lúc say... Có nhiều bài chú viết xong, có người hát rồi mà chú cũng quên mất. Điển hình là Chuyện tình thảo nguyên vốn cô Thanh Hoa đã từng hát. Nhưng khi tôi hát lại chú mới nhớ ra bài này. Tôi biết, chú còn nhiều bài hát hay, chưa tìm được giọng ca phù hợp hoặc chưa đúng thời điểm để đưa ra...
NSND Trần Hiếu và con gái Trần Thu Hà trong một lần chung sân khấu. Ảnh: Trần Tiến Dũng. |
- Vai trò của Uyên Linh có vẻ như một thông điệp mở của TGNN? Gia đình đó có cả… con nuôi được đón nhận vì tài năng và sự đồng cảm?
Tôi hay được các nhà sản xuất ưu tiên, cho chọn những người hát chung trong chương trình. Cách đây chưa lâu, trong một buổi diễn riêng với chủ đề là nhạc Trần Tiến, tôi muốn mời các bạn trẻ như Uyên Linh, Nguyên Thảo, Hà Anh Tuấn, Lê Cát Trọng Lý, Dương Trần Nghĩa, Trung Quân, nhóm Ngũ Cung... và mong họ sẽ hát nhạc Trần Tiến. Trong số đó có nhiều người đã thành công với nhạc Trần Tiến, nhưng riêng Uyên Linh thì cho tới thời điểm đó chưa bao giờ hát nhạc của chú.
Đêm nhạc đó, Uyên Linh hát rất thành công, tôi và chú Tiến đều ngạc nhiên. Tôi luôn mong rằng các ca sĩ thế hệ sau này của tôi luôn có những cách cảm nhận mới về nhạc của chú Tiến, để có thể kế thừa thế hệ của tôi, chị Thanh Lam, anh Tấn Minh... Và Linh thực sự làm thoả mãn mong muốn đó.
Sau đêm nhạc đó, Uyên Linh “xí chỗ” ngay rằng nếu tôi làm show Trần Tiến nhất định phải có Linh. Cô ấy bảo: "Em là Trần Nguyễn Uyên Linh". Thế là có họ ... Trần rồi!
- Có những người bạn của tôi, chính xác hơn là những người bạn vong niên, họ nói với tôi rằng nhớ đến Trần Tiến là nhớ thời du ca. Những cuộc du ca của ông gắn với thời tuổi trẻ của họ và thực sự với thế hệ chúng tôi khi được tiếp xúc những tư liệu về thời Trần Tiến du ca cũng cảm thấy bồi hồi. Tại sao chị không nghĩ tới một cuộc du ca trong thế kỷ 21 của Trần Tiến thay vì một đêm diễn đơn thuần?
- Tôi biết nhạc sĩ Lê Minh Sơn cũng đang tái hiện lại điều này. Du ca Trần Tiến mang yếu tố thời đại. Thời đó những cuộc du ca như thế để chú tìm chất liệu và đề tài cho những ca khúc sau này chúng ta yêu thích. Chúng ta yêu thích nó vì nó mang yếu tố thời đại mà mọi người đều có thể cảm nhận được.
Mùa hè vừa rồi tôi cũng về Việt Nam tham gia một cuốn phim tư liệu về chú Tiến và âm nhạc của chú cùng một số người bạn nghệ sĩ. Tôi nghĩ, một đêm diễn tái hiện du ca cũng chưa đủ mà phải có nhiều cách... Tôi sẽ cố gắng cùng chú Tiến thực hiện tất cả.