Những ngày này, người dân xã An Bình (huyện Nam Sách, Hải Dương) đang tự phá cổng, đập một phần nhà rồi thuê người xây lại để lấy mặt bằng. Tuy nhiên, ngoài việc cắt bớt một phần đất (với các hộ mặt đường), theo người dân nơi đây, họ còn phải đóng thêm 2 triệu/nhân khẩu để góp tiền xây con đường do UBND xã làm chủ đầu tư.
Đây cũng là lý do dẫn tới câu chuyện lãnh đạo xã phê bình cả nhà cô gái trong bản sơ yếu lý lịch khi hoàn thiện hồ sơ xin việc khi gia đình không có tiền đóng góp.
Dân "kêu trời" vì đóng cả chục triệu làm đường
Theo tìm hiểu của Zing.vn, trong kế hoạch số 92 của UBND xã An Bình, đường trục của xã dài hơn 5 km với chi phí được tính toán trên 30 tỷ đồng. Trong đó, người dân đóng góp khoảng 15,1 tỷ, Nhà nước hỗ trợ xi măng gần 6 tỷ, ngân sách huyện, xã và xã hội hóa 9,1 tỷ đồng.
Tuyến đường được chia thành 6 gói dự án, tổ chức thi công vào tháng 6/2017 và hoàn thành vào tháng 12/2017.
Địa phương có nhiều gia đình đông nhân khẩu. Đóng một lúc cả chục triệu đồng như vậy họ kiếm đâu ra.
Ông Trọng (61 tuổi, thôn An Đoài, xã An Bình)
Anh Nguyễn Danh Cường, ở thôn An Đông, chia sẻ sau khi nắm bắt chủ trương xã vận động đóng góp tiền làm đường, gia đình anh quá khó khăn nên chưa thực hiện. Nhà anh có 6 khẩu, phải đóng đến 12 triệu đồng, trong khi gia đình đang nợ ngân hàng rất nhiều.
"Từ khi xã huy động, gia đình tôi đã mấy lần đi vay mượn người thân, hàng xóm nhưng ai cũng khó khăn, không giúp được", anh nói và chia sẻ thêm, khi xã phát động hiến đất, gia đình cũng đồng ý.
Tuy nhiên, phần hiên trước cửa nhà mới làm xong, xã yêu cầu phá dỡ nhưng không hỗ trợ xây dựng lại nên gia đình chưa thống nhất.
“Địa phương có nhiều gia đình đông nhân khẩu. Đóng một lúc cả chục triệu đồng như vậy họ kiếm đâu ra. Tôi cho rằng lãnh đạo xã nên xem xét lại mức đóng và giãn thời gian để người dân có thể xoay xở được", ông Trọng (61 tuổi, ở thôn An Đoài, xã An Bình) bày tỏ.
Phiếu thu khoản đóng góp tiền làm đường của người dân xã An Bình. Ảnh: Hoàng Cư. |
Một số người dân xã An Bình cho biết quá trình họp, có thông tin khẳng định đơn vị thi công nói rằng làm đường hết khoảng 3 tỷ đồng/km nhưng UBND xã đưa ra mức chi 6 tỷ đồng/km.
“Khi chúng tôi thắc mắc thì lãnh đạo xã không giải trình được mà chỉ trả lời là phải lo nhiều giấy tờ này, thủ tục kia và nhiều chi phí phát sinh khác”, một người dân cho hay.
Được chỉ đạo không cung cấp tài liệu
Theo ông Đặng Hữu Đích, Trưởng thôn An Đông (xã An Bình), trước khi bắt đầu dự án làm đường, thôn tổ chức họp dân rất nhiều lần và thống nhất mức thu theo chỉ thị của cấp trên là 2 triệu đồng/khẩu.
“Trong cuộc họp tại thôn có nhiều quan điểm khác nhau. Cuối cùng số đông người dân trong thôn vẫn thống nhất đóng góp để xây dựng đường mới”, ông Đích nói.
Theo ông, thôn An Đông có khoảng 4.000 nhân khẩu và 40% người dân đã đóng tiền đợt 1.
Vị Trưởng thôn cũng nhìn nhận mức đóng góp 2 triệu đồng/khẩu là quá cao. Trong các cuộc họp, người dân đều đề nghị chia số lần thu thành nhiều đợt.
Nếu đóng theo 2 lần như kế hoạch của UBND xã, nhiều hộ sẽ phải vay mượn, rất khó khăn. Tuy nhiên, UBND xã vẫn quyết định thu theo phương án này.
Trụ sở UBND xã An Bình. Ảnh: Hoàng Lam. |
Về UBND huyện Nam Sách và xã An Bình liên hệ làm việc, sau gần một ngày chờ đợi, ông Nguyễn Danh Thắng, Phó chủ tịch HĐND xã An Bình mới đồng ý trao đổi trong chốc lát với Zing.vn.
Theo ông Thắng, sau khi UBND trình kế hoạch vận động nhân dân hiến đất, tháo dỡ công trình mở rộng và đóng góp để xây dựng đường trục xã, HĐND xã đã họp và thông qua nghị quyết.
"Nghị quyết của HĐND xã về kế hoạch xây dựng đường mới là kế hoạch của cấp độc lập, hoạt động theo luật Tổ chức chính quyền địa phương. Do đó, nghị quyết không cần báo cáo HĐND huyện Nam Sách", ông Thắng khẳng định.
“Tại hội nghị chiều 10/8, lãnh đạo UBND xã và Chủ tịch HĐND xã chỉ đạo tạm thời không cung cấp tài liệu về việc xây dựng tuyến đường này nữa. Sau này, những tài liệu nào địa phương thấy cần thông tin cho báo chí thì sẽ cung cấp”, ông Thắng cho biết thêm.
Sẽ kiểm tra việc huy động tiền của dân
Trong khi đó, ông Trương Phúc Thực, Phó chủ tịch UBND xã An Bình, xác nhận dự án làm đường trục xã dài hơn 5 km, tổng vốn dự kiến hơn 30 tỷ đồng.
Nếu người dân thấy số tiền này là quá cao thì có thể ý kiến lên UBND xã hoặc huyện là không đồng tình.
Ông Hồ Ngọc Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Sách
Ông Thực cho biết xã có gần 8.000 nhân khẩu. Trong số này, khoảng 500 người thuộc diện miễn, giảm theo quy định.
Căn cứ số khẩu hành chính hiện tại, mỗi nhân khẩu trong xã phải đóng góp 2 triệu đồng. Đợt đầu các nhân khẩu đóng 1,2 triệu đồng.
Vị lãnh đạo xã thông tin thêm mức đóng góp này căn cứ trên kế hoạch xây dựng tuyến đường đã được UBND xã xin ý kiến của dân, tổ chức nhiều cuộc họp cấp thôn xóm, cơ sở.
Tuyến đường đi qua xã An Bình dự kiến được làm mới dài hơn 5 km. Ảnh: Hoàng Cư. |
Trao đổi với Zing.vn qua điện thoại, ông Hồ Ngọc Lâm, Phó chủ tịch huyện Nam Sách, cho biết chủ đầu tư cũng như đơn vị lên kế hoạch xây dựng tuyến đường là UBND xã An Bình. UBND xã đã có văn bản gửi UBND huyện xin chủ trương đầu tư, xây dựng. Huyện chỉ xem xét việc đầu tư có phù hợp hay không.
Ông Lâm khẳng định UBND huyện sẽ yêu cầu kiểm tra lại việc người dân xã An Bình bày tỏ khúc mắc việc phải đóng 2 triệu đồng/người để xây dựng đường. Nếu người dân thấy số tiền này là quá cao thì có thể ý kiến lên UBND xã hoặc huyện là không đồng tình.
“Trong thời gian sớm nhất chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra việc huy động tiền từ người dân, mức độ đóng góp như thế nào, thực hiện quy chế dân chủ ra sao ở xã An Bình”, ông Lâm nói.