Ngày 14/7, trên trang cá nhân, tài khoản Phùng Như Quỳnh chia sẻ hình ảnh kèm bài viết về một nữ tiếp viên hàng không tận tình giúp đỡ bà cụ tìm người thân đón xe trở về nhà nhận được sự quan tâm và chia sẻ của cộng đồng mạng.
Theo đó, một bà cụ tại sân bay, đi chân trần, đội nón lá, tay ôm nhiều đồ. Cụ loay hoay tìm người thân đến đón, dù có điện thoại nhưng vì thính giác kém nên không liên lạc được. Trong khi đó, nữ tiếp viên hàng không tỏ ra rất vội nhưng khi thấy bà cụ già yếu gặp khó khăn, cô đã tận tình gọi điện cho người thân của cụ, chỉ dẫn và chờ đến lúc mọi người đến đón bà rồi mới ra đi.
Liên hệ với Như Quỳnh, cô cho biết mình sinh năm 1990, sống tại Hà Nội. Sáng 13/7, Quỳnh có chuyến bay từ TP HCM về Hà Nội, đáp xuống sân bây Nội Bài, khi đang chờ đón xe cùng một người bạn thì cô chứng kiến được câu chuyện ý nghĩa này.
Mặc dù chỉ là sự việc nhỏ xảy ra trong cuộc sống thường ngày, song chính tình yêu thương của con người từ những việc làm đơn giản nhất đã làm lay động dân mạng. Sau vài giờ đăng tải, bài viết hút hơn 6.000 lượt (like), 400 chia sẻ. Đa số bình luận của mọi người đều ca ngợi hành động đẹp và đáng trân trọng của nữ tiếp viên hàng không.
Như Quỳnh cho biết, cô khá bất ngờ khi câu chuyện của mình lại thu hút sự quan tâm của dư luận. "Bản thân hoàn toàn không cố tình để câu like (thích) hay gây sự chú ý. Trước đây, tôi cũng ấn tượng với hình ảnh người bà của mình hay đi chân trần vì sợ trượt. Vô tình chứng kiến câu chuyện này nên nó cứ khắc ghi mãi trong tôi. Thực sự khi con người đang sống nhanh vội, biết cảm nhận và chia sẻ là điều đáng trân trọng".
Hình ảnh nữ tiếp viên hàng không tận tình giúp đỡ cụ bà khiến dân mạng xúc động. Ảnh: Như Quỳnh. |
Nội dung chia sẻ của Như Quỳnh trên trang cá nhân:
"Hình ảnh một cô tiếp viên xinh đẹp, mặc đồng phục sang trọng và một bà cụ đội nón, đi chân đất mà mình gặp sáng nay khiến cho mình cảm giác thật thú vị. Mình cảm nhận được sự gần gũi và ân cần.
Sân bay đông người và vội vã, dường như không ai chú ý. Mình và hai bạn nữa đang chờ xe đón cạnh đó. Mình đoán chị tiếp viên cùng chuyến với cụ.
Theo quan sát của mình thì cụ không tìm được người đón, cụ có điện thoại nhưng chắc cũng không biết miêu tả vị trí đứng thế nào. Cụ khá già và tai hơi kém. Chị tiếp viên cũng có vẻ rất vội, cụ thì vẫn chưa thấy người đón.
- Alo, anh đến chỗ... Em với cụ đang đứng ở đây. Anh đến luôn giùm vì em không đợi lâu được.
Cụ nói gì đó mình không nghe rõ, tay vẫn giữ chặt bọc túi.
Chị tiếp quay ra bảo cụ: Lần sau cụ đi, nhớ bảo con cháu đặt thêm dịch vụ đưa đón ở sân bay nhé.
Hình như cụ vẫn không nghe rõ và hiểu gì, cụ bảo: Sợ bị lạc lắm.
- Không lạc được cụ ạ. Cụ sẽ có người đưa tận nơi. Sẽ không bị lạc đâu.
Có vẻ như cụ chẳng hiểu gì lắm. Chị tiếp viên nhìn xuống chân cụ rồi bảo:
- Cụ đi dép vào cụ ạ.
Bà cụ nhìn vào bọc túi đang ôm trên người chắc dép cụ đang để ở đó rồi bảo: Trơn lắm, không đi đâu.
Bọn mình đứng bên cạnh mỉm cười. Mình thì nhớ đến câu nói của bà: Đôi dép là thứ quý giá lắm. Chỉ khi nào có việc mới mang đi.
Mình cũng nhớ đến những đôi chân trần lam lũ và vất vả của những người ở quê. Hay những đôi dép bằng chai nhựa mà trên mạng chia sẻ.
Hình ảnh này khiến mình nhớ đến một lãnh đạo đã nói: Cảm thấy hạnh phúc khi nhìn khách hàng đến sân bay giờ xách túi nilon, làn đi chợ đi máy bay. Ai cũng có thể bay được. Cụ là một trong những khách hàng đó và khoảng cách không còn xa.
Một lúc sau thì người nhà cụ đến đón, chị tiếp viên nhìn phía xa chỉ cho cụ rồi mừng rỡ, mình đứng cạnh cũng mừng, chị tiếp viên sau đó nói thêm với người nhà cụ rồi rời đi vì chị cũng khá vội. Cụ đi theo người nhà và cụ vẫn nhất định không đi dép vì chắc cụ sợ ngã.
Câu chuyện có thế thôi, đối với mình với người già đến những nơi như thành phố hoặc sân bay mà không có con cháu đi cùng như cụ thì thực sự khiến mình khá lo lắng, cũng may là cụ đã đi lại suôn sẻ và gặp được người tốt. Hình ảnh cô nhân viên VNA tận tình và đôi chân trần của cụ chậm chạp bước đi khiến mình nhớ mãi.
Và hôm nay cũng được nhìn gần nhất đồng phục của VNA, có lẽ với mình đó là hình ảnh đẹp nhất".