Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Câu chuyện 'vượt vũ môn' của cô bé mồ côi giàu nghị lực

Mẹ mất năm 14 tuổi, bố chạy xe ôm nuôi con nhưng ông đột ngột qua đời chỉ 3 ngày trước khi em thi đại học, bằng nghị lực vươn lên Lê Thị Hằng hiện đã là tân sinh viên, vừa đi học, vừa nuôi em lớp 6.

Câu chuyện 'vượt vũ môn' của cô bé mồ côi giàu nghị lực

Mẹ mất năm 14 tuổi, bố chạy xe ôm nuôi con nhưng ông đột ngột qua đời chỉ 3 ngày trước khi em thi đại học, bằng nghị lực vươn lên Lê Thị Hằng hiện đã là tân sinh viên, vừa đi học, vừa nuôi em lớp 6.

Lê Thị Hằng là một trong 4 nhân vật sẽ giao lưu trực tuyến với độc giả vào ngày mai (19/10) trong chương trình Tân sinh viên vượt khó. Hằng đang là sinh viên trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, hệ cao đẳng. Cô bạn cũng sẽ được vinh danh trong ngày hội Tân Sinh viên 2012 - Vững bước Tương lai do Thành Đoàn Hà Nội tổ chức, tại Quảng trường Đại học Quốc gia, Cầu Giấy, Hà Nội.

Trong cuộc trò chuyện, Hằng bắt đầu bằng chia sẻ rằng với em, trở thành tân sinh viên là một điều kì diệu.

Gia cảnh éo le

Lúc Hằng còn bé, kinh tế gia đình phụ thuộc vào người bố đi làm ăn xa. Cả nhà gồm có bà, mẹ, Hằng, em trai sống trong căn hộ nhà tập thể được phân chia nhờ cụ em là liệt sĩ, nhưng chỉ được nửa nhà, nửa còn lại là nơi sinh sống của gia đình bác ruột.

Năm Hằng học lớp 7 thì mẹ mất. Tám tháng sau khi mẹ ra đi thì bà nội cũng không còn. Hằng và em trai không người chăm sóc, bố buộc phải bỏ công việc xa nhà, về làm xe ôm nuôi con ăn học. Ba bố con sống dựa vào nhau, lo miếng cơm manh áo từng ngày, Hằng sớm trưởng thành, thay vị trí của người mẹ trong gia đình, lo quán xuyến việc nhà, cơm nước, kèm cặp em việc học hành.

Gian bếp nhà Lê Thị Hằng.

Tai hoạ lại bất ngờ ập đến vào năm Hằng học lớp 9, bố em mắc bệnh nặng, bác sĩ chỉ định phải mổ. Lần phẫu thuật này, bố em phải cắt mật. Tuy nhiên, không lâu sau đó thì bệnh trở nặng hơn, chẩn đoán lần hai cho thấy bố em bị ung thư tuyến tuỵ và phải phẫu thuật tiếp.

Mỗi lần bố phải đi viện, phải mổ là gia đình Hằng lại lao đao. Cũng nhờ có sự giúp đỡ của họ hàng, chị em Hằng mới có thể tiếp tục đi học.

Lê Thị Hằng cho biết em rất thích học Toán vì vậy em chọn theo khối A. Trước đây, em học trường THPT Đống Đa, Hà Nội. Ba năm học, điểm tổng kết trung bình của Hằng bao giờ cũng trên 7,5. Thầy cô đánh giá em có sức học khá.

Kỳ thi đại học cao đẳng, Hằng nộp hồ sơ đăng ký vào trường ĐH Công đoàn và CĐ Sư phạm. Trong khi bạn bè tập trung ôn thi, Hằng vừa lo học, vừa chăm bố nằm điều trị trong bệnh viện Thanh Nhàn. Cô bé thường xuyên phải mang sách vở vào bệnh viện.

Nhưng bệnh tình bố ngày một nặng hơn khiến Hằng khó có thể chuyên tâm học hành. Vừa phải lo tiền viện phí, vừa phải thường xuyên túc trực ở bệnh viên khiến cô bé mệt mỏi, nảy sinh ý nghĩ tiêu cực. Hằng suy nghĩ rất nhiều.

Tuy vậy, cô bé hiểu rằng mình đã trở thành trụ cột trong gia đình, nên không thể buông xuôi. Ánh mắt dõi theo của em trai cũng là nguồn động lực để Hằng cố gắng. Họ hàng, bạn bè cũng ở bên khích lệ cô bé không thể uổng phí 12 năm ăn học, không phụ sự kỳ vọng của cha mẹ.

Bố mất ngay trước kỳ thi đại học

Góc học tập của Lê Thị Hằng.

Ngày 1/7 (hai ngày trước khi đi làm thủ tục dự thi), bố Hằng đột ngột ra đi.

"Em còn nhớ như in ngày đó. Tất cả mọi người đều khóc và em không biết phải làm gì. Các bác, các cô chú ở quê thay phiên nhau ra Hà Nội lo lắng, phụ giúp. Còn em, em chỉ biết rằng mình phải lo ma chay cho bố. Rồi mọi người động viên em, bảo em không được phụ công nuôi nấng, cho ăn học của bố mẹ, khuyên em đi thi. Và em quyết định vẫn đi thi.

Ngày 3/7, em được chở đi nhận phòng thi buổi sáng, buổi chiều về lo đưa tang bố. Sáng ngày 4-5/7 em làm bài thi như các bạn khác nhưng tinh thần hoang mang. Kết quả em không đủ điểm đậu trường ĐH Công đoàn.

Không từ bỏ hy vọng, em tiếp tục thi vào CĐ Sư phạm nhưng vẫn không đủ điểm vào trường. Sau đó, em nộp hồ sơ nguyện vọng hai vào trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, hệ cao đẳng và được nhận".

Dù không đạt được kết quả cao như kỳ vọng nhưng Hằng vẫn tự hào vì đã trở thành sinh viên, không hổ thẹn với cha mẹ dưới suối vàng.

Nghị lực vươn lên và những tấm lòng

Sau khi bố mất, cô bé tân sinh viên phải gác lại nỗi buồn đau, lo việc học hành ở trường mới, cho em trai vào cấp 2 và nhiều chuyện cơm áo gạo tiền. Hằng kể, mệt mỏi nhất là những lần phải chạy đôn chạy đáo lo thủ tục giấy tở để được nhận trợ cấp, bảo hiểm của cha mẹ để lấy tiền nuôi em trai.

Hiện nay, Hằng đã nhập học và ổn định cuộc sống. Hai chị em Hằng vẫn ở tại căn hộ chung cư cũ, bên cạnh có gia đình người bác quan tâm qua lại. Mỗi ngày, Hằng đi học vào buổi sáng, có ngày học cả buổi chiều, buổi tối em đi học Tiếng Anh ở lớp học miễn phí do người hàng xóm giới thiệu cho. Hằng cũng nhận được học bổng 5 triệu của một tờ báo nên đã nộp học phí ở trường. Em nghĩ mình còn may mắn vì được nhiều người giúp đỡ.

Em trai Hằng vừa lên lớp 6, học trường THCS Khương Thượng. Cô giáo chủ nhiệm biết hoàn cảnh của gia đình nên giúp em trai Hằng được đi học thêm miễn phí.

Tuy nhiên, với 500.000 đồng tiền bảo hiểm của mẹ và 700.000 đồng trợ cấp của bố, sinh hoạt của hai chị em còn nhiều khó khăn. Hằng đang tìm cách xoay xở để có thời gian đi làm thêm, trang trải kinh tế gia đình. Cô bé nói: "Em trai em chưa quen trường lớp nên em còn phải kèm cặp, một thời gian nữa em sẽ đi làm thêm kiếm tiền".

14h ngày mai (19/10), Hằng sẽ cùng 3 thủ khoa Trần Xuân Bách (đạt điểm tuyệt đối), Nguyễn Ngọc Thiện (29 điểm) và Nguyễn Thị Huyền (28,5 điểm) sẽ giao lưu trực tuyến cùng độc giả.  Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi cho các thủ khoa, tân sinh viên Tại đây.

Mai Châm

Theo Infonet

Mai Châm

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm