Ngay từ khi sinh ra, cậu bé cụt tứ chi Trần Văn Lạc đã bị mẹ ruột bỏ rơi. Ấy vậy nhưng với nghị lực phi thường và tình yêu thương, chăm sóc của những người có trách nhiệm trong xã hội, đến nay Lạc đã thi đậu đại học vào ngành mình mơ ước.
Và dù thế nào đi chăng nữa, cậu học trò khuyết tật mồ côi này vẫn luôn khao khát được gặp lại cha mẹ ruột của mình.
Cụt tứ chi vẫn đỗ đại học
Việc cậu học trò khuyết tật mồ côi Trần Văn Lạc đậu đại học vào ngành Công tác xã hội của Ðại học Quy Nhơn làm rộn ràng Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội tỉnh Bình Định (gọi tắt là Trung tâm, ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định).
Tôi đã nhiều lần đến Trung tâm và cũng đã từng trò chuyện với Lạc nên hôm tôi đến, Lạc hồ hởi, vui mừng khoe rằng mình đã thực hiện được một nửa ước mơ của mình.
“Lạc cụt” giờ là chàng thiếu niên khỏe mạnh, đẹp trai. |
Nhắc đến Lạc, hầu hết người dân thị xã An Nhơn đều biết, bởi hình ảnh và nghị lực của cậu học trò này đã được nhiều phụ huynh nhắc đến khi giáo dục con cái mình.
Ngay từ khi sinh ra, đứa trẻ có đôi mắt sáng, hai má phúng phính, bị khuyết hai tay, hai chân đã bị bỏ rơi. Sau đó, em lớn lên trong sự đùm bọc của các cán bộ, nhân viên tại Trung tâm.
Và giờ đây, em mở cho chính mình một cánh cửa mới - cánh cửa vào đại học.
Trước thời khắc thi THPT Quốc gia, Lạc sợ nhất là mình làm bài môn Văn không kịp, nhưng rồi với sự nỗ lực của mình, em cũng thi đậu vào ngành học mình mơ ước.
“Vì không cầm bút bằng ngón tay nên em viết chậm hơn so với bạn bè cùng lứa.
Những năm cấp 3, bên cạnh việc học, làm bài tập, em còn phải dành nhiều thời gian cho việc chép lại bài học vì trên lớp viết không kịp. Nhận kết quả với 15,75 điểm, vừa đủ để đậu vào ngành học mình yêu thích, em rất mừng”, Lạc tâm sự.
Với “Lạc cụt” - cái tên quen thuộc mà cán bộ, nhân viên Trung tâm vẫn gọi, học đại học ngành Công tác xã hội là giấc mơ nhiều ý nghĩa. Bởi không có gia đình riêng, không có quê nhà, Lạc muốn gắn bó với mái nhà chung là Trung tâm sau tốt nghiệp.
Ngành học hiện tại sẽ giúp em có cơ hội được làm việc, được tiếp tục sống và giúp đỡ các bạn, các em, ông bà, cô chú cùng cảnh ngộ.
Việc Lạc đỗ đại học là niềm vui của Trung tâm nhưng cũng không phải là chuyện bất ngờ. Bởi trong quá trình học tập, đây không phải là lần đầu tiên “Lạc cụt” đạt được thành tích như vậy.
Minh chứng là năm học lớp 5, Lạc đã lấy đi nhiều nước mắt của những bậc làm cha, làm mẹ cũng như những người được tận mắt chứng kiến cuộc thi Tin học trẻ Bình Định khi em vinh dự nhận được giải khuyến khích.
Cũng trong năm đó, Lạc là học sinh giỏi khuyết tật của tỉnh Bình Định tham dự Hội nghị trẻ khuyết tật toàn quốc tại Hà Nội.
Nghị lực phi thường
Lạc là đứa trẻ bị bỏ rơi tại Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn 18 năm về trước. Vào sáng sớm một ngày cuối tháng 11/1999, nhân viên Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn phát hiện một đứa trẻ được bọc trong tấm chăn mỏng, khóc ê a trước cổng. Điều đáng nói là đứa trẻ bị cụt tứ chi, sau lưng có một bì thư đựng một trăm nghìn đồng và một mảnh giấy viết tay, với dòng chữ nguệch ngoạc.
Thư có đoạn viết: “Tôi không dám nói gì hơn để cảm ơn ông, bà, cô, bác. Xin mọi người hãy vì tương lai của cháu mà giúp đỡ cháu. Hoàn cảnh của tôi lúc này tôi không biết nói như thế nào, chỉ mong quý ông, bà, cô, bác hiểu rằng đây là tất cả những gì tôi có thể làm được.
Tôi là người làm thuê cuốc mướn, ngày qua ngày cũng chỉ đủ ăn. Còn đứa trẻ, cha nó đã bỏ nó và bây giờ cũng không rõ ở đâu. Tôi lại sống xa gia đình, đất khách quê người, vất vả lắm mới nuôi cháu được đến ngày hôm nay với tất cả sự giúp đỡ của bạn bè, hàng xóm.
Nay được biết nơi đây có trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, tàn tật, tôi nghĩ chỉ có nơi đây mới có được tương lai và niềm vui của cháu... Tôi xin đặt tên cháu là Trần Văn Lạc”.
Sau khi phát hiện ra đứa bé bị bỏ rơi, lãnh đạo Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn đã phân công các hộ lý quan tâm chăm sóc đặc biệt đối với bé trai dị tật bẩm sinh này. Một tuần sau, vào ngày 26/11/1999, Trung tâm làm hồ sơ nhận em về nuôi.
Khi mới được nhận về Trung tâm, dù không có biểu hiện gì khác thường nhưng Lạc không khóc cũng chẳng cười. Ai bế cũng lặng im nên nhiều người bảo Lạc dễ nuôi.
Lúc 2 tuổi, Lạc biết dùng hai cùi tay để kẹp đồ chơi, kẹp những quả bóng tròn tung lên, kẹp thức ăn, bánh kẹo đưa vào miệng. Đến 3 tuổi, Lạc tự xúc cơm ăn trước sự vui mừng của những người gắn bó, yêu thương mình.
Khó khăn lớn nhất của Lạc là việc cầm bút để viết bởi bàn tay cầm bút cụt đến khuỷu tay, tay trái cụt mất cả bàn. Để cầm được bút, Lạc kiên trì ngày đêm luyện viết. Em dùng cánh tay trái cụt mất bàn kẹp cây bút vào khuỷu tay, tay phải cụt còn lại đè vào cây bút vừa giữ bút vừa điều khiển theo chữ viết.
Qua nhiều năm khổ luyện, Lạc cũng đã viết dù không nhanh như người bình thường, nhưng những nét chữ mạch lạc, rõ ràng và đẹp. Không chỉ cố gắng trong học tập, dù thân hình không bình thường, nhưng Lạc lại rất năng động trong các môn thể thao, nhất là bóng đá, bóng bàn.
Ước mơ gặp lại cha mẹ
Ngoài ước mơ sau này giúp đỡ lại những người kém may mắn ở Trung tâm, Lạc còn một giấc mơ khác - giấc mơ tìm về nguồn cội.
“Nhiều người nói với em, người nhà không cần em nên mới bỏ rơi em. Nhưng em vẫn nghĩ nếu bỏ rơi, hoàn toàn không cần em nữa, chắc phải bỏ em ở nơi hẻo lánh chứ không phải là nơi đông đúc như bệnh viện, rồi để lại tiền, lời nhắn gửi…
Em vẫn muốn tìm thấy gia đình, những người đã sinh ra mình”, Lạc tâm sự.
Cho đến giờ, dù cố công tìm kiếm, những người có trách nhiệm vẫn chưa rõ tung tích của người mẹ lâm vào cảnh ngộ bi đát thuở ấy hiện ở đâu, làm gì.
“Nhiều bạn ở Trung tâm nhưng vẫn có người thân, nên mỗi dịp lễ, đặc biệt là Tết Nguyên đán, các bạn được người thân đưa về quê ăn tết, còn em từ nhỏ đến nay vẫn ở nơi này. Nếu cho em điều ước, em sẽ ước được đón cái Tết đầm ấm cùng cha mẹ”, Lạc nói nghẹn giọng.
Cuộc sống tự lập trong 4 năm học đại học có lẽ sẽ nhiều khó khăn với một chàng trai khiếm khuyết tứ chi, sống dựa vào nguồn trợ cấp ít ỏi hàng tháng của Nhà nước.
Song nhìn vào đôi mắt sáng và kiên nghị của “Lạc cụt”, tôi tin em sẽ vượt qua trong lạc quan như chính cái tên của mình.
“Em biết chặng đường 4 năm đại học phía trước sẽ còn khó khăn hơn nhiều lần. Nhưng nhất định em sẽ nỗ lực hết mình để không phụ công mong đợi của các cô, chú ở Trung tâm.
Và hơn nữa là để em có thể tự lo cho bản thân mình sau này, không thể sống dựa vào tiền trợ cấp của Nhà nước mãi được”, Lạc nói với ánh mắt đầy quyết tâm.
Ông Nguyễn Quỳnh - Giám đốc Trung tâm - cho biết: “Khi tiếp nhận cháu Lạc về nuôi dưỡng, tất cả cán bộ, nhân viên Trung tâm đều rất thương yêu và quan tâm chăm sóc cháu. Chỉ trong một thời gian ngắn, Lạc đã cho thấy được nghị lực vượt qua tật nguyền của mình.
Trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua, cháu đã thi đỗ vào ngành học mình mơ ước. Con đường phía trước với cháu còn nhiều khó khăn, nhưng tôi tin, với nghị lực phi thường của mình, cháu sẽ vượt qua, trở thành người có ích cho xã hội”.