Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cậu học trò nghèo đến trường bằng... tay

Đôi chân teo tóp vì bị dị tật bẩm sinh từ nhỏ, nhưng ngày ngày cậu học trò nghèo Lương Văn Mậu (lớp 11C trường THPT Tương Dương I, Nghệ An) vẫn đều đặn đến tới trường học.

Sinh ra ở vùng đất từng được xem là điểm nóng về ma túy ở miền tây xứ Nghệ, từ khi mới lọt lòng, đôi chân Mậu cứ co quắp lại và dính sát vào phần bụng, không co duỗi được.

Lương Văn Mậu di chuyển trong con hẻm về phòng trọ.
Lương Văn Mậu di chuyển trong con hẻm về phòng trọ.

Tuổi thơ gian khó

Nhà nghèo, không có tiền chạy chữa nên Mậu cứ thế lớn lên. Năm Mậu lên 6 tuổi, bố mẹ Mậu bị “cơn lốc” ma túy cuốn vào vòng lao lý, hai anh em phải về ở với bà ngoại.

“Lúc đầu vợ chồng tôi định đưa thằng Mậu đến lớp để nó vui vẻ, đỡ tủi thân với bạn bè nhưng không ngờ nó sáng dạ, học khá, các thầy cô khuyên cho nó theo học” - bà Lô Thị Lan (65 tuổi), bà ngoại của Mậu nhớ lại.

Đường đến lớp không xa nhưng trường lại nằm lưng chừng sườn núi, đường dốc đứng nên việc leo lên, xuống rất gian nan với Mậu. Người bạn cùng bản Lô Lương Chôm đã tình nguyện cõng Mậu tới trường suốt 5 năm học tiểu học.

Học đến cấp II, Chôm nghỉ học để đi làm rẫy. Đó cũng là thời gian Mậu tự bò đến trường trên con đường gồ ghề và lởm chởm đất đá bằng… đôi tay và đầu gối. Gặp những bậc thang cao hay đoạn đường dốc, Mậu phải chống đôi tay gầy gò trồng “cây chuối” để leo lên.

Thầy Lương Bích Ngọc, hiệu phó trường THCS xã Lượng Minh, nói: “Chỉ hôm nào ốm Mậu mới nghỉ học. Trường chúng tôi nằm trên một quả đồi, hằng ngày Mậu phải đi bằng tay hơn 100 bậc tam cấp mới có thể đến lớp. Có hôm vào lớp học, đôi tay Mậu lấm lem bùn đất vì phải chống tay để đi.

Nhưng Mậu rất chăm chỉ và ham học, nhiều năm liền là học sinh tiên tiến, trở thành tấm gương vượt khó học tập cho nhiều học trò noi theo”.

“Học để thay đổi số phận”

Là học sinh khuyết tật được miễn thi nhưng Mậu vẫn tham gia kỳ thi chuyển cấp và đậu vào trường THPT Tương Dương I.

“Ông bà ngoại đều già yếu, anh trai phải vào miền Nam làm thuê kiếm mướn nên ngày nhận tin báo nhập học vào cấp III tôi dự tính không đi học nữa, bởi trường cách nhà hơn 17 km, hơn nữa đi học xa nhà với nhiều chi phí ăn học phải lo” - Mậu nói.

Giờ tan trường, chúng tôi theo Mậu về căn phòng trọ chật hẹp của Mậu và hai người bạn cùng trường. Con ngõ nhỏ dẫn vào phòng Mậu chỉ vừa một người đi nên Mậu phải để chiếc xe lăn bên ngoài rồi chống tay bò lê vào phòng. Đây là chiếc xe được một nhà hảo tâm tặng, giúp Mậu đi lại phần nào đỡ vất vả hơn.

Trong phòng trọ ẩm thấp, chỉ đủ kê chiếc giường và đặt chiếc bếp gas nấu ăn. Chiếc giường với manh chiếu rách vừa là nơi ngủ nghỉ cũng vừa là bàn học của Mậu. Mỗi lần học bài, Mậu lại khó nhọc cúi rạp người xuống giường.

“Cha mẹ tôi đều đi tù cũng từ cái đói, cái nghèo và thiếu hiểu biết pháp luật nên tôi quyết tâm đi học để thay đổi số phận mình” - Mậu tâm sự.

Cô Lương Thị Công, giáo viên chủ nhiệm lớp 11C trường THPT Tương Dương I, cho biết tuy Mậu là học sinh khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn nhưng Mậu rất có ý thức và chăm chỉ học tập. Mậu được tất cả thầy cô trong trường quý mến bởi tính tình hiền hòa, ngoan ngoãn và nhiệt tình tham gia các hoạt động tập thể của trường lớp.

“Tôi ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. Tôi sẽ hoàn thành chương trình học cấp III, sau đó học nghề để có thể kiếm sống tự nuôi bản thân” - Mậu tự tin nói.

Tâm sự xúc động của thí sinh Hoa khôi Vầng trăng khuyết

Các thí sinh tham gia cuộc thi Hoa khôi Vầng trăng khuyết đã có những câu chuyện kể xúc động trên sân khấu lý do vì sao từ một cô gái xinh đẹp lại trở thành người khuyết tật.

http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20151226/cau-hoc-tro-ngheo-den-truong-bang-tay/1027432.html

Theo Doãn Hòa/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm