Tại chung kết Hoa hậu Hàn Quốc tổ chức hôm 24/9, Kim Chae Won (22 tuổi) đã trở thành người đẹp đăng quang ngôi vị cao nhất. Cô là sinh viên khoa Báo chí, Quan hệ công chúng tại Đại học Yonsei và có ước mơ trở thành đạo diễn phim.
Sau cuộc thi, một trong số các câu hỏi của phần thi ứng xử trở thành chủ đề tranh cãi trên mạng xã hội xứ củ sâm. Cụ thể, câu hỏi có nội dung: "Nếu hình ảnh của bạn trong video deepfake trông hấp dẫn hơn so với người thật, làm sao để bạn thu hẹp khoảng cách giữa hình ảnh trong video đó và bản thân bạn?".
Câu hỏi này khiến không ít khán giả bức xúc, đồng thời dấy lên tranh cãi về việc liệu có nên đặt câu hỏi liên quan đến công nghệ deepfake hay không, đặc biệt là khi sự kiện không liên quan trực tiếp đến vấn đề này. Sau đó, trước sự phản ứng dữ dội, ban tổ chức phải lên tiếng xin lỗi, theo Korea Herald.
Kim Chae-won (giữa) là thí sinh đăng quang Hoa hậu Hàn Quốc năm 2024. Ảnh: Newsis. |
"Chúng tôi, với tư cách là đơn vị tổ chức, đã sai khi đưa ra câu hỏi liên quan đến deepfake trong bối cảnh các video bất hợp pháp sử dụng công nghệ này đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội. Chúng tôi nên cẩn trọng hơn với các câu hỏi, khi hiện nay deepfake đang bị sử dụng sai mục đích để tạo ra các video khiêu dâm bất hợp pháp", công ty Global E&B thông báo, đồng thời gửi lời xin lỗi đến tất cả thí sinh cuộc thi và bất kỳ ai cảm thấy khó chịu vì câu hỏi này.
Công ty cũng giải thích rằng "video deepfake" trong câu hỏi đề cập đến việc tái tạo hình ảnh ngoài đời thực bằng cách sử dụng công nghệ AI và hỏi về sự khác biệt giữa bản thân thực tế của thí sinh và phiên bản được công nghệ tạo ra.
Các câu hỏi khác trong phần ứng xử bao gồm các vấn đề về xã hội, ví dụ như cách giải quyết các rào cản vô hình, ngăn phụ nữ có thành tích cao được thăng chức lên vị trí cao hơn hay cách giảm xung đột giữa các thế hệ.
Nỗi sợ của phụ nữ Hàn Quốc
Những năm gần đây, tội phạm tình dục kỹ thuật số đang ngày càng trở thành vấn đề đáng lo ngại ở Hàn Quốc, đặc biệt với sự phát triển của các công nghệ như deepfake. Hàng loạt vụ việc liên quan đến deepfake khiêu dâm và bóc lột tình dục trực tuyến được đưa ra ánh sáng, gây chấn động dư luận.
Đáng nói, trong nhiều trường hợp, phần lớn nạn nhân nữ của những tội ác này là người quen của thủ phạm và không ít kẻ phạm tội chỉ mới ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, chỉ trong năm 2024, đã có 180 vụ án hình sự liên quan đến hình ảnh deepfake ở Hàn Quốc, 75,8% thủ phạm là thanh thiếu niên. Con số này tăng rõ rệt so với năm 2022, với 61% người bị kết án là thanh thiếu niên.
Tội phạm deepfake đang gia tăng ở Hàn Quốc. Ảnh: Koreatimes. |
Vừa qua tại Busan, 4 học sinh cấp 3 bị cảnh sát điều tra vì dùng công nghệ deepfake tạo ra 80 hình ảnh khiêu dâm của 18 học sinh và 2 giáo viên. Một học sinh tại đảo Jeju cũng bị bắt vì hành vi tương tự, sử dụng khuôn mặt của 11 bạn học.
Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc cho biết tính đến ngày 28/8, 781 người bị ảnh hưởng bởi deepfake khiêu dâm đã liên hệ với trung tâm hỗ trợ của bộ để tìm kiếm sự giúp đỡ. Trong đó, 36,9% là trẻ vị thành niên.
Vừa qua, Hàn Quốc đã bổ sung các điều khoản pháp lý để trừng phạt tội phạm deepfake, theo đó sửa đổi Đạo luật về các trường hợp đặc biệt liên quan đến trừng phạt tội phạm tình dục năm 2020 để xác định và chỉ định các hình phạt hình sự cho nhóm tội phạm này.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.