Hệ thống Maestro do nhà sản xuất thiết bị y khoa EnteroMedics Inc. cung cấp. Khi được cấy vào cơ thể, hệ thống sẽ phát tín hiệu điện tử đến các tế bào thần kinh dạ dày để kiểm soát hoạt động tiêu hóa. Nó làm giảm cơn thèm ăn của người được cấy thiết bị, đánh lừa cảm giác để họ luôn thấy rằng mình đang no.
Đối tượng sử dụng được quy định trong hướng dẫn của nhà sản xuất là từ 18 tuổi trở lên, có chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức béo phì, từ 35-45, đồng thời mang một chứng bệnh có liên quan đến béo phì. Kèm theo đó, để được áp dụng biện pháp điều trị thông qua hệ thống Maestro, bệnh nhân cần phải được xác nhận là có tiếp nhận các biện pháp giảm cân khác nhưng không hiệu quả.
FDA quy định, nhà sản xuất EnteroMedics phải duy trì nghiên cứu hiệu quả hoạt động của phương pháp Maestro trong 5 năm sau khi được ứng dụng rộng rãi. Ít nhất là phải khảo sát 100 bệnh nhân. Những thử nghiệm trước đó cho kết quả khá khả quan và chỉ 4% trong số các trường hợp được cấy thiết bị gặp những phản ứng phụ vì vật lạ đưa vào cơ thể.
Theo báo cáo của các chuyên gia tư vấn Viện McKinsey toàn cầu (MGI) công bố cuối tháng 11/2014, hơn 2,1 tỷ người trên toàn cầu (hoặc gần 30% dân số thế giới) ở tình trạng thừa cân hay béo phì. Con số này dự báo còn tăng cho đến năm 2030. Béo phì hiện là nguyên nhân gây ra khoảng 5% các trường hợp tử vong toàn thế giới và gây tác động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu tương tự như hút thuốc hay xung đột vũ trang. Béo phì đòi hỏi chi phí 2.000 tỷ USD cho chăm sóc sức khỏe và năng suất mất đi trên toàn cầu. Chi phí này tương đương 2,8% GDP toàn cầu.
Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC), 35% người trưởng thành ở Mỹ mắc chứng béo phì. Tỷ lệ này có thể tăng lên 50% năm 2030 nếu thói quen ăn uống không thay đổi. Chi phí y tế dùng để điều trị những bệnh có liên quan đến béo phì ở Mỹ có thể lên đến 66 tỷ USD/năm nếu tỷ lệ béo phì tiếp tục gia tăng.