Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CDC Hà Nội xin giảm nhẹ hình phạt cho cựu giám đốc

Đại diện CDC Hà Nội cho rằng các cựu lãnh đạo, cán bộ của đơn vị vì muốn có thiết bị phòng, chống dịch thật sớm, lại không có kinh nghiệm mua sắm thiết bị nên để xảy ra sai phạm.

Chiều 10/12, TAND Hà Nội tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội).

Cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm được xác định là chủ mưu, cùng Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty Phương Đông), Nguyễn Ngọc Nhất (Nhân viên Công ty ViTech), Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty MST) và 6 người khác, bị cáo buộc nâng khống giá mua máy xét nghiệm SARS-CoV-2, gây thiệt hại 5 tỷ đồng cho Nhà nước.

Mua bán lòng vòng để nâng giá

Trong phần xét hỏi, chủ tọa yêu cầu bị cáo Tuyền kể lại nội dung buổi gặp gỡ với ông Cảm và ông Nhất.

Tuyền cho biết gặp 2 bị cáo trên chỉ gặp để tăng sự tin tưởng đối với cựu Giám đốc CDC Hà Nội. Tại buổi gặp, các bên không bàn về giá cả do Công ty Phương Đông đã gửi bản báo giá trước đó cho CDC Hà Nội.

"Mức giá máy xét nghiệm Realtime - PCR tự động bị cáo gửi cho CDC Hà Nội là 6,5 tỷ, bảo hành trong 2 năm và 7 tỷ đồng nếu bảo hành 3 năm", nhân viên Công ty Phương Đông khai.

Xet xu cuu Giam doc CDC Ha Noi anh 1

Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm. Ảnh: Hải Nam.

Cũng theo bị cáo này, ông Nhất từng hẹn riêng anh ta để bàn về bộ thiết bị xét nghiệm trên. "Nhất đề nghị công ty bán thiết bị với giá 4 tỷ nhưng báo với ông Cảm là 7 tỷ. Tôi đồng ý và bảo sẽ về thương lượng với công ty. Để đảm đảo trúng thầu, Nhất sẽ trích cho ông Cảm 15% giá sản phẩm. Số tiền chênh lệch còn lại sau khi trừ hết mọi chi phí, tôi và Nhất sẽ chia 50-50", Tuyền khai.

Song trước tòa, bị cáo nói chưa nhận được tiền chênh lệch và thời điểm đó cũng không có nhu cầu lấy tiền.

Trả lời về lý do không bán thiết bị cho CDC Hà Nội vào phút chót, bị cáo Tuyền cho biết do hai bên không thống nhất được về cách vận hành.

Xet xu cuu Giam doc CDC Ha Noi anh 2

Bị cáo Đào Thế Vinh. Ảnh: Hải Nam.

Trong cáo buộc, hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime - PCR tự động được Công ty Phương Đông bán cho bị cáo Nhất với giá hơn 3,7 tỷ đồng. Sau đó, Nhất bàn với bị cáo Vinh sẽ đại diện cho Công ty MST tham gia thầu bán cho CDC Hà Nội. Nếu thực hiện thành công, Vinh sẽ nhận hoa hồng 1,5 % giá trị hợp đồng.

Qua điều tra, VKSND Hà Nội phát hiện các bị cáo đã mua bán lòng vòng, qua nhiều công ty để nâng mức giá các thiết bị trước khi cung cấp cho CDC Hà Nội.

Cụ thể, sau khi Vinh đồng ý hợp tác với Nhất, Công ty Phương Đông xuất hóa đơn bán 2 máy xét nghiệm PCR cho Công ty Hưng Long do vợ của Vinh làm giám đốc, với giá 4,1 tỷ. Công ty Hưng Long tiếp tục bán các thiết bị này cho một công ty khác giá 5,2 tỷ.

Sau đó, Công ty MST lại mua 2 máy xét nghiệm trên và trả cho Công ty Hưng Long 7,8 tỷ. Cuối cùng, Giám đốc Công ty MST bán cho CDC Hà Nội giá 8,2 tỷ đồng. Như vậy, bị cáo Vinh đã nâng giá 2 máy xét nghiệm PCR từ 4,1 tỷ đồng thành 8,2 tỷ.

Được xin giảm nhẹ hình phạt

Được triệu tập đến phòng xử, đại diện CDC Hà Nội đưa ra quan điểm xin giảm nhẹ hình phạt cho 6 bị cáo là các cựu lãnh đạo, cán bộ của trung tâm.

"Đơn vị chỉ là cơ quan chuyên môn về phòng chống dịch bệnh, không có kinh nghiệm mua sắm. Ngoài ra, các thiết bị để phục vụ việc phòng chống dịch Covid-19 rất đặc biệt, không phổ thông nên giá cả đơn vị được báo đều phụ thuộc hoàn toàn vào công ty cung cấp", đại diện CDC Hà Nội nói.

Theo vị đại điện, vì thời điểm dịch bệnh diễn ra quá phức tạp, nhu cầu thiết bị phòng chống dịch quá cấp bách nên quá trình mua thiết bị có những sai phạm. Các bị cáo là người của CDC Hà Nội lúc đó chỉ mong muốn có những thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 thật sớm.

"Như trước đó, CDC Hà Nội đã gửi công văn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ của Trung tâm. Tại phiên tòa, CDC Hà Nội vẫn giữ mong muốn trên", đại diện Trung tâm nói.

Đối với các bị cáo còn lại, CDC Hà Nội yêu cầu HĐXX đưa ra phán quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Sáng 11/12, phiên xét xử sẽ tiếp tục với phần tranh luận.

Nhóm bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ CDC Hà Nội, gồm Nguyễn Nhật Cảm, Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung (Trưởng phòng Tổ chức), Nguyễn Ngọc Quỳnh (Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ), Hoàng Kim Thư (Kế toán trưởng) và Lê Xuân Tuấn (cán bộ).

4 bị cáo còn lại là Nguyễn Ngọc Nhất (Nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech), Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST), Nguyễn Trần Duy (Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành) và Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông).

Hải Nam

Bạn có thể quan tâm