
![]() ![]() |
- Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc tại công ty tư vấn thương hiệu nhà tuyển dụng Anphabe
Bên cạnh trợ lý con người, bất cứ nhân sự nào cũng có thể sở hữu thêm "trợ lý ảo". Tôi cũng không ngoại lệ. Theo tôi, trợ lý AI này không thay thế con người, mà hỗ trợ tăng hiệu suất làm việc. Tuy nhiên, không phải nhân sự nào cũng tư duy như vậy.
Nhiều nhà quản lý ở Việt Nam cũng chưa thấy rõ giá trị mà trí tuệ nhân tạo mang lại cho doanh nghiệp. Có thể nói rào cản lớn nhất khi ứng dụng công nghệ thường nằm ở tâm lý, chư không phải chi phí. Do đó, một chương trình đào tạo AI hiệu quả trước hết phải thay đổi tư duy nhân sự ở các cấp bậc.
Tôi tin rằng để không bị bỏ lại, bạn phải tiến lên. Muốn ổn định, bạn phải dịch chuyển.
Bức tranh đối lập
Việc hiểu và ứng dụng AI trong công việc tại thị trường Việt Nam là một bức tranh trái ngược.
Theo một khảo sát cuối năm 2024 của chúng tôi, từ góc độ doanh nghiệp, 69% công ty cho rằng sử dụng trí tuệ nhân tạo là điều quan trọng. Song, chỉ 27% doanh nghiệp Việt Nam áp dụng công nghệ này, cho thấy khoảng cách lớn giữa nhận thức và triển khai thực hiện.
Ở góc độ của người lao động, 92% nhân sự nhận biết sử dụng AI là một kỹ năng quan trọng, có thể hỗ trợ công việc. Tuy nhiên, gần 50% lại lo lắng về việc bị trí tuệ nhân tạo thay thế.
Đáng chú ý, tiền bạc không phải vấn đề lớn trong quá trình ứng dụng AI của các doanh nghiệp. Trên thực tế, khảo sát cho thấy rào cản lớn nhất lại nằm ở nhận thức và niềm tin của lãnh đạo doanh nghiệp. Cụ thể, 57% lãnh đạo chưa thực sự tìm hiểu, đánh giá cao về giá trị mà trí tuệ nhân tạo mang lại. Vì thế, 23% chưa thấy nhiều lợi ích do công nghệ tiên tiến tạo ra.
Bên cạnh đó, 23% nhà lãnh đạo bày tỏ lo ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu doanh nghiệp. Việc sử dụng các công cụ AI thường đi kèm rủi ro rò rỉ thông tin nội bộ, nhất là khi chưa có quy trình kiểm soát dữ liệu rõ ràng.
Tại các quốc gia châu Âu, những khung pháp lý như Đạo luật trí tuệ nhân tạo của Liên minh châu Âu (EU Artificial Intelligence Act) được ban hành nhằm thiết lập các tiêu chuẩn về minh bạch, đạo đức và an toàn dữ liệu trong việc phát triển và sử dụng AI. Song, hành lang pháp lý cho AI vẫn còn sơ khai ở Việt Nam.
Ngoài ra, một bộ phận quản lý cũng đặt câu hỏi về sự phụ thuộc của nhân sự vào AI và tính chính xác của sản phẩm đầu ra do các công cụ này hỗ trợ thực hiện.
![]() |
Các chương trình đào tạo AI cần đi sâu vào thực tiễn, hướng đến ứng dụng. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Thực tế cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt chưa tổ chức nhiều chương trình đào tạo AI, gây khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả. Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp bắt đầu đào tạo cho thấy tín hiệu tích cực. Khi bắt tay vào đào tạo, họ truyền tải một thông điệp rõ ràng tới nhân sự: AI là điều mà công ty quan tâm, do đó các bạn cũng cần quan tâm.
Chương trình đào tạo như thế nào thì hiệu quả?
Tôi nghĩ rằng yếu tố đầu tiên tạo nên thành công của chương trình đào tạo AI là công tác truyền thông. Trách nhiệm của tổ chức là giúp nhân sự nhận thức rõ ràng về sự cần thiết, giá trị mà công nghệ mang lại cho tập thể và cá nhân.
Điều quan trọng là thay đổi tư duy của người lao động, giúp họ hiểu rằng trí tuệ nhân tạo không cướp đi công việc, mà góp phần rút ngắn thời gian thực hiện các tác vụ, tối ưu hoá quá trình xử lý các đầu việc. Nhiệm vụ quan trọng của các công ty là giải quyết nỗi lo cho nhân sự, tránh tạo ra thái độ chống đối ở đội ngũ lao động.
Hơn nữa, các tổ chức cũng cần chỉ ra rằng chương trình đào tạo AI là một loại hình phúc lợi. Hiện nay, nhiều nhân sự không coi đây là quyền lợi do chưa hiểu rõ giá trị mà các khóa học này mang lại.
Trên thực tế, nếu công ty không đầu tư, nhân viên phải tự chi trả số tiền lớn để cập nhật kiến thức về công nghệ. Vì vậy, người lao động đang được hưởng lợi từ doanh nghiệp.
Yếu tố thứ 2 là đưa khóa học về gần với thực tiễn. Một khoá học mang tính lý thuyết, chỉ dừng ở khái niệm “AI là gì” sẽ khó thuyết phục nhân sự. Người lao động sẽ đặt ra những câu hỏi như “Nó liên quan gì đến tôi?” hay “Nó giúp được gì cho công việc của tôi?”.
Vì thế, tính thực chiến là điều cần chú trọng. Ví dụ, trước khi vào học, nhân sự cần tải xuống các công cụ AI phổ biến như ChatGPT, Gemini hay Copilot. Những thông tin nền như cách sử dụng cơ bản cũng nên được cung cấp trước.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cần hướng đến cách ứng dụng công nghệ vào các phòng ban, chuyên ngành, lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, phòng sale cần sử dụng ChatGPT để xử lý những tác vụ gì? Phòng logistic nên dùng phần mềm gì, phiên bản nào để hỗ trợ công việc?
Tóm lại, theo tôi, các khóa học cần biến một thứ xa xôi thành điều thực tiễn, đi vào đời sống, công việc của mỗi cá nhân, khuyến khích nhân sự trải nghiệm.
Yếu tố thứ 3 là học qua thực hành và chia sẻ. Sau các buổi học, công ty có thể tổ chức những buổi chia sẻ, tạo cơ hội cho nhân sự ở các bộ phận trao đổi, học hỏi lẫn nhau.
Ví dụ, nhân viên phòng marketing có thể chia sẻ về các công cụ AI đang sử dụng, cách ứng dụng và hiệu quả đối với công việc thực tế. Trong khi đó, nhân sự phòng nghiên cứu lại đưa ra góc nhìn khác.
![]() |
Để không bị bỏ lại trên thị trường lao động khốc liệt, nhân sự cần chủ động dịch chuyển, cập nhật kiến thức về AI. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Nhân sự đừng chờ đợi
Trong bối cảnh công nghệ thâm nhập sâu rộng khiến cuộc sống thay đổi nhanh chóng, tôi cho rằng nhân sự muốn ổn định phải dịch chuyển. Trước đây, người lao động có thể ưu tiên gắn bó lâu dài, phát triển sự nghiệp, thăng tiến trong một doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế của thị trường lao động trong 2-3 năm gần đây chứng minh điều ngược lại. Không điều gì có thể đảm bảo vị trí của bạn được giữ vững. Vì thế, nhân sự cần thay đổi trước khi bị bỏ lại.
Sự chủ động là điều cần thiết. Nếu muốn trang bị kiến thức về AI, các bạn phải lập tức tải xuống và sử dụng các công cụ, trước hết thử ứng dụng bản miễn phí.
Đó là cách duy nhất giúp người lao động đứng vững trên thị trường dù vị trí công việc hay doanh nghiệp lung lay. Như vậy, nhân sự không nên phụ thuộc vào chương trình đào tạo của doanh nghiệp, hoàn toàn có thể tự trang bị kiến thức, kỹ năng về trí tuệ nhân tạo.
Theo tôi, khái niệm “khả năng hiểu và ứng dụng AI” cần được giải thích rõ ràng. Về bản chất, người dùng và các công cụ này có một cuộc hội thoại.
Vì thế, nhân sự cần biết cách đặt câu hỏi, đưa ra đề bài, từ đó nhận về kết quả như mong muốn. AI thay thế Google, nhưng nhanh hơn, tổng hợp nhiều thông tin và đưa ra gợi ý phù hợp hơn.
Tuy nhiên, công cụ này cũng chỉ là một “máy cào”, hoàn toàn có thể cung cấp thông tin sai. Do đó, người dùng cần xây dựng tư duy phản biện, không thể tin tưởng 100% vào AI. Năng lực của nhân sự nằm ở việc lựa chọn gợi ý có tính chính xác cao và thích hợp với hoàn cảnh ứng dụng.
Tôi cho rằng nếu không muốn bị đào thải, chúng ta phải bắt kịp. Nếu muốn phát triển, chúng ta phải đi nhanh hơn. Hôm nay, ChatGPT có thể là công cụ phổ biến, dễ dùng nhất. Song, ngày mai, khi thức dậy, bạn có thể thấy những sản phẩm công nghệ mới, tốt hơn.
Sự nổi lên của DeepSeek trên toàn cầu là minh chứng rõ ràng cho xu hướng này. Điều này chứng minh một thực tế rằng AI ngày càng rẻ, phổ biến hơn và trở thành một phần của cuộc sống.
AI thách thức Gen Z ở thị trường lao động
Theo chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương, tác giả cuốn sách Trò chuyện cùng Gen Z, AI không chỉ thay đổi cách con người xử lý thông tin mà còn thách thức năng lực tư duy của chúng ta. Trong bối cảnh thị trường lao động biến đổi nhanh chóng, thế hệ trẻ cần rèn luyện khả năng đặt câu hỏi, tư duy phản biện và thích nghi với những thay đổi liên tục để đáp ứng yêu cầu của tương lai.