Zing trích dịch bài đăng trên New York Times, về câu chuyện của thiếu nữ 14 tuổi bị cha sát hại dã man vì danh dự gia đình và đằng sau những cái chết thương tâm, pháp luật vẫn không đứng về phía họ.
Trước khi ra tay sát hại con gái 14 tuổi của mình với lý do cô bé bôi nhọ danh dự gia đình, người cha Reza Ashrafi đã nhờ đến tư vấn của luật sư.
“Mức phạt nào dành cho tôi nếu giết chết con gái mình?”, người cha hỏi vị luật sư. Theo đó, luật sư cho hay với tư cách người giám hộ của con, anh sẽ không nhận mức tử hình, nhưng sẽ phải ngồi tù từ 3-10 năm.
Ba tuần sau, cái chết thương tâm của cô gái 14 tuổi xảy ra. Cô bé ra đi ngay khi đang ngủ, dưới lưỡi dao tàn ác của cha đẻ. Sau đó, Reza trên tay cầm hung khí đến sở cảnh sát tự thú với lý do “bảo vệ danh dự gia đình”.
Romina Ashrafi trước khi bị bố sát hại. Ảnh: AP. |
Theo báo chí địa phương, Romina Ashrafi (14 tuổi) đem lòng yêu Bahamn Khavari, người đàn ông hơn cô 20 tuổi, nhưng không nhận được sự đồng ý từ bố cô. Romina và người yêu quyết định bỏ trốn.
Gia đình Ashrafi đã nhờ đến lực lượng chức năng tìm kiếm họ và đưa con gái về nhà. Sau 5 ngày tìm kiếm, ngày 27/5, cảnh sát tìm được tung tích của Romina cùng bạn trai. Lo sợ bị bố giam giữ và trừng phạt, Romina cầu xin cảnh sát buông tha cô nhưng họ quyết đưa cô về nhà theo đúng yêu cầu của gia đình.
Vụ án tại ngôi nhà hẻo lánh nằm ở Talesh, cách thủ đô Tehran của Iran khoảng 320 km ngay lập tức khiến cả đất nước chấn động.
Sự ra đi oan uổng của một cô bé còn đang tuổi dậy thì khiến hàng loạt câu hỏi về quyền của phụ nữ và trẻ em được đặt ra. Trong vụ việc này, ai cũng có thể thấy rõ sự thất bại của hệ thống luật pháp khi không thể bảo vệ của một bé gái trước những hủ tục cũ kỹ, lạc hậu.
Dù có nhiều quyền lợi hơn phụ nữ ở các nước Trung Đông khác, phụ nữ Iran vẫn cần sự cho phép của đàn ông mới được ra đường. Ảnh: NY Times. |
Cái chết thương tâm của các thiếu nữ
Trên mạng xã hội, cái chết của Romina Ashrafi khiến hàng loạt câu chuyện kể lại việc chung sống với những người đàn ông gia trưởng, ưa bạo lực được những người phụ nữ đồng cảm với nhau kể lại.
“Có hàng nghìn người như Romina không có lấy một sự bảo vệ ở đất nước này”, tài khoản Kimia Abodlahzadeh bình luận sau khi nhiều người kể lại việc bị cha đẻ đánh đập thẳng tay bằng roi da, thắt lưng vì những lý do như đi bên cạnh một bạn học nam, hay đi bộ về nhà thay vì đi xe của nhà trường.
Dù những vụ giết hại con gái, phụ nữ vì danh dự được cho là hiếm, không ít người nghi ngờ con số thật đằng sau.
Một báo cáo năm 2019 bởi trung tâm nghiên cứu liên kết với lực lượng vũ trang Iran chỉ ra 30% số vụ giết người tại Iran có nạn nhân là phụ nữ và bé gái. Con số cụ thể không được thống kê bởi chính phủ không công bố số liệu chính xác.
Con số phụ nữ bị chính gia đình của mình giết hại vì danh dự vẫn không thể liệt kê chính xác. Ảnh: Twitter. |
Mặc dù lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei kêu gọi biện pháp trừng phạt cứng rắn với bất kỳ người đàn ông nào có hành vi bạo lực với nữ giới, vấn đề cốt lõi là cần xóa bỏ những tư tưởng khinh thường phụ nữ đã tồn tại quá lâu.
Tại Iran, phụ nữ được nắm giữ các vị trí, công việc quan trọng và có nhiều quyền lợi hơn so với phụ nữ ở các quốc gia Trung Đông khác, song họ vẫn chịu sự chi phối của đàn ông. Phụ nữ phải che kín tóc, cánh tay khi ra ngoài. Họ cũng chỉ được đi ra khỏi nhà nếu được cha hay chồng cho phép.
Tuần trước, Tổng thống Hassan Rouhani đã yêu cầu Quốc hội thúc đẩy nhanh dự luật bảo vệ phụ nữ. Dự luật này đã chờ Quốc hội thông qua suốt 8 năm. Nếu được thông qua, các hành vi lạm dụng, bạo hành phái yếu sẽ bị hình sự hóa. Một dự luật khác có nội dung hình sự hóa việc lạm dụng và bỏ rơi trẻ em cũng đã bị đình trệ suốt 11 năm.
Bên cạnh những lời kêu gọi đạo luật mới nhằm bảo vệ phụ nữ hết sức có thể, vẫn có những người theo trường phái bảo thủ đổ lỗi cho Romina vì “lăng nhăng và không tuân thủ các chuẩn mực tôn giáo, đạo đức”, đồng thời “không thể xử tử người cha vì như vậy là làm trái với quy định Hồi giáo”.
Sự ra đi của cô bé 14 tuổi khiến cả nước Iran rúng động, nhưng khó đem lại sự thay đổi về các biện pháp bảo vệ phụ nữ. |
Cha giết con không bị tử hình
Ngay cả khi các dự luật được thông qua, những người ủng hộ nữ quyền cũng e sợ sẽ không có thay đổi nào trong hình phạt tội cha giết con.
Tội giết người ở Iran có thể đối mặt với mức án tử hình. Song theo Hồi giáo, những người giám hộ hay còn gọi là “người bảo vệ” không phải chịu tử hình trong trường hợp giết chết đứa con của mình. “Người bảo vệ” hợp pháp ở đây là bố và ông nội.
Nhưng với những người mẹ phạm phải tội ác tương tự, mức trừng phạt cao nhất vẫn được áp dụng.
“Làm thế nào mà một người cha giết con lại không phải chịu án tử hình. Nếu chúng ta muốn giải quyết vấn đề này theo cách đúng đắn, người cha rõ ràng phải đối mặt với nhiều khung hình phạt khác nhau”, Faezeh Hashemi, nhà nữ quyền kiêm cựu luật sư, nói với truyền thông địa phương.
“Thông qua dự luật nhưng không thay đổi hình phạt sẽ chẳng đem lại sự bảo vệ nào cho phụ nữ và trẻ em”, cô nói thêm.
Ngay cả những gương mặt đấu tranh nổi bật nhất, bao gồm người đoạt giải Nobel Hòa bình Shirin Ebadi và luật sư nữ quyền Nasrin Sotoudeh, đang phải sống lưu vong hoặc bị giam trong tù.
“Đấu tranh vì quyền phụ nữ bị coi là hành vi chính trị và bị hình sự hóa, khiến rất khó để biến sự phẫn nộ của người dân về vụ án mạng thành yếu tố tác động đến sự thay đổi”, Sussan Tahmasebi, nhà hoạt động xã hội tại Tehran nói.
Sau khi Romina ra đi, các bạn gái chung trường học vẫn thường leo bộ lên đồi, đặt những bông hoa vàng tím trước mộ người bạn của mình, thì thầm cầu nguyện điều tương tự sẽ không xảy đến với họ.