Lướt mạng xã hội những năm gần đây, không ít phụ huynh có con nhỏ cảm thấy “mệt” trước những thông tin, phương thức xoay quanh chuyện nuôi dạy con cái. Đó cũng là cảm xúc của chuyên gia giáo dục, TS Nguyễn Chí Hiếu.
Tuy nhiên, ông nhận thấy dù là nhu cầu chính đáng, phần lớn cha mẹ vẫn chỉ đang hỏi về khóa học nào đó cho con để có một kỹ năng nào đó, để đỗ trường gì đó, có thành tích nào đó… Đó là cách phần lớn bậc phụ huynh đang tiếp xúc trên mạng xã hội.
Làm trong ngành giáo dục 15 năm, trải rộng từ cấp mầm non đến đại học, ông Hiếu nhận thấy phần lớn xu hướng hiện nay là cha mẹ chỉ tập trung vào các kỹ năng học tập cho trẻ, song như vậy là chưa đủ. Bên trong, các con còn nhiều điều chưa đủ chất, đủ sâu để phát triển toàn diện.
Trong một thế giới ngày càng nhiều biến động, nhiều thông tin, nhìn đâu cũng dễ dàng thấy người giỏi người tài, cha mẹ cần tìm được hướng đi để đồng hành cùng con. Đây cũng là vấn đề được bàn luận tại hội thảo “Mặt trái thế giới - Giá trị ‘thực’ con cần” được Tổ chức Giáo dục IEG Global tổ chức với sự tham gia của TS Nguyễn Chí Hiếu, bà Đàm Bích Thủy - nguyên chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam và bà Vũ Thanh Hà - điều hành tại Câu lạc bộ Màu Xanh và sáng lập dự án Đi Để Hiểu.
Nhiều cha mẹ đang chỉ quan tâm đến việc học của con thay vì các yếu tố khác. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Áp lực của thế hệ “ăn ngon mặc đẹp”
Nhận định về môi trường phát triển của trẻ em hiện nay, bà Thanh Hà cho rằng các em có rất nhiều cơ hội, điều kiện tốt hơn thế hệ trước. Nếu thời cha mẹ ngày trước là “ăn no mặc ấm” thì hiện nay các em “ăn ngon mặc đẹp”.
Nhiều em nhỏ được cha mẹ đầu tư toàn diện, không chỉ về kiến thức mà còn các kỹ năng. Nhiều cha mẹ không bằng lòng với việc con chỉ biết một ngoại ngữ mà phải nhiều, không chỉ chơi được một mà hai nhạc cụ trở lên, giỏi cả cầm kỳ thi họa. Đây cũng chính là điều bà trăn trở.
“Ngõ nhà tôi có nhiều trung tâm luyện thi vào các trường chuyên nổi tiếng. Nhiều hôm nhìn từ ban công, tôi thấy các em học sinh cấp 2, cấp 3 hay thậm chí cấp 1 vẫn mặc nguyên đồng phục sau giờ học, bước xuống xe của bố mẹ, vừa đi vừa cầm miếng bánh hay gói bim bim ăn vội rồi vào lớp luyện thi học tiếp", bà kể.
Mỗi lần thấy những em nhỏ lao vào học ở trung tâm đến 20h, 21h mới được về ăn tối, tắm rửa rồi tiếp tục làm bài tập, bà Hà chảy nước mắt vì thương.
Theo bà, sự đầu tư cho con như vậy thường sẽ tỷ lệ thuận với kỳ vọng của bố mẹ. Ngay cả những ước mơ dang dở của bố mẹ cũng được đặt hết lên vai thế hệ sau, khiến các con đối diện không ít áp lực.
Bà Hà (ngoài cùng bên phải) từng rơi nước mắt khi thấy các em nhỏ phải học thêm quá nhiều. Ảnh: BTC. |
Đồng quan điểm, bà Thủy cảm thấy thương khi nhiều học sinh hiện nay có đủ thứ nhưng xét cho cùng, các em chia sẻ mình chẳng có gì, chỉ có những thứ người khác muốn các em có thay vì điều bản thân thực sự thích.
Nhiều bố mẹ đặt ra cho con cái kỳ vọng từ điểm số, hoạt động ngoại khóa, làm sao phải vào được lớp này trường kia. Họ chạy đua cố gắng tạo ra một đứa trẻ phải hoàn chỉnh, có tất cả yếu tố các bậc cha mẹ muốn.
“Song là người lớn, chúng ta cũng biết, không có sự thành công của ai giống ai 100% cả. Đường đến thành công của mỗi người khác nhau. Vậy lý do gì ta phải bắt con mình có con đường đi giống hệt của một đứa trẻ khác?”.
Bà Thủy cũng dẫn một thống kê rằng ở Việt Nam hiện nay 50% học sinh có dấu hiệu hoặc gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trước đây, bà cũng từng cho rằng thế hệ bây giờ “sướng” như vậy thì có gì để tới mức trầm cảm, đâu đói khổ, vất vả như thế hệ trước. Nhưng đến khi làm giáo dục, bà mới nhận ra điều ngược lại.
“Khi nói chuyện với nhiều em học sinh có vấn đề sức khỏe, các em nói mình cô đơn lắm, không biết cuộc đời có ý nghĩa như thế nào; rằng em không thể nói chuyện với bố mẹ dù hàng ngày vẫn nhắn tin, gọi điện, nhưng đó chỉ như nghĩa vụ báo thông tin”, bà Thủy nói.
Hãy nói chuyện với con
Theo TS Hiếu, trong thời đại ngày nay, việc cả cha và mẹ cùng đi làm kiếm tiền khiến thời gian nhiều người dành cho con không là bao. Cũng vì ít thời gian bên con, họ bất an, không biết chuyện học hành của con ra sao nên quyết định gửi đến trung tâm dạy thêm, nhiều cuộc nói chuyện ở nhà cũng chỉ xoay quanh chuyện thành tích, học hành ra sao.
Đúng vào thời điểm tâm sinh lý có nhiều thay đổi, nhiều em không có thời gian trò chuyện với cha mẹ dần trở nên xa cách, tự tạo thế giới riêng và không muốn tìm đến cha mẹ để chia sẻ những tâm tư thầm kín nữa.
Theo chuyên gia, con trẻ cần được cha mẹ chia sẻ nhiều hơn. Ảnh minh họa: Pixabay/Pexels. |
Theo vị chuyên gia giáo dục, cha mẹ và cả giáo viên nên dành thời gian kể chuyện, nói với con về những câu chuyện của chính gia đình, thời ông bà, bố mẹ để con học được cách nhìn về cuộc sống. Những câu chuyện nhỏ được bồi đắp theo thời gian đó đôi khi còn giá trị hơn những điểm số cao ở trường, giúp tạo ra một con người có chiều sâu, tự đưa ra những quyết định cho bản thân.
Bà Thủy cũng đồng tình rằng các gia đình nên dành ít nhất thời gian ăn tối với nhau, 1-2 tiếng không dùng điện thoại, ipad để thực sự trò chuyện, đây là điều nhiều em đang rất thiếu. Những cuộc trò chuyện có thể dẫn đến sau này khi gặp khó khăn, các con sẽ nhớ và muốn tìm đến ba mẹ bày tỏ. Ở độ tuổi chưa trưởng thành, việc không tìm được nơi sẻ chia tâm tư là rất nguy hiểm.
Tầm quan trọng của sự lắng nghe
Chia sẻ về vai trò của một người thầy, người đồng hành trong cuộc đời học sinh, bà Thủy dẫn kết quả một khảo sát tại Mỹ, thực hiện trên 200 người thành công trong nhiều lĩnh vực từ kinh doanh, giải trí. Với câu hỏi: “Điều gì quan trọng nhất dẫn đến thành công của bạn?”, 70% người được hỏi đều cho biết họ đã gặp được một người thầy, người bạn hay người có thể đưa ra những lời khuyên tốt, chín chắn trong thời gian họ học cấp 3, đại học.
“Chúng ta cố gắng cho con đạt điểm cao, vào được trường này trường kia, nghĩ rằng đó là cái tốt nhưng thực ra tôi nghĩ điều quan trọng nhất với một sinh viên trong 4 năm đại học là làm sao cho các em tìm được một người thầy có thể lắng nghe, trao đổi, tư vấn đưa ra ý kiến cho các em, cho các em lời khuyên để bước tiếp quãng đường sau này”, bà nhận xét.
Trẻ cần có một người thầy, người hướng dẫn và đồng hành phù hợp. Ảnh minh họa: People Visual. |
Về phía cha mẹ, ông Hiếu cũng cho rằng phụ huynh đừng nghĩ rằng mình đã hiểu trẻ con bởi cuộc sống và hoàn cảnh hiện giờ của các con rất khác so với người lớn ngày trước. Vì không hiểu, người lớn cần lắng nghe để biết, để kìm lại những cơn nóng giận, kỳ vọng. Dần dần có được niềm tin của các con, lúc đó ta mới chia sẻ ý kiến, góp ý cho con.
Dù vậy, trên hành trình cùng con tìm ra hướng đi, giá trị của bản thân, chính cha mẹ cũng cần trước hết tự vượt qua được chính bản thân, đứng vững trước những làn sóng, xu hướng xung quanh để kiên định với con đường mình cho là đúng.
Ông Hiếu kết luận rằng điều quan trọng là phải nương, nhìn theo cách một đứa trẻ phát triển để tìm hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, sẽ có những điểm chung nhất định đó là xây dựng cho con ý thức tự giác, tự chịu trách nhiệm, hai là phải có niềm tin, rằng cứ nỗ lực thì sẽ có tiến bộ. Cuối cùng, cốt lõi nhất là để con được yêu thương một ai đó, một điều gì đó, bởi yêu thương là nền tảng của hạnh phúc.
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.