“Mẹ vừa gửi mấy món ăn kèm con thích. Những món lần trước mẹ gửi ăn chưa hết thì vứt đi nhé, đừng giữ trong tủ lạnh”.
Vừa tan làm, Kim, nhà văn đang sống tại Seoul (Hàn Quốc), nhận được tin nhắn từ mẹ. Từ tháng 5/2019 đến nay, cô đã nhận được 39 tin nhắn có nội dung tương tự. Điều này có nghĩa là trong suốt 2 năm qua, cứ 20 ngày, cô lại nhận được một bưu kiện từ gia đình ở quê.
Những chiếc thùng xốp lớn đựng đầy cá nướng, bào ngư hầm, gà hấp, canh rong biển, bạch tuộc, hành, tỏi nhà tự trồng, kim chi và hàng chục món ăn kèm khác. Tất cả đã được chế biến sẵn, đóng gói kỹ và gửi đến tận nhà Kim.
Cứ khoảng 20 ngày, Kim lại nhận được một thùng đồ ăn từ bố mẹ ở quê gửi lên. Ảnh: Brunch. |
Dù hiểu được tấm lòng của cha mẹ, Kim hoàn toàn không muốn nhận thực phẩm tiếp tế như thế này.
“Mẹ tôi luôn nói rằng chẳng có gì to tát, nhưng tôi biết chuẩn bị những thứ này rất vất vả. Tôi đã từ chối nhiều lần song mỗi lần như vậy, mẹ lại nói đợt tới chỉ gửi một ít kim chi. Thế nhưng, lần sau thùng đồ vẫn rất đầy và nặng”, người phụ nữ U40 viết trên Brunch.
Giống bố mẹ Kim, nhiều phụ huynh châu Á vẫn thường chuẩn bị thực phẩm gửi cho con cái đi làm, đi học ở xa. Trong đại dịch, dù giao thông trở ngại, thói quen này vẫn được duy trì như một cách thể hiện sự quan tâm, yêu thương. Tuy nhiên, không phải người trưởng thành nào cũng mong muốn nhận sự chu cấp như vậy.
15 năm gửi đồ ăn cho con sống ở thành phố
Bố mẹ Kim bắt đầu gửi đồ ăn kèm cho cô từ năm 2006, khi Kim vẫn còn là sinh viên năm nhất đại học, lần đầu sống xa nhà.
Sau khi cô đi làm, lấy chồng rồi sinh con, gia đình ở quê còn gửi thêm đồ đông lạnh, thức ăn nấu sẵn và những loại nông sản thu hoạch theo mùa như gạo, ớt bột, hành, tỏi, mè, đậu xanh…
“Họ sợ tôi bỏ bữa, sợ tôi vất vả khi vừa phải đi làm, vừa phải lo chuyện bếp núc. Các ông bố bà mẹ ở vùng nông thôn còn sợ con cháu ở thành phố không mua được thực phẩm sạch, không tự làm được kim chi”.
Mỗi lần nhận được thức ăn bố mẹ gửi, Kim vừa cảm thấy biết ơn nhưng cũng đồng thời chán ghét bản thân.
“Gần 40 tuổi, đã lập gia đình và có con, tôi vẫn không thể hoàn toàn tự lập, trông chờ vào bữa ăn của mẹ. Nhiều bữa bày toàn thức ăn của mẹ ra bàn, tôi nhìn con gái nhỏ và tự hỏi liệu rằng sau này mình có thể làm điều tương tự cho con không. Tôi cũng không chắc”.
Không chỉ gửi đồ ăn kèm, bố mẹ Kim còn gửi đồ đông lạnh, thức ăn nấu sẵn cho con gái. Ảnh: Brunch. |
Ở Hàn Quốc, việc con cái trưởng thành, ra ở riêng nhưng vẫn phụ thuộc miếng ăn vào bố mẹ không phải chuyện lạ. Những bậc phụ huynh sống ở nông thôn thường chuẩn bị rất nhiều banchan (món ăn kèm trong tiếng Hàn bao gồm cả kim chi) để gửi lên thành phố cho con cháu đi làm, đi học xa.
“Có một món ăn gọi là “kim chi của mẹ”. Nó được những bà mẹ Hàn Quốc chế biến theo công thức riêng, rất khác với kim chi thương mại. Khi bạn nếm món kim chi của một gia đình, bạn sẽ biết họ đến từ vùng quê nào”, đầu bếp Chung Jae Lee giải thích lý do người Hàn Quốc thường nhận kim chi từ bố mẹ thay vì mua ở bên ngoài.
Tuy vậy, giống như Kim, không phải đứa con nào cũng hào hứng khi nhận được thực phẩm tiếp tế. Nhiều người áy náy, thậm chí cảm thấy phiền phức nhưng không nỡ từ chối vì sợ bố mẹ buồn lòng.
“Sau nhiều năm, tôi nhận ra rằng thay vì chỉ nói cảm ơn hay cố gắng từ chối, tôi chỉ cần ăn ngon miệng, ăn hết thức ăn mẹ gửi. Tôi cũng không quên chụp ảnh bàn ăn sạch bóng và gửi cho bà, người vẫn chỉ lo lắng đứa con gái gần 40 tuổi sẽ bỏ bữa”, Kim nói.
Những thùng quà quê vượt hàng nghìn km
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 bắt đầu từ ngày 12/2 vốn là đợt di dân hàng năm lớn nhất thế giới. Hàng trăm triệu người lao động ở Trung Quốc sẽ về quê nhà đón Tết. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch Covid-19 khi di chuyển đã giữ chân nhiều người ở lại thành phố vào năm nay.
Trung Quốc khuyến cáo người dân không nên đi lại vào kỳ nghỉ lớn nhất trong năm, sau các đợt bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Bộ Giao thông Vận tải ước tính các chuyến đi của người dân sẽ giảm 40% trong suốt 40 ngày nghỉ lễ so với mức trước đại dịch năm 2019.
Không về quê đón Tết với gia đình ở Trùng Khánh, Wang Hui, sống ở Bắc Kinh, vẫn nhận được gói thịt bò khô nhà làm cùng món đậu phụ cay và thịt xông khói đặc sản được mẹ anh gửi đến.
“Trong mắt bố mẹ ở quê, tôi luôn thiếu thức ăn. Dịp nghỉ Tết năm nay là một khoảng thời gian đặc biệt mà họ muốn chắc chắn là tôi được ăn món yêu thích. Đó là thức ăn của quê nhà”, Wang (27 tuổi), nhân viên tại một hãng Internet, nói.
Nhiều người trẻ Trung Quốc không thể về quê đón Tết trong mùa dịch được bố mẹ gửi hàng chục kg thực phẩm, đặc sản. Ảnh: China Daily. |
“Không về nhà dịp Tết, bố mẹ tôi gửi các món đặc sản của quê nhà” đã trở thành một chủ đề thịnh hành trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Bắc Kinh trở thành điểm đến hàng đầu của những thùng hàng đông lạnh gửi từ các vùng quê cách xa cả nghìn km.
Theo JD.com, những món đặc sản này rất phong phú từ tinh bột củ sen Tây Hồ ở thành phố Hàng Châu, lạp xưởng đỏ hun khói của Cáp Nhĩ Tân đến các nguyên liệu nấu lẩu của Tứ Xuyên và bò viên thủ công từ Quảng Đông. “Rõ ràng các thành viên gia đình ở xa cũng muốn con cháu ở thành phố lớn biết rằng bố mẹ đang nghĩ về họ”, trang web của JD.com viết.
Tại thành phố Trường Sa (tỉnh Hồ Nam), một người dùng mạng xã hội đã chia sẻ hình ảnh món bánh nướng Daoxiangcun do người nhà gửi. Người này viết: “Mẹ tôi vẫn vui vẻ dù tôi không về nhà. Bà nói rằng xa cách càng khiến mọi người trân quý nhau hơn”.
Xu hướng gửi thực phẩm cho nhau của các gia đình không được đoàn viên thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nền kinh tế Trung Quốc. CCTV đưa tin các trang web thương mại điện tử đã thu lợi nhuận khổng lồ khi doanh thu từ thực phẩm tăng đến 40% trong dịp lễ hội mua sắm từ 20/1-3/2, so với cùng kỳ năm ngoái.
Các trang thương mại điện tử và bán lẻ như JD.com, Pinduoduo và JD Daojia cho biết số lượng đơn đặt hàng thực phẩm và đồ uống đã tăng vọt trước kỳ nghỉ lễ.
Bà Imogen Page-Jarrett, nhà phân tích của Economist Intelligence Unit, nói: “Sau một năm khó khăn do đại dịch, mọi người sẽ sẵn sàng vung tiền mua đồ ăn như một phần thưởng. Người tiêu dùng sẽ thấy việc gửi quà, trong đó có thực phẩm, cho người thân của họ là điều cần thiết”.