Nghe tin TP.HCM nhiều khả năng sẽ áp dụng Chỉ thị 16 trong vòng nửa tháng để dập dịch, anh Tạ Quốc Huy (34 tuổi) ngay lập tức gọi điện về quê nhờ người thân tiếp tế thực phẩm.
“Trong những ngày giãn cách, tôi lo sẽ khó ra đường để mua thực phẩm, nguồn hàng cũng hạn chế. Sau mấy đợt dịch, vợ chồng tôi cũng rất sợ phải chen chúc, chờ hàng giờ để tính tiền trong siêu thị trước ngày phong tỏa”.
Nhận tin báo của con trai, bố mẹ anh Huy ở Đắk Lắk nhanh chóng cấp đông 5 con gà, 5 kg thịt heo, 4 kg thịt bò, 2 kg chả bò, tìm mua thêm hàng chục kg rau củ tươi để gửi xe vào TP.HCM. Tất cả thực phẩm được đóng chật cứng trong 2 thùng xốp lớn.
“Bình thường, bố mẹ cũng thường xuyên gửi đồ ăn cho con cháu. Thứ nhất, ông bà sợ chúng tôi bận rộn công việc rồi không quan tâm ăn uống. Thứ hai là sợ thực phẩm ở thành phố không đảm bảo như đồ tự trồng, nhà làm ở quê. Thế nhưng, trong đợt dịch này, bố mẹ tôi gửi phải gấp 2-3 lần bình thường”.
Hàng dài người dân đứng chờ nhận đồ gửi từ quê lên tại bến xe ở quận Bình Thạnh vào trưa 8/7. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tuy nhiên, anh Huy không ngờ việc nhận hàng tiếp tế trước những ngày giãn cách lại quá khó khăn. Sáng 8/7, một ngày trước khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, anh được nhà xe gọi thông báo đến nhận hàng từ quê gửi.
Đến bãi xe ở quận Bình Thạnh lúc 7h nhưng phải đến 15h anh mới nhận được đồ. Không chỉ anh Huy, hàng chục người khác cũng phải chờ 7-8 tiếng mới lấy được hàng. Nguyên nhân là số lượng người tụ tập quá đông, lực lượng chức năng đã tổ chức phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 những người bên trong bãi xe.
“Thấy cảnh tụ tập, náo loạn lúc đó, tôi đã tính đi về nhưng nghĩ đến công sức bố mẹ làm thức ăn, tỉ mỉ đóng thùng rồi gửi cho con cháu, tôi cũng không đành lòng nên vẫn phải nán lại chờ, cố gắng giữ khoảng cách với người xung quanh”, anh Huy kể.
Những thùng hàng tiếp tế từ quê nhà
Từ ngày 9/7, TP.HCM thực hiện phong tỏa toàn thành phố theo Chỉ thị 16 nhằm ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh. Dù các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu vẫn hoạt động, nhiều người lo lắng chuẩn bị thực phẩm bởi các quán ăn không còn được bán mang về.
Những gia đình có con, cháu đang sinh sống, làm việc trong vùng dịch cũng chuẩn bị lượng lớn thực phẩm để gửi tới TP.HCM. Nhiều người cảm thấy may mắn khi có sự hỗ trợ kịp thời từ người thân, giảm bớt khó khăn trong vấn đề mua sắm đồ ăn.
Một ngày trước khi TP.HCM chính thức áp dụng lệnh phong tỏa, gia đình Nguyễn Ngân (quê An Giang, hiện sinh sống tại huyện Nhà Bè) đã kịp gửi cho cô nhiều thực phẩm gồm các loại rau củ tươi, dầu ăn và một số gia vị.
Những thùng đồ ăn được người thân ở quê gửi cho con, cháu đang sống tại TP.HCM trước giờ phong tỏa thành phố. Ảnh: Nguyệt Phạm, Hoài Thương. |
“Mình cảm thấy hạnh phúc khi ba mẹ gửi nhiều thức ăn từ nhà lên, dù thời điểm này việc vận chuyển khó khăn hơn. Thời gian trước, mẹ có bảo mình về quê tránh dịch nhưng một phần vì công việc, phần nữa do sợ dịch bệnh lây lan nên mình ở lại. Ban đầu mẹ cũng giận, còn nói ‘Không chịu về thì ở trên đó nhịn đói thôi’, nhưng hôm sau đã vội gửi đồ cho con gái rồi”.
“May mắn mình nhận được đồ trước ngày phong tỏa, vì bây giờ cần hạn chế đi ra ngoài, nghiêm túc chấp hành quy định phòng dịch. Mong rằng mọi thứ được kiểm soát, cuộc sống sớm trở lại bình thường”, Ngân nói thêm.
Cách đây ít ngày, khi nghe tin TP.HCM chuẩn bị thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, ba mẹ của Trần Hải (sống tại TP Thủ Đức) đã nhanh chóng gửi nhu yếu phẩm từ Long Hải (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lên cho gia đình anh.
Ba mẹ Trần Hải gửi nhiều đồ ăn lên cho cháu. Ảnh: Trần Hải. |
“Nghe tin giãn cách nên ba mẹ cũng gửi nhiều đồ hơn bình thường, gồm hải sản, thịt heo và các loại rau, củ, quả. Ông bà chủ yếu gửi đồ lên cho cháu gái, vợ chồng mình chỉ là được hưởng ‘ké’ thôi. Nhờ có đồ quê gửi lên nên mình cũng đỡ đi ra ngoài mua sắm”.
Chiều 8/7, thấy nhiều người đổ ra đường để mua sắm nhu yếu phẩm tích trữ cho những ngày nghỉ dịch, anh Hải khá lo lắng.
Nhờ có thực phẩm ba mẹ gửi lên, anh dự tính khoảng một tuần nữa mới phải xuống siêu thị dưới khu nhà để mua thêm đồ ăn.
Suốt hơn một tháng nay, từ khi dịch bùng phát mạnh, vợ chồng anh Hải đều nghỉ ở nhà.
“Lần đầu tiên mình chứng kiến thành phố trầm lặng đến thế. Ở nhà lâu chắc chắn không tránh được cảm giác nhàm chán, nên mình đã mua nhiều đồ chơi để về chơi với con gái cho bớt buồn. Chỉ biết chúc mọi người sức khỏe thật tốt để vượt qua dịch bệnh”.
Không muốn tăng gánh nặng cho lực lượng chống dịch
Dù gặp hạn chế về sinh hoạt và mua sắm nhu yếu phẩm trong thời gian phong tỏa, nhiều người đang sống tại TP.HCM không muốn người nhà gửi đồ tiếp tế, sợ tăng gánh nặng cho lực lượng chống dịch trong việc kiểm soát hàng hóa. Đồng thời, phải di chuyển ra các bãi xe lấy đồ cũng tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Sau khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, ngày nào bà Thanh (56 tuổi, quê Quảng Trị) cũng gọi điện hỏi con gái, chị Vân Ly đang sinh sống ở quận 10, về việc tiếp tế lương thực, thực phẩm.
“Tôi xem hình trên mạng thấy chợ đóng cửa, siêu thị thì khan hiếm hàng tươi sống. Nhiều người đợi hàng giờ trong siêu thị vẫn chưa mua được thịt. Thấy vậy, tôi lo lắm. Lo con gái không có đủ thức ăn trong thời gian giãn cách”, bà Thanh nói.
Nhiều người không muốn gia đình ở quê gửi đồ ăn tiếp tế trong thời điểm này vị sợ dịch bệnh lây lan. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thế nhưng, chị Ly luôn nói với mẹ không cần phải gửi gì vì bản thân vẫn tự lo được. “Chợ và một số siêu thị đóng cửa nhưng mình vẫn mua được đồ online. Thịt cá thì mua ở các cửa hàng chuyên cung ứng thực phẩm tươi sống từ quê vào. Rau củ quả thì đặt trên app, còn được nhiều bạn bè, đồng nghiệp ở miền Tây gửi cho nữa. Tôi không muốn vô tình tăng gánh nặng cho lực lượng chống dịch lúc này”.
Ngoài ra, theo chị Ly, việc gửi và nhận thực phẩm đông lạnh trong giai đoạn giãn cách này cũng không thực sự an toàn, nhất là khi có nhiều người tập trung về các bãi xe để nhận đồ tiếp tế từ quê.
“Nghe con nói, tôi cũng yên tâm phần nào. Nếu không thiếu đồ ăn thức uống, tôi cũng không muốn con ra đường vào thời điểm này”, bà Thanh cho biết.