Chăm sóc trẻ sinh non đòi hỏi tình thương, sự kiên trì của cha mẹ và nhân viên y tế. Ảnh: Bệnh viện Từ Dũ. |
Đầu tháng 12, chị H.T.O. nhận tin con gái 8 tháng tuổi phải chịu cảnh mù lòa suốt đời khi đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM.
Bé sinh non khi 29 tuần, cân nặng 1,2 kg và được chăm sóc tại bệnh viện sản. Sau khi xuất viện, chị O. tiếp tục đưa con đến bệnh viện nhi để tầm soát mắt 2 tuần/lần theo lời dặn của bác sĩ.
Thấy kết quả của bé bình thường, cùng với nỗi lo lây nhiễm chéo ở bệnh viện, chị O. gác lịch tái khám soi đáy mắt của trẻ khoảng 2 tháng. Đến khi quay lại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bé bị bong võng mạc, tăng sinh mạch máu võng mạc… không thể phục hồi.
Một bệnh nhi khác tại Bến Tre sinh non 28 tuần, cân nặng 1,8 kg cũng được theo dõi mắt tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Sau thời gian bỏ tái khám, trẻ bị bong võng mạc ở cả 2 mắt.
Các bác sĩ cho biết bệnh võng mạc trẻ sinh non là sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc, xảy ra ở trẻ sinh non, nhẹ cân và thường ở hai mắt. Nếu bệnh nhẹ, trẻ chỉ cần theo dõi sẽ tự thoái triển. Trường hợp bệnh nặng, tiến triển nhanh đòi hỏi phải can thiệp kịp thời, tránh biến chứng gây bong võng mạc.
Ngoài ra, trẻ cần phải theo dõi lâu dài sau điều trị (3 tháng, 6 tháng và hàng năm) để phát hiện các biến chứng muộn như: Tật khúc xạ, nhược thị, lé, tăng nhãn áp, bong võng mạc…
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thành Danh, Trưởng đơn vị Mắt, Bệnh viện Nhi đồng 2, bong võng mạc trẻ sinh non rất nguy hiểm, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào gây giảm thị lực và mù lòa nếu không điều trị kịp thời.
Bác sĩ Danh lý giải ở trẻ sinh non, các mạch máu nuôi mắt có thể gián đoạn hoặc ngừng phát triển, chưa tiếp cận được võng mạc, mạch máu mỏng manh dễ vỡ, gây xuất huyết võng mạc. Các mạch máu bị vỡ còn hình thành mô sẹo, khi co lại sẽ kéo võng mạc rời khỏi phần sau của mắt dẫn đến nhãn cầu bị thiếu máu nuôi. Từ đó, gây bong võng mạc.
Trong nhiều trường hợp, bệnh diễn tiến rất nhanh, cha mẹ cần kiên trì đưa trẻ đến bệnh tầm soát mắt cho đến khi mạch máu nuôi võng mạc trưởng thành hoàn toàn (trung bình từ 40-42 tuần) hoặc đến khi được điều trị dứt điểm.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, giai đoạn sau Covid-19 có khoảng 20% trẻ sinh non bỏ ngang tầm soát mắt, đã có trẻ bị mù vĩnh viễn do cha mẹ đưa đến quá muộn.
Một số phụ huynh chia sẻ với bác sĩ, do gia đình ở xa, tần suất tái khám từ 1-2 tuần/lần nên gặp nhiều bất tiện. Ngoài ra, cha mẹ cũng lo ngại trẻ sinh non yếu ớt, dễ lây bệnh khác trong viện nên chần chừ tái khám mắt.
“Mặc dù thông cảm với phụ huynh nhưng tầm soát mắt rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả tương lai của trẻ. Hiện nay, ít địa phương triển khai khám bong võng mạc cho trẻ nên cha mẹ cần cố gắng thu xếp công việc, duy trì việc thăm khám cho con”, bác sĩ Danh nói.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.