Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Chăm chỉ một cách độc hại

Nhận thêm công việc, tăng ca đều đặn hay bồn chồn khi rảnh rỗi là một số dấu hiệu đáng ngờ cho thấy bạn đang làm việc quá mức và thiếu lành mạnh.

Công việc luôn tay không phải lúc nào cũng là một biểu hiện tích cực: Ảnh: Karolina Grabowska/Pexels.

Hoàn thành các đầu việc khác nhau thường đem lại cảm giác thỏa mãn, đặc biệt khi bạn đang muốn đánh lạc hướng bản thân khỏi những suy nghĩ tiêu cực như tranh cãi với gia đình hay giận dỗi người yêu.

Tuy nhiên, ưu tiên công việc đến nỗi chẳng có thời gian nghỉ ngơi hay chăm sóc bản thân lại là một đặc trưng của “toxic productivity” - năng suất độc hại.

Thực tế, toxic productivity chưa có một định nghĩa duy nhất nào. Song, nhiều chuyên gia tán thành rằng hành vi này thường đi kèm với việc một người không nhận thức được khả năng của họ cũng như cảm thấy tội lỗi khi không có việc để làm.

Điều này về lâu dài không những làm giảm năng suất làm việc mà còn ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bạn.

Dưới đây, SELF tổng hợp phân tích từ nhiều chuyên gia giúp bạn nhận biết được dấu hiệu và cách khắc phục của tình trạng “tham công tiếc việc”.

nang suat doc hai anh 1nang suat doc hai anh 2
nang suat doc hai anh 3
Theo chuyên gia, đặc điểm của người cầu toàn và người năng suất độc hại khá tương tự nhau. Ảnh: Leeloo Thefirst/Pexels.

Tác hại

Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần đôi khi nhắc về chủ nghĩa hoàn hảo (perfectionism) khi nói về năng suất độc hại vì hai điều này khá giống nhau, Tiến sĩ Thema Bryant, chủ tịch Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA) cho hay.

Chủ nghĩa hoàn hảo thường được định nghĩa là khắt khe với bản thân, không dễ hài lòng và có tiêu chuẩn quá cao, thậm chí không thực tế.

Nhiều nghiên cứu cho thấy những người được coi là cầu toàn này thường đánh giá giá trị bản thân thông qua sự năng suất và thành tích cá nhân.

Thực tế vẫn chưa có nhiều nghiên cứu chắc chắn về hậu quả của việc năng suất quá mức. Tuy nhiên, chúng ta vẫn rút được một số điều liên quan từ những tài liệu sẵn có về chủ nghĩa hoàn hảo.

Theo APA, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra theo đuổi sự hoàn hảo có thể gây hại đến sức khỏe của bạn và dẫn đến kiệt sức. Một số đặc trưng của tình trạng này là cảm giác kiệt quệ về thể chất và tinh thần, căng thẳng, thiếu động lực hay làm việc quá nhiều.

Thêm vào đó, lo âu, mất ngủ và cáu kỉnh cũng có thể xảy ra khi bạn làm việc chăm chỉ một cách không lành mạnh, Tiến sĩ Rheeda Walker, giáo sư tâm lý tại Mỹ cho hay. Những dấu hiệu tiêu cực này không dễ để phát hiện vì chúng thường phát triển chậm và ảnh hưởng một cách tinh vi đến cuộc sống hàng ngày của bạn.

Ví dụ: Bạn cho rằng bản thân thiếu ngủ vì thói quen dùng điện thoại vào buổi đêm. Tuy nhiên, việc lướt điện thoại liên tục thực chất có thể xem là một dấu hiệu cho thấy bạn đang vô thức dành thêm thời gian để thư giãn vì ban ngày đã làm việc quá nhiều.

Tiến sĩ Walker nhấn mạnh thêm rằng năng suất độc hại không phải lúc nào cũng dẫn đến tình trạng kiệt sức. Điều này đặc biệt khó xảy ra đối với những ai đã sớm nhận thức được và muốn tìm cách khắc phục tình trạng chăm chỉ độc hại của bản thân.

Ngoài ra, ngay cả khi tình trạng vẫn chưa thực sự tồi tệ, những tác động trước đó như căng thẳng, lo lắng hay thấp thỏm khi rảnh rỗi dần dà vẫn có thể gây hại đến sức khỏe và các mối quan hệ của bạn.

nang suat doc hai anh 4nang suat doc hai anh 5
nang suat doc hai anh 6
Cảm giác xấu hổ hay tội lỗi khi "rảnh tay" là một dấu hiệu đặc trưng của toxic productivity. Ảnh: Andrew Neel/Pexels.

Dấu hiệu nhận biết

Không dễ để bạn nhận ra bản thân có đang năng suất một cách độc hại hay không. Việc nhận biết càng trở nên khó khăn hơn nếu trước giờ bạn vẫn luôn là một người có tiêu chuẩn cá nhân cao.

Dưới đây là một số câu hỏi đáng xem xét giúp bạn biết được liệu mình có đang rơi vào tình trạng làm việc quá mức không.

Bạn cảm thấy thế nào khi tưởng tượng cảnh bản thân thực hiện một đầu việc bất kỳ trong danh sách các công việc cần làm?

Bạn cảm thấy hào hứng hay sợ hãi? Câu trả lời sẽ cho bạn biết công việc nào đang vắt kiệt sức lực của bạn, Tiến sĩ Walker bày tỏ.

Dù không thể hoàn toàn bỏ qua một số nhiệm vụ, bạn vẫn có thể làm việc mà bảo toàn được năng lượng của bản thân. Bạn hãy hỏi xem công việc này có cần làm xong ngay lập tức không? Nếu không, bạn có thể trì hoãn đến một thời điểm khác thích hợp hơn.

Ưu tiên trả lời câu hỏi vừa đề cập giúp bạn sớm nhận biết được việc cần bàn giao hay hoàn thành trước, tránh hiện tượng ôm đồm cả những việc làm thừa thãi.

Bạn cảm thấy thế nào khi thực sự ngừng làm việc?

Bạn hãy thử để tinh thần của mình được nghỉ ngơi, có thể trong một ngày hay chỉ vài tiếng đồng hồ. Những công việc nhỏ nhặt bạn làm mỗi ngày theo thói quen như kiểm tra email hay điền lịch trình làm việc mới cũng nên được gác qua một bên vào những lúc này.

Theo Tiến sĩ Dattilo, nếu cảm thấy hổ thẹn hay tội lỗi khi nghỉ ngơi hoặc làm điều gì đó “không năng suất” như xem bộ phim yêu thích, bạn rất có thể đang rơi vào trong trạng thái làm việc hăng hái một cách độc hại.

Bạn cảm thấy thế nào ngoài giờ làm việc chính thức?

Cảm giác mãn nguyện khi làm xong việc được giao khiến việc xác định được sự năng suất của bạn có đang ở mức lành mạnh hay không trở nên khó khăn hơn. Thế nên, làm rõ tình trạng của bản thân về thể chất lẫn tinh thần khi không ở văn phòng là thiết yếu.

Tiến sĩ Walker khuyên bạn nên tự hỏi những câu như: “Bạn có hạnh phúc với thời lượng ngủ mỗi đêm không?” hay “Bạn có thỏa mãn với tình trạng thể chất hiện tại hay các mối quan hệ cá nhân không?”.

Bạn có thể trả lời theo thang đo từ 0-10 với “0” - không hạnh phúc và 10 - hạnh phúc nhất.

Nếu các câu trả lời chủ yếu dưới mức 5, khả năng cao bạn đang làm việc quá hối hả nhưng không mang lại kết quả tích cực. Theo đó, bạn nên cân nhắc loại bỏ các công việc không cần thiết để tập trung cải thiện chất lượng cuộc sống.

nang suat doc hai anh 7nang suat doc hai anh 8
nang suat doc hai anh 9
Bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý nếu năng suất độc hại bắt nguồn từ sự tự ti quá mức hay chấn thương tâm lý. Ảnh: Alex Green/Pexels.

Giải pháp

Khi rơi vào tình trạng năng suất độc hại, bạn thường gặp bối rối khi phân biệt giữa làm việc để có một cuộc sống viên mãn hay đi làm chỉ để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Lúc này, bạn cần tập trả lời một câu hỏi quan trọng là “Việc này có thật sự có ích trong tương lai không?”.

Như vậy, bạn sẽ biết được mình làm công việc này vì lợi ích lâu dài hay chỉ vì muốn chứng tỏ bản thân với người khác.

Nếu câu trả lời không xuất phát từ mong muốn nội tâm như “Tôi nên có được lương 1.000 USD/tháng” hay “25 tuổi nên mua được nhà”, đây rất có thể là một dấu hiệu đáng ngờ cho việc bạn đang bị những kỳ vọng bên ngoài ảnh hưởng, Tiến sĩ Swody nói.

Để giảm thiểu cảm giác bứt rứt khi không trong trạng thái công việc, bạn hãy tham khảo luyện tập một số bài tập thả lỏng tinh thần. Chẳng hạn, bạn có thể đi dạo mà không cầm theo điện thoại hay tắt máy tính để thưởng thức trà một cách chậm rãi.

Dần dà bạn sẽ làm quen với việc tận hưởng thực tại hơn thay vì vùi đầu vào hàng đống tài liệu hay lịch trình làm việc.

Tiếp theo, bạn cần học cách nói "không" dù với đồng nghiệp hay bạn bè. Đây không phải là điều đơn giản, tuy nhiên bạn sẽ dần thoải mái hơn khi quen với việc từ chối. Bạn hãy cố gắng thành thật nhất có thể.

Nếu không thể làm việc hay hay tăng ca, bạn nên truyền đạt với đối phương như thế, nhưng khéo léo bổ sung rằng bạn vẫn có thể giúp đỡ hay đền bù vào một dịp khác, Tiến sĩ Swody chia sẻ.

Tiến sĩ Bryant cho hay năng suất độc hại còn có thể là một thói quen ăn sâu vào tiềm thức mỗi người, nếu như nó bắt nguồn từ các vấn đề sâu xa hơn như tổn thương lòng tự trọng hoặc chấn thương tâm lý.

Trong trường hợp này, ưu tiên công việc để tránh cảm giác tổn thương về mặt cảm xúc hay tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia là những giải pháp hữu ích.

Các chuyên gia trị liệu về lo lâu hay cầu toàn quá đà có thể giúp bạn khắc phục được tình trạng năng suất không lành mạnh.

Bên cạnh đó, bạn nên thăm dò kiến thức và phương pháp chữa trị của các chuyên gia về toxic productivity trước để đảm bảo hiệu quả trị liệu ở mức cao nhất.

Vượt qua bất an khi người khác thành đạt

Theo chuyên gia, so sánh và đố kỵ là những cảm xúc tự nhiên khó tránh khỏi. Điều này không xấu khi bạn biết cách biến chúng thành động lực tích cực.

Lifestyle gửi đến độc giả gợi ý về sách hay, phong cách đọc hiện đại của giới trẻ, đặc biệt là Gen Z. Ngoài ra, những người mê đọc sách cũng có thể khám phá thêm góc nhìn của các gương mặt trẻ nổi bật về lựa chọn đọc sách.

Thiên Trang

Bạn có thể quan tâm