Vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp rối loạn chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ là một trong những triệu chứng của hậu Covid-19. Nhiều người sau khi âm tính với SARS-CoV-2 nhận thấy tình trạng bất thường ở chu kỳ kinh nguyệt.
Băn khoăn tưởng mang thai
Nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 sau khoảng một tuần điều trị Covid-19, chị P.V.H. (26 tuổi, trú tại Ba Đình, Hà Nội) dần bắt nhịp trở lại cuộc sống thường ngày của mình. Tuy nhiên, 3 tháng sau khi khỏi bệnh, chị H. bắt đầu cảm nhận được vấn đề bất thường trong cơ thể.
Mắc Covid-19 từ cuối tháng 12/2021, chị H. vẫn luôn duy trì tinh thần lạc quan cả trong quá trình điều trị và sau khi khỏi bệnh. Chị thậm chí bắt đầu tập luyện thể dục nhẹ nhàng ngay sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch.
Một bệnh nhân nữ đi khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Ảnh: Quốc Toàn. |
Tháng đầu tiên kể từ thời điểm nhận kết quả âm tính, thông qua ứng dụng theo dõi chu kỳ kinh nguyệt trên điện thoại, chị H. cho biết bản thân bị chậm kinh 4 ngày. Tuy nhiên, chị không quá lo lắng bởi từng có vài lần xuất hiện tình trạng này.
“Mỗi lần chậm kinh như vậy, tôi thường phỏng đoán do công việc quá áp lực khiến tinh thần bị ảnh hưởng hoặc chế độ ăn uống chưa tốt. Tôi cũng từng nhiều lần phải bổ sung sắt do được bác sĩ chẩn đoán thiếu máu”, chị H. chia sẻ.
Bước sang tháng 2, vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi tình trạng chậm kinh của chị H kéo dài tới 2 tuần.
Chị tâm sự: “Lần đầu tiên gặp tình huống này, thời điểm đó, tôi gần như chờ từng ngày đến chu kỳ. Sau khi chậm kinh một tuần, tôi luôn có cảm giác mệt mỏi, bí bách trong người khó tả. Cả tinh thần và thể chất đều bức bối”.
Sau khoảng thời gian băn khoăn, chị H. quyết định mua que thử thai về kiểm tra. Tuy nhiên, kết quả thử tới lần thứ 3 vẫn cho thấy chị không mang bầu.
“Từ lo lắng mang thai ngoài ý muốn đến nhẹ nhõm khi đọc kết quả một vạch và rồi tiếp tục bối rối với suy nghĩ mình mắc bệnh nguy hiểm. Tâm trạng tôi thất thường như vậy mãi cho đến ngày thứ 14. Cuối cùng chu kỳ cũng đến”, chị H. thở phào nhớ lại.
Tới tháng 3, chị H. tỏ vẻ ngạc nhiên khi chu kỳ lần này lại đến sớm hơn gần một tuần so với lịch. Lần này, chị quyết định đi khám do nghi ngờ đây là di chứng của hậu Covid-19.
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Trao đổi với Zing, tiến sĩ Nguyễn Thị Sim, Phụ trách Trung tâm Can thiệp Bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết khoảng 20-25% phụ nữ sau khi tiêm chủng vaccine và khỏi Covid-19 có rối loạn kinh nguyệt. Tiêu biểu là kinh nguyệt không đều, mất kinh hoặc chảy máu nhiều hơn bình thường.
Đối với vaccine, vị chuyên gia cho biết bản chất tiêm chủng cũng là một tác nhân đưa cơ thể vào trạng thái bị phản ứng để sinh miễn dịch.
"Các phản ứng miễn dịch đối với vaccine Covid-19 có thể tác động qua lại với các hormone thúc đẩy chu kỳ kinh nguyệt hoặc ảnh hưởng đến trung gian của tế bào miễn dịch trong niêm mạc tử cung. Từ đó dẫn đến thay đổi tạm thời trong chu kỳ kinh nguyệt", tiến sĩ Sim giải thích.
Theo bà, sự bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt của những bệnh nhân này có thể là hậu quả của sự thay đổi hormone sinh dục nhất thời, do ức chế chức năng buồng trứng nhanh chóng phục hồi.
Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đủ thuyết phục để chứng minh vaccine Covid-19 gây hại cho cơ hội mang thai trong tương lai của phụ nữ.
Với người mắc Covid-19, tác động trên cũng tương tự. Riêng nhóm phụ nữ mang thai, khoảng 25% trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 bị ảnh hưởng xấu tới sự tăng trưởng của thai nhi.
Bác sĩ Sim thăm khám cho bệnh nhân có di chứng hậu Covid-19. Ảnh: BVCC. |
Vị chuyên gia còn cho rằng tình trạng rối loạn kinh nguyệt có thể không hoàn toàn xuất phát từ cơ quan sinh dục. SARS-CoV-2 còn có khả năng gây tổn thương não. Đây là nơi điều khiển trục dưới đồi tuyến yên - bộ phận tác động trực tiếp tới chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ.
Từ những tác nhân trên, phụ nữ có thể xuất hiện triệu chứng mất kinh, vô kinh dài ngày. Nhiều trường hợp bị ức chế quá trình rụng trứng, từ đó thay vì rụng, nang trứng tiếp tục lớn dần và vỡ sau một thời gian dài, thậm chí trở thành u nang.
“Trước hết, các bệnh nhân phải được xác định có đang mang thai hay không. Nếu không có thai, các bác sĩ sẽ đánh giá tử cung 2 buồng trứng, khám phụ khoa và làm các xét nghiệm cần thiết để xác định bệnh lý”, vị chuyên gia giải thích.
Qua thăm khám, nhiều bệnh nhân có thể không cần sử dụng thuốc, chỉ phải điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt, chu kỳ kinh nguyệt có thể đều lại như trước. Tuy nhiên, một số người sau khi mắc Covid-19 sẽ xuất hiện bệnh mới hoặc đang có bệnh nền, tình hình sẽ phức tạp hơn.
“Việc khám hậu Covid-19 có thể phát hiện các khối u, viêm nhiễm, chỉ số xét nghiệm rối loạn trầm trọng, cần điều trị. Trên thực tế, gần như toàn bộ bệnh nhân gặp vấn đề này đều có thể cải thiện được tình hình khi phát hiện sớm”, bác sĩ Sim cho hay.
Từ đây, vị chuyên gia khuyến cáo mọi trường hợp có sự thay đổi kinh nguyệt kéo dài trong nhiều chu kỳ hoặc xuất huyết âm đạo mới sau khi mãn kinh nên được thăm khám và theo dõi bởi chuyên gia sản phụ khoa để tư vấn, điều trị kịp thời.