Chăm sóc xe đón tết
Với một số thao tác vệ sinh và bảo trì không quá phức tạp, chiếc xe của bạn sẽ đảm bảo vận hành ổn định trong suốt kỳ nghỉ tết sắp tới.
Sau một năm làm việc vất vả với những hành trình dài, bỏ lại sau lưng những bộn bề của công việc, đây có lẽ là khoảng thời gian thích hợp để chúng ta dành chút thời gian chăm sóc cho xế yêu của mình, để làm cho chiếc xe trở nên “long lanh” hơn và gạt bỏ những lo lắng về những trục trặc có thể gặp phải dọc đường, để chuẩn bị cho những hành trình dài như thăm quan du lịch, thăm thú bạn bè, về quê…
Đây cũng là thời điểm thích hợp để chúng ta tiến hành tổng kiểm tra đối với các hệ thống trên xe và thực hiện việc bảo dưỡng cũng như tiến hành các thay thế cần thiết.
1. Vệ sinh làm sạch khoang máy, xúc rửa két nước
Với đặc điểm khí hậu nóng ẩm mưa nhiều, đường sá nhiều bụi bẩn, sau một thời gian, khoang của động cơ bị bám bụi nhiều làm các đường ống cao su nhanh bị lão hóa, giảm khả năng thoát nhiệt của nắp capo. Bên cạnh đó, các chi tiết bằng thép dễ bị han gỉ, khi bám vào dây curoa sẽ chà sát làm mài mòn, xước puly dẫn động. Vì vậy, việc làm sạch khoang động cơ với chi phí không lớn không những khắc phục được những vấn đề ở trên mà còn làm chiếc xe có giá hơn khi muốn bán lại.
Két nước làm mát trên xe nói riêng và hệ thống làm mát nói chung cần được làm sạch để có thể làm mát tốt, bởi sau một thời gian dài làm việc, các cặn bẩn, chất hóa học sẽ lắng cặn và đóng thành lớp ngày càng dày, chủ yếu trong két làm mát và đường ống. Kết quả là lớp lắng cặn này có thể gây tắc hệ thống, khiến cho hiệu quả làm mát giảm đi đáng kể, thậm chí khiến nước làm mát bị sôi, xe chết máy... Chẳng có điều gì tồi tệ hơn là việc bạn chỉ nhận ra việc két làm mát bị tắc khi bạn đánh xe đến garage để bảo dưỡng. Thông thường, sau khoảng 45.000 - 50.000 km mới cần tiến hành xúc rửa két nước, nhưng bạn cũng không nên tiếc rẻ nếu quãng đường đi đã gần với mức trên.
2. Vệ sinh, sơn gầm xe
Với điều kiện thời tiết nóng ẩm mưa nhiều như ở Việt Nam, gầm xe là nơi “trung tâm” bùn đất bẩn bám vào. Nó không những làm giảm khả năng thoát nhiệt của phần khoang động cơ mà còn làm cho các chi tiết kim loại bị han gỉ, khiến chiếc xe xuống cấp nhanh hơn.
Bên cạnh đó, tại thị trường Việt Nam, hầu như xe khi xuất xưởng, ngoại trừ dòng xe sang trọng, đắt tiền ra thì đa phần đều chưa được phủ tôn gầm xe bằng lớp cao su non, nhất là những dòng xe có xuất xứ châu Á hoặc lắp ráp tại Việt Nam. Điều này là một trong những cơ sở để nhà sản xuất có thể giảm giá thành sản phẩm khi xuất xưởng (thông qua việc cắt bỏ một số thiết bị và công nghệ chưa thật cần thiết, trong đó có việc phủ gầm, mà vẫn đảm bảo TCVN) cho phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của đa số khách hàng tại Việt Nam, trong bối cảnh mặt bằng giá xe tại Việt Nam đang ở mức quá cao so với thế giới.
Do vậy mới xuất hiện các chất liệu phủ gầm khác nhau để thỏa mãn một bộ phận khách hàng có nhu cầu hoàn thiện gầm xe, nhằm giảm ồn, đồng thời hạn chế hiện tượng rỉ sét các thành phần bằng kim loại dưới gầm xe trong điều kiện thời tiết nhiệt đới nóng, ẩm và nhiều mưa tại nước ta. Dễ hiểu hơn thì việc phủ thêm một lớp chất liệu phủ dưới gầm xe để vừa chống rỉ sét cho lớp tôn, vừa làm hạn chế tác động của âm thanh bên ngoài xe gây khó chịu cho người trên xe.
3. Rửa xe
Trước những chuyến đi dài về quê hay đi chơi thì việc làm cho chiếc xe trở nên “lung linh” hơn có lẽ cũng là việc nên làm. Nhìn chung, rất ít người phải tự rửa chiếc xe máy của mình, nói gì đến ô tô, tuy nhiên khi rửa xe ở bên ngoài chúng ta cũng cần phải biết và lưu ý một vài vấn đề.
Việc rửa xe có thể được thực hiện theo 2 cách: ở các cơ sở hiện đại rửa bằng máy (xe được đưa qua dây chuyền rửa bằng các chổi quay và phun nước làm sạch rồi thổi khô) hoặc do người trực tiếp rửa bằng vòi phun nước áp suất cao và làm sạch. Phương pháp thủ công thứ 2 bảo đảm chất lượng rửa tốt hơn. Những chiếc xe đắt tiền nên rửa theo cách này để giữ gìn vẻ ngoài của xe, ngoài ra cũng không nên để dùng nước có áp suất quá cao vì có thể làm sạch nhanh nhưng cũng làm màu sơn phai nhanh hơn.
Xe phải được rửa dần từ phía trên xuống dưới. Trước tiên là nóc xe, các kính chắn gió và kính sau, kính cửa, nắp capô, cửa xe, chắn trước, sau và bánh xe, gầm xe. Phun nước và rửa theo trình tự như vậy mới loại được hết những hạt cát nhỏ trên vỏ xe, khi lau cọ vỏ xe mới không gây xước sơn. Đây là quy trình mà các nhân viên rửa xe phải được hướng dẫn và thực hiện. Nếu thấy chiếc xe của mình được rửa không theo trình tự như trên thì tốt nhất lần sau không nên đưa xe đến nơi đó nữa.
4. Dọn và làm sạch nội thất
Việc đầu tiên sẽ tiến hành tháo các bộ phận thảm, nẹp sàn và hút bụi toàn bộ phần nội thất. Lần lượt từ khoang trước, khoang sau và khoang hành lý. Trong quá trình dọn, các đồ đạc ở khoang hành lý như lốp dự phòng, đồ nghề sửa chữa, vật dụng, đồ cá nhân... cũng sẽ được cho ra ngoài. Chính vì vậy, các chủ xe cẩn thận nên để lại những đồ đạc cá nhân ở nhà hoặc cho vào một hộp đựng riêng, tránh trường hợp nhầm lẫn. Toàn bộ phần nội thất sẽ được hút bụi, cặn, lau chùi, bảo dưỡng, rồi sử dụng các hóa chất chuyên dụng để làm sạch. Hiện nay, loại hóa chất Sonax dùng đánh bóng nội thất xe đang được nhiều người ưa chuộng, bởi tẩy được những chỗ cáu bẩn, bám mùi nhưng vẫn đảm bảo các chi tiết da không bị trầy tróc, sờn, nhưng với một loại hóa chất không đúng quy cách sẽ làm chất liệu da khô, mất độ bóng và dẫn tới bong tróc...
Các công việc bảo dưỡng nội thất được chia theo trình tự từ trần xe, taplo, ghế, cửa lái khoang trước, khoang sau và sàn xe. Phần taplo như là bộ mặt bên trong xe và đây là nơi tốn nhiều thời gian làm đẹp nhất, do có nhiều góc cạnh, các nút, phím điều khiển, các hốc, khe nhỏ... Để tránh làm trầy xước đến các bộ phận của taplo, nhân viên bảo dưỡng sẽ sử dụng các vật liệu mềm như khăn, mút và hóa chất chuyên dụng, lau chùi nhẹ nhàng. Tiếp đến là phần ghế ngồi, những loại ghế da trong quá trình sử dụng thường xuất hiện những mảng bám sẫm màu trên bề mặt và mắt thường khó phát hiện. Đây chính là nơi sinh ra những mùi hôi khó chịu trên xe. Ghế da trên các dòng xe cao cấp thường được tráng một lớp cao su rất mỏng nhằm tăng khả năng cách nhiệt, nên việc dọn dẹp phải đảm bảo không làm bong lớp cao su này.
5. Nắn lại chỗ móp, sơn vết xước
Với tình trạng đường sá chật hẹp và dân cư đông đúc, đặc biệt là ở các thành phố lớn, thì việc xe bị những vết xước, móp méo nhỏ do vô tình va quệt là điều khó tránh khỏi. Có thể khắc phục vết móp bằng cách sử dụng đá khô để chườm hoặc dùng khí ga kết hợp với đá khô dựa trên nguyên lý giãn nở của kim loại khi nhiệt độ thay đổi. Tuy nhiên, cách khắc phục này chỉ có thể áp dụng được trên các bề mặt phẳng và phụ thuộc vào hình dạng của vết móp.
Hầu hết những vết xước xuất hiện trên bề mặt của thùng xe đều không giống nhau, có thể là những vết dài vết ngắn bắt chéo nhau, do những va chạm bất ngờ từ những vật xung quanh, bạn có thể dễ dàng thấy chúng khi lớp sơn trên bề mặt xe bị bong tróc và xuất hiện những đường trắng kéo dài tương phản với màu sơn. Bạn có thể tự khắc phục bằng cách sử dụng giấy ráp kết hợp với xi đánh giày hoặc sơn bóng…để che các vết này. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phù hợp với những vết xước rất nhỏ và ở vị trí khó quan sát.
Nếu là người cầu toàn và mong muốn sự hoàn hảo, bạn nên tham khảo các garage sửa chữa uy tín để tân trang lại.
6. Đánh bóng thân xe
Về cơ bản, phần khung thép sau khi được tẩy dầu mỡ và bẩn sẽ được phủ một lớp phosphate, sau đó là đến lớp sơn tĩnh điện và đưa vào lò sấy, sau đó được xử lý bụi, các lỗi bề mặt và đưa đi sơn lớp sơn lót, sơn mầu và lớp sơn bóng (sơn clear). Chỉ các vết xước nông trên bề mặt mới có thể dùng máy đánh bóng và bột đánh bóng làm sạch. Nếu vết xước sâu hơn một chút nhưng vẫn nằm trên lớp clear thì mới dùng đến giấy ráp (từ 1500 trở lên) để mài và đánh bóng lại bằng bột đánh bóng.
Quy trình đánh bóng là dùng xi đánh bóng và áp lực máy đánh bóng cùng với độ ma sát của bánh lông cừu để xóa xước và tạo lại độ bóng cho lớp sơn bóng ngoài cùng này. Chúng ta có thể nhìn thấy lớp sơn bóng và màu sắc tươi mới hơn. Khi lớp ngoài cùng bị mờ, độ phản xạ màu sơn bên trong sẽ yếu hơn, làm chúng ta thấy màu sắc mờ hơn.
Nguyên nhân làm mờ lớp sơn bóng dễ thấy nhất là do chúng ta rửa xe. Thực tế, chỉ một số trung tâm rửa xe dùng xà phòng chuyên dụng, còn lại vẫn là dùng xà phòng tự pha chế (mua hóa chất chợ, chủ yếu thành phần là xút, thành phần chủ yếu gây mờ lớp sơn bóng nhanh nhất) và mua dạng pha sẵn (giống nhu nước rửa chén - thành phần chủ yếu cũng gồm xút và phosphate), lớp phosphate này khi rửa xong vẫn tồn tại trên bề mặt sơn, bắt nắng và biến thành màu đen, làm cho lớp sơn sậm màu hơn và mất đi độ bóng.
Để tránh hiện tượng này, chúng ta phải lưu ý những nơi dùng xà phòng tự pha, xà phòng giặt đồ hay dạng dung dịch rửa chén. Song song đó, chúng ta dành chút ít thời gian chăm sóc bằng cách dùng các loại Wax có chất bảo dưỡng sơn (Carnauba). Hiện tại trên thị trường có nhiều loại, nhưng tin cậy nhất vẫn là 3M, Sonax...
7. Thực hiện bảo dưỡng định kỳ
Có thể xe của bạn chưa đến lịch bảo dưỡng định kỳ, nhưng vì khoảng thời gian này bạn được nghỉ lâu hơn, và xe của bạn có thể phải sử dụng nhiều hơn so với bình thường, nên nếu không cách quá xa với lịch bảo dưỡng, bạn cũng nên tiến hành bảo dưỡng toàn bộ cho xe.
Các công việc cần lưu ý tiến hành kiểm tra:
- Kiểm tra hệ thống phanh.
- Kiểm tra dầu máy, dầu cầu, dầu số.
- Bổ sung dầu phanh, dầu ly hợp (dầu côn).
- Bổ sung nước rửa kính.
- Kiểm tra và bổ sung nước làm mát nếu không xúc rửa két nước.
Theo Autonet