Gần đây, ước mơ của chị về một tuần lễ thời trang quốc tế tại Việt Nam đã thành hiện thực.
- Từ khi nào chị có ý tưởng tổ chức một tuần lễ thời trang mang tính quốc tế tại Việt Nam?
- Từ hai năm nay, tôi đã có ước mơ làm một tuần lễ thời trang quốc tế ở Việt Nam. Khi tôi đưa người mẫu đi nước ngoài để trình diễn, tôi xem trang Fashion Calender, nơi mà tất cả các tuần lễ thời trang quốc tế đều có trên đó.
Tôi lên đó để tìm cơ hội cho người mẫu Việt Nam đi diễn, lúc đó trong đầu tôi nghĩ không biết bao giờ Việt Nam mới có tên trên chỗ này. Đó là bản đồ thời trang thế giới. Campuchia có tuần lễ thời trang quốc tế từ lâu rồi. Lúc đó tôi cảm thấy rất tủi thân lắm.
Khi tổ chức chương trình Vietnam’s Next Top Model, Project Runway Vietnam, tôi đưa thí sinh, người mẫu đi trình diễn ở nước ngoài. Bây giờ tôi không hề cảm thấy rằng uổng phí khi đưa nhiều thí sinh của chương trình đi trình diễn ở các tuần lễ thời trang ở nước ngoài. Người mẫu Việt Nam không hề thua kém với đồng nghiệp của họ ở các sàn diễn thời trang quốc tế. Họ được đánh giá rất cao.
Nhưng đến khi tôi được công nhận là thành viên của Hiệp hội Thời trang cao cấp châu Á, thì quyết tâm đó lớn hơn. Tôi lấy kinh nghiệm từ khi mới bắt đầu chương trình Vietnam’s Next Top Model là nếu mình quyết tâm thì mình làm được.
Chị Lê Thị Quỳnh Trang. (Nguồn: Vietnam+) |
- Để thực hiện được ước mơ, chắc hẳn chị đã phải đương đầu với rất nhiều khó khăn?
- Đầu tiên tôi có liên hệ IMG Worldwide, đơn vị tổ chức Mercedes-Benz Fashion Week, nhưng họ đưa ra chi phí rất đắt nên không thể tiến hành được. Tôi tạm gác chuyện đó sang một bên.
Ước mơ về tuần lễ thời trang quốc tế tại Việt Nam bùng cháy khi tôi đưa thí sinh Vietnam’s Next Top Model 2014 đi Singapore để trình diễn. Ở đó, tôi thấy các bạn làm việc rất chuyên nghiệp, chẳng kém gì Mỹ hay Pháp trong cách thức tổ chức.
Sau chuyến đi đó về, tôi liên lạc với FIDé Fashion Week để mời họ hợp tác tổ chức tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam. Ban đầu họ lưỡng lự. Họ bảo rằng họ chưa gặp được người nào có thể thuyết phục được họ.
Sau đó tôi mời họ sang Việt Nam và xem cách chúng tôi làm việc trong đêm chung kết của chương trình Vietnam’s Next Top Model mùa 4. Sau đó họ kéo cả ê-kip sang. Sau chuyến đi đó họ có thiện cảm với chúng tôi. Sau rất nhiều đàm phán giữa hai bên, họ nhìn thấy nỗ lực của tôi và họ đồng ý hợp tác làm việc. Nhưng mọi thứ vẫn chưa xong.
Ông Frank Cintamani, chủ tịch Hiệp hội Thời trang cao cấp châu Á, đã nhìn thấy nhiệt huyết của tôi, đã cho tôi cơ hội tiếp xúc với các thành viên khác của hiệp hội và chờ đợi phản hồi từ các thành viên khác với tôi. Sau đó, ông Frank lấy được phiếu thuận của tất cả các thành viên còn lại làm làm đề xuất cho tôi tham gia.
Tháng 4/2014, ông Frank có đến Việt Nam để tham gia buổi họp báo của chương trình Project Runway Vietnam và đến tháng 7, lúc tổ chức đêm chung kết của chương trình này họ cũng sang lần nữa. Sau đêm chung kết đó, họ mới có niềm tin rất lớn và hoàn toàn tin tưởng là chúng tôi có thể trở thành đối tác với nhau.
Ngay trong đêm hôm đó, chúng tôi ký kết hợp tác với FIDé. Lúc đó, ước mơ của tôi về một tuần lễ thời trang quốc tế tại Việt Nam mới thật sự rõ ràng.
- Ngành thời trang Việt Nam sẽ được gì sau tuần lễ thời trang này?
- Tổ chức một tuần lễ thời trang quốc tế tại Việt Nam làm cho thời trang của chúng ta tiến một bước gần hơn so với thế giới. Trong quá khứ Sài Gòn được ví là một Paris của châu Á, nhưng vì chiến tranh quá lâu nên chúng ta quên đi gout thời trang được ảnh hưởng từ Pháp.
Người Việt Nam có gout thẩm mỹ rất tinh tế và cũng có nhiều nhà thiết kế tài năng. Qua những buổi casting cho các chương trình về thời trang, tôi thấy nhiều bạn trẻ có suy nghĩ về thời trang rất ngây ngô. Đơn giản và vì ngành thời trang của chúng ta vẫn còn xa so với trình độ của thế giới.
Tôi không thể mang tất cả các nhà thiết kế, người mẫu của mình ra nước ngoài được. Đây sẽ là cơ hội tốt cho họ. Ở tuần lễ thời trang này có rất nhiều nhà thiết kế có tên tuổi trên thế giới.
- Theo chị đâu là điểm mà các nhà thiết kế, người mẫu Việt Nam cần cải thiện để có thể tiến xa hơn nữa trên làng thời trang thế giới?
- Những nhà thiết kế, người mẫu tôi đưa đi đều được đánh giá rất cao. Chỉ có một điều là khả năng ngoại ngữ. Vì thời trang Việt Nam còn xa so với thế giới nên các bạn còn thiếu tự tin, tác phong làm việc chưa thực sự chuyên nghiệp. Sau khi đi trình diễn nước ngoài nhiều lần, bây giờ Hoàng Thùy có thể tự tin một mình bay sang London làm việc.
Tôi tin là tuần lễ thời trang này là cơ hội rất tốt sẽ giúp các bạn ấy có cơ hội cọ sát và trở nên chuyên nghiệp hơn. Đây là cơ hội rất lớn cho các nhà thiết kế Việt Nam, vì từ trước tới nay chúng ta làm thời trang theo cách chúng ta nghĩ. Nếu mình cứ đi theo con đường riêng của mình thì mình mãi mãi tụt hậu. Đó là lý do vì sao tôi quyết định hợp tác với quốc tế để mang tuần lễ thời trang về Việt Nam.
Tôi cảm thấy rằng tất cả việc mà chúng ta đang làm là chúng ta đi sau thế giới. Bây giờ là thời kỳ hội nhập toàn cầu, mà chúng ta cứ làm theo cách của chúng ta thì không thể nào để hòa nhập được. Đó là lý do vì sao tôi phải hợp tác với nước ngoài. Đó là cách để mình bắt kịp với họ một cách nhanh nhất.
- Sau sự kiện này, chị có tự tin rằng ngành thời trang Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa với nhiều sự kiện mang tính quốc tế như thế này?
- Chắc chắn. Trước đây tôi đưa người mẫu và nhà thiết kế đi tham dự các tuần lễ thời trang thì tôi mơ ước về một tuần lễ thời trang tại Việt Nam.
Tôi vừa được đi tham dự Gala về thời trang rất hoành tráng với rất nhiều nhà thiết kế tên tuổi trên thế giới, tôi bắt đầu có một ước mơ tiếp theo là tổ chức được một bữa tiệc như vậy ở Việt Nam. Không biết đến bao giờ nó mới thành hiện thực.
- Chị đã làm được nhiều việc cho ngành thời trang Việt Nam, nhưng điều thú vị là chị vốn không thuộc về ngành thời trang?
- Tôi tốt nghiệp Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội và sau này học thêm bằng thạc sĩ của chuyên ngành này. Sau đó tôi làm kế toán, rồi làm kế toán trưởng tại một số công ty. Sau này tôi có cơ hội làm việc cho công ty E-media.
Thời điểm đó E-media sản xuất chương trình Ai là triệu phú. Tôi may mắn có cơ hội tham gia sản xuất chương trình này từ những ngày đầu tiên, lúc trong quá trình thương thảo mua bản quyền đến khi lên sóng truyền hình.
Mặc dù trong công ty, tôi làm tài chính - kế toán nhưng vì là người có chút năng khiếu và thích các hoạt động văn nghệ, nên khi mọi người sản xuất chương trình, tôi cũng đi theo và làm việc. Thời điểm đó tôi mang thai bảy tháng nhưng ngày nào tôi cũng lăn lộn ngoài hiện trường. Có được kinh nghiệm học hỏi từ những ngày tháng đó, tôi bắt đầu rất thích.
Lúc đó tôi chỉ là người làm thuê thôi. Do nội bộ công ty có vấn đề nên chương trình được bán cho bên khác nên tôi bơ vơ và bắt đầu nghĩ đến việc thành lập công ty của chính mình. Tôi hỏi ý kiến của hai người sếp cũ và họ ủng hộ. Khi mở công ty, tôi bắt đầu tham gia hội thảo, liên hoan truyền hình nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở Cannes. Và mỗi lần đi như vậy, tôi học được rất nhiều.
Ở những liên hoan như vậy, nhiều chương trình truyền hình được đem ra chào bán. Thời điểm đó tôi thấy chương trình Next Top Model được ghi là hơn 100 quốc gia sản xuất và phát sóng. Lúc đó tôi có ý nghĩ trong đầu là nếu chương trình này có thể đáp ứng được tất cả các nền văn hóa khác nhau thì tính quốc tế của nó rất cao.
Nếu nó đã được sản xuất ở hơn 100 quốc gia thì sức nóng của chương trình này rất lớn. Là một người phụ nữ, tôi cũng thích thời trang. Tôi bắt đầu đặt vấn đề mua bản quyền của chương trình này.
- Việc mua bản quyền một chương trình truyền hình thực tế hot như vậy, chị có gặp khó khăn gì không?
- Để có được bản quyền đó cũng không hề đơn giản. Lúc đó rất nhiều công ty ở Việt Nam cũng đàm phán mua bản quyền chương trình này. Tôi gửi cho họ thông tin về năng lực và kinh nghiệm của công ty, nhưng cũng chưa thuyết phục được họ. Sau đó họ đến Việt Nam để xem cách làm việc của công ty.
Tôi đưa họ đến gặp đài truyền hình Việt Nam, những nhà tài trợ tiềm năng. Sau khi về nước họ mới quyết định chọn Công ty Multimedia. Sau khi đạt được mục đích, thực sự lúc đó tôi không biết nên bắt đầu từ đâu.
Năm tháng sau khi ký hợp đồng, chuyên gia của CBS sang Việt Nam để kiểm tra xem sự chuẩn bị cho chương trình đến đâu rồi. Họ thấy là sự chuẩn bị lúc đó còn rất nghèo nàn. Sau chuyến đi đó về họ gửi email thông báo có lẽ họ phải chấm dứt hợp đồng này bởi vì với sự chuẩn bị như thế thì kông đủ khả năng để sản xuất chương trình này.
Lúc đó tôi lo lắng vô cùng và tôi hỏi họ xem có nước nào đang sản xuất chương trình này không và xin đến để học hỏi. Rất may lúc đó Mỹ đang sản xuất mùa thứ 15. Tôi cho ê-kíp sang đó, và trong gần một tháng cả ê-kíp lăn lộn cả ngày lẫn đêm.
Chuyến đi đó đã đánh dấu một dấu mốc rất quan trọng. Nó thay đổi tầm nhìn của mình rất nhiều từ việc tạo dựng ngôi nhà chung, từ việc bảo mật, chọn thí sinh. Được tận mắt chứng kiến họ làm việc đã giúp thay đổi tầm nhìn mình rất nhiều.
Bây giờ nghĩ về mùa đầu tiên của Vietnam’s Next Top Model, tôi không biết lúc đó làm sao mà có thể vượt qua được. Lúc đó cả tuần lễ tôi không ngủ tý nào.